Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm bài thi lớp 10 theo đề mở

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đề thi lớp 10 năm nay tiếp tục được ra theo hướng mở, tăng cường các câu hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

Chỉ còn 2 tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra. Trước việc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ ra đề theo hướng mở, nhiều giáo viên lưu ý thí sinh (TS) cần nắm bắt cách làm bài thông minh, linh hoạt.

Ngữ văn: Chú trọng sự sáng tạo

Hầu hết giáo viên môn Ngữ văn tại TP.HCM đều cho rằng xu hướng ra đề thi môn này trong những năm gần đây đã triệt tiêu cách học tủ, học vẹt của TS. Chính vì thế, ở môn này, TS cần cẩn trọng trong việc nắm vững yêu cầu của đề, có thể cùng một ngữ liệu văn học nhưng sẽ có nhiều câu hỏi khác nhau, không bó hẹp ở riêng câu hỏi nào.

Thay đổi lớn nhất ở môn Ngữ văn năm nay là phần đọc - hiểu. Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn Sở GD&ĐT TP.HCM, như các năm trước, phần này sẽ yêu cầu đọc và trả lời các câu hỏi liên quan một đoạn văn bản trong hoặc ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc ra văn bản như vậy rơi vào phạm vi rất rộng.

Tuyen sinh lop 10 anh 1
Học sinh lớp 9 trường THCS Ngô Tất Tố (quận 10, TP.HCM) trong một buổi ôn thi Ảnh: Tấn Thạnh / Người Lao Động.

Năm 2018, văn bản sẽ hướng vào một lĩnh vực cụ thể, có thể là khoa học, sử, địa, giáo dục công dân… Việc khoanh vùng văn bản đọc - hiểu như vậy thật ra không gọi là đổi mới nhưng giúp giáo viên và học sinh bớt áp lực, căng thẳng, không mông lung hay hướng vào những văn bản hư cấu.

Cô Trần Lê Thúy Trúc, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), lưu ý TS phân bổ thời gian hợp lý, đừng quá sa đà ở câu 2 - nghị luận xã hội mà không còn thời gian cho câu 3 - nghị luận văn học. Ở phần đọc - hiểu, chỉ nên làm 10-15 phút, phần nghị luận xã hội làm trong khoảng 40 phút, thời gian còn lại dành cho câu 3.

Cô Trúc khuyên TS nên vận dụng các kỹ năng để làm bài sáng tạo, không học tủ, học vẹt. Ngoài ra, TS cần để ý kỹ năng viết, phân tích đề, lập dàn ý. Tuy đề theo hướng mở nhưng ngữ liệu cuộc sống không quá xa lạ, TS tránh lan man dài dòng.

"Vì đề thi có sự phân hóa đánh giá trình độ TS nên bất cứ em nào cũng có thể làm được tùy ở các mức độ câu hỏi. Đề ngữ văn cũng ngày càng có chiều sâu để TS có thể bộc lộ cảm xúc, tư duy, kỹ năng" - cô Trúc cho biết.

Môn Toán: Tích hợp kiến thức

Môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ tăng các câu hỏi từ thực tiễn so với năm 2017. Tuy nhiên, các giáo viên lưu ý TS không nên quá lo bởi dù tăng kiến thức nào thì các câu hỏi của đề thi cũng sẽ "thuần" về yêu cầu giải quyết các vấn đề của toán học. Đó là vận dụng kiến thức về tam giác đồng dạng, tỉ số lượng giác, lãi suất phần trăm, tính diện tích, thể tích, định lý Pitago, Talet...

Thầy Nguyễn Anh Hoàng, giáo viên Toán trường THCS Nguyễn Du (quận 1), lưu ý TS cần chú ý đọc kỹ đề, dữ liệu câu hỏi để trả lời chính xác, vẽ hình chính xác, rõ ràng.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, cấu trúc đề thi năm nay sẽ gồm 10 câu hỏi riêng biệt với thang điểm 10, trong đó có 3 điểm về các bài toán về các lĩnh vực khác. Trong tổng thể kiến thức sẽ có 50% là câu hỏi hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa.

Cụ thể, từ câu 1 đến câu 5 nhằm kiểm tra sự thông hiểu và vận dụng kiến thức ở dạng cơ bản của TS. Từ câu 6 đến câu 8 là những bài toán thực tế, yêu cầu TS phải hiểu bài và biết cách vận dụng kiến thức môn học vào thực tiễn, có lồng ghép kiến thức một số môn học khác như lý, hóa. Hai câu 9 và 10 thuộc dạng vận dụng cao nhằm phân hóa TS. 

Thêm áp lực cho thí sinh vào lớp 10 với bài thi tổ hợp Việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng bài thi tổ hợp được đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn lo lắng vì đây là cách làm mới.

Tiếng Anh: Ứng dụng thực tế

Cô Nguyễn Trần Chân Ái, giáo viên môn tiếng Anh trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), lưu ý TS đừng để bị áp lực đè nặng. Khi làm bài thi tiếng Anh, TS nhớ vận dụng khả năng tiếng Việt để dịch nhằm tránh sai sót. Đặc biệt, khi làm phần viết lại câu thì phải dịch để kiểm tra ý của đề bài và bài làm của mình, xem có khớp ý hay không. Nhiều TS thường chủ quan với phần này.

Cô Ái dặn dò TS chú ý các dấu câu quan trọng. Ở phần này, có thể người chấm thi bỏ qua nhưng cũng có thể không. Khi làm bài tập sắp xếp câu, TS nhớ đánh dấu và đếm số từ để không bị sót (nên làm ở giấy nháp vì làm trong đề dễ bị cho là đánh dấu đề).

"Bài thi ngày càng mang tính thực tiễn, có thể tích hợp vào thực tế cuộc sống nên TS cần ứng dụng từ thực tế, tập trung làm bài, không thiên quá nhiều về ngữ pháp" - cô Ái nhấn mạnh.

TP.HCM tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thường trường THPT Mạc Đĩnh Chi

Tối 8/5, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến 24 phòng giáo dục các quận/huyện để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thường của trường THPT Mạc Đĩnh Chi năm học 2018-2019.


https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lam-bai-thi-lop-10-theo-de-mo-20180515210616466.htm

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm