Zing.vn tổng hợp bài đăng trên The Atlantic & The Guardian, đề cập đến câu chuyện sau chia tay, vì nhiều lý do, các đôi vẫn muốn giữ mối quan hệ bạn bè tốt đẹp dù không còn yêu nhau.
Khi Rebecca Griffith, sinh viên Đại học Kansas (Mỹ), trình bày kết quả nghiên cứu về đề tài mối quan hệ của hai người đã chia tay, các câu hỏi từ phía hội đồng lẫn người nghe đều không xoay quanh phương pháp phân tích dữ liệu hay kết luận của cô như mọi đánh giá nghiên cứu thông thường.
Hầu hết mọi người đều chỉ tập trung vào vấn đề duy nhất: Liệu họ có nên duy trì quan hệ bạn bè với người yêu cũ sau khi hai người đã “đường ai nấy đi”?
Trên Quora, Yahoo!Answers, Reddit, vô số tài khoản bày tỏ mong muốn xin lời khuyên từ người khác về vấn đề có hay không một tình bạn giữa những người đã chia tay.
Chia tay xong trở thành bạn thân?
“Người yêu cũ là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi chia tay 7 năm trước sau 2 năm yêu đương. Đến giờ, chúng tôi và gia đình hai bên vẫn rất thân thiết. Cô ấy còn đứng ra tổ chức sinh nhật vừa rồi cho tôi. Tôi không hề là người duy nhất như vậy. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng hẹn hò, kết hôn, chia tay, nhìn nhận lại mối quan hệ rồi quay lại làm bạn của nhau”, Ammar Kalia (32 tuổi) cho hay.
Câu hỏi "Liệu có nên làm bạn sau khi chia tay" gây băn khoăn với cả hai giới. Ảnh: Pinterest. |
Joy Smith, 27 tuổi, cũng chọn cách làm bạn với Joe, người yêu cũ 8 năm của cô. Mối quan hệ của họ tan vỡ khi Joe lừa dối, lén lút sau lưng với người bạn thân của em họ cô.
Một vài tháng sau, khi Giáng sinh cận kề, cô gái mới quyết định “bước tiếp”.
“Chúng tôi là những người bạn tốt ở trường học trước khi đến với nhau. Sau khi câu chuyện vỡ lở, anh ấy xin lỗi rất nhiều. Rõ ràng chúng tôi sẽ không quay lại bên nhau nhưng tôi vẫn muốn làm bạn vì nếu không, sẽ rất khó để cư xử với những người bạn chung”, cô gái nói.
Cũng nhờ quyết định đó mà Joy sớm gặp người chồng tương lai của mình tên Luke tại một bữa tiệc sinh nhật của Joe.
“Điều này thật khó khăn nhưng tôi nhận ra tôi vẫn rất muốn có Joe dưới tư cách một người bạn thay vì gắn bó cả đời với anh ấy. May mắn, chồng tôi hoàn toàn tin tưởng và không ghen tuông khi tình bạn của tôi và Joe vẫn tốt dần lên”, Joy cho biết.
Năm năm sau, Joe trở thành người chứng kiến bạn thân lên xe hoa. “Anh ấy như một người anh em của tôi. Tôi yêu anh ấy rất nhiều, nhưng không phải thứ tình cảm trai gái yêu đương”, Joy nói.
Năm 2016, Mari Thomson (25 tuổi), kết thúc mối quan hệ bốn năm với người yêu tên Will. Sau đó, cô rời bỏ công việc, cắt đứt liên lạc và đến Trung Quốc trong 6 tháng.
“Chúng tôi đã yêu nhau suốt chặng đường đại học nhưng cuối cùng, sự lãng mạn biến mất và có cảm giác cả hai chỉ như bạn bè”, Mari nhớ lại.
Sau đó, Mari có mối quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác. Sự thay đổi đột ngột gây ra nhiều khó khăn cho mối quan hệ của cô với Will.
“Có một vài khoảnh khắc thật sự khó xử. Chúng tôi chạm mặt tại nhiều bữa tiệc, đôi khi trở nên thân thiết quá mức”, cô gái nhớ lại.
“May mắn thay, không có gì thực sự tồi tệ xảy ra khi hai người chia tay nên có lẽ làm bạn dễ dàng hơn. Giờ đây, anh ấy thấy hạnh phúc cho tôi và tôi cũng vui khi nhìn thấy Will hạnh phúc”, cô gái khẳng định.
"Không muốn nhìn người yêu cũ có người yêu mới"
Theo Rebecca Griffith, có 4 lý do khiến những người yêu nhau cảm thấy nên duy trì làm bạn sau chia tay, hoặc ít nhất đề xuất mong muốn ấy với đối phương.
Thứ nhất là sự văn minh: “Tôi muốn tình yêu này tan vỡ theo cách ít đau đớn nhất có thể”.
Thứ hai là tâm lý dự phòng: “Tôi sẽ gặp gỡ các đối tượng khác nhưng vẫn giữ liên lạc với người cũ, phòng trường hợp tôi thay đổi ý định”.
