Lớn lên từ những khó nhọc
Ba mẹ chia tay nhau năm Bảo vừa lên 2 tuổi. Sau đó, ba có gia đình riêng nên cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến em. Tuổi thơ Bảo lớn lên trong sự tảo tần, yêu thương của mẹ. Là mẹ, ai chẳng muốn con mình có cuộc sống đầy đủ, được học hành đến nơi đến chốn, nhưng cuộc sống khắc nghiệt với gánh nặng cơm áo nên nhiều lúc mẹ