Thứ ba là tính thực tế: “Chúng tôi làm việc cùng nhau, đi học chung. Hai người chơi cùng một hội bạn. Do đó chúng tôi cần hạn chế việc chia tay có thể khiến các mối quan hệ khác cũng hỏng theo”.
Thứ tư là vấn đề lòng tin: “Tôi tin tưởng anh ấy/cô ấy và vẫn muốn có người cũ hiện diện trong cuộc sống như một người bạn đáng tin cậy và sẵn sàng hỗ trợ mình”.
Mặt khác, trong các cuộc chia tay, câu nói "Hy vọng mình vẫn có thể làm bạn" được người trong cuộc coi là cách tử tế để xoa dịu nỗi đau và sự tổn thương. Nỗ lực làm bạn phần nào biểu hiện cho lòng tốt của đối phương dành cho nhau, khi họ vẫn muốn gắn bó dù không còn yêu nhau nữa.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học và lịch sử, mong muốn tiếp tục làm bạn, hay ít nhất không “từ mặt nhau” của các đôi chỉ xuất hiện trong vài thế hệ trở lại đây. Câu nói “Anh/Em hy vọng mình vẫn là bạn” tiết lộ nhiều điều về cả mối quan hệ yêu đương lẫn bè bạn thời hiện đại.
"Hy vọng chúng mình vẫn có thể là bạn" có thể xuất phát từ việc nhiều đôi không chấp nhận chuyện hai người đã chia tay. Ảnh: Vatanda. |
Rebecca Adams, Giáo sư Xã hội học tại Đại học North Carolina (Mỹ), cho hay khi nghiên cứu về tình bạn nam nữ trong giai đoạn cuối những năm 1970, cô phát hiện rằng những phụ nữ sinh ra vào đầu thế kỷ 20 hầu như không có bạn bè khác giới.
“Những phụ nữ đó lớn lên trong thời đại mà nếu có một người bạn nam, đó là vì anh ta là người yêu bạn. Trong phần lớn thế kỷ 20, mọi người thường mặc định đàn ông và phụ nữ tìm đến nhau chỉ để hẹn hò, kết hôn và sinh con đẻ cái”, nữ giáo sư chỉ ra.
Tình hình chỉ thay đổi vào những năm 1990, khi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và dần được nhìn nhận công bằng với nam giới. Làm cùng chỗ, giao lưu vào giờ ăn trưa khiến hai giới dần phát triển tình bạn nhiều hơn.
Và khi tình bạn khác giới ngày càng củng cố, các mối tình công sở dần xuất hiện, dẫn đến tình trạng các tình cũ đụng mặt ở nơi làm việc cũng thường xuyên hơn.
Nhiều bạn bè chơi chung là lý do khiến nhiều đôi chọn vẫn giữ quan hệ bạn bè sau khi chia tay. Ảnh: The Atlantic. |
“Một trong những phần khó nhất là thông báo cho các bạn bè chung là hai người đã chia tay. Và cuối cùng, cả hai vẫn cố gắng duy trì quan hệ với nhóm bạn, nhưng hiếm khi đầy đủ như cũ nữa”, Kelli Korducki, tác giả cuốn sách The Surprising, Feminist History of Breaking Up, cho hay.
Sự phổ biến của việc làm bạn sau khi chia tay phần nào gắn liền với sự gia tăng nỗi cô đơn của thế hệ trẻ ngày nay. Những người cảm thấy mình đơn độc nhận thức sâu sắc về giá trị tiềm năng của người yêu cũ - người mà họ đã đầu tư nhiều thời gian và công sức để phát triển mối quan hệ tình cảm trước đó.
“Khi yêu đương lâu dài, hai người không chỉ có những người bạn chung, mà còn với những người khác nữa. Ví dụ, bạn có thể gần gũi với đồng nghiệp, gia đình họ, có mối quan hệ tốt đẹp với anh chị em của họ. Giữ tình cảm bạn bè giúp duy trì mạng lưới quen biết trước đó sinh ra nhờ chuyện tình của hai người”, Kelli phân tích.
“Không ai nói chuyện chia tay là dễ dàng, chuyện này có thể tồi tệ như sự mất mát. Người yêu cũ sẽ tiếp tục cuộc sống và bạn đau lòng khi chứng kiến họ bước tiếp, yêu người mới. Có lẽ đây là lý do nhiều người rất quyết tâm vẫn là bạn bè”, Miles Pulver, một nhà trị liệu, cho biết.
“Tôi không nghĩ rằng mọi người có thể dễ dàng tách biệt chuyện tình với mối quan hệ bạn bè mà không gặp trở ngại lớn. Nhiều người không muốn đối diện với sự thật rằng tình yêu đi đến hồi kết, chưa kiếm được 'mối' tốt hơn, vậy nên họ đề nghị làm bạn, dù chẳng thực sự có ý đó”, Christina Fraser, một cố vấn trong các mối quan hệ, cho hay.
Tuy nhiên, cố vấn Barbara Bloomfield cảnh báo việc trở nên quá thân thiết và gần gũi với “người cũ” có thể kìm hãm khả năng “bước tiếp”, ngay cả khi đã có người yêu mới.
“Điều này tạo cảm giác về một mối quan hệ tay ba vậy”, bà Barbara đúc kết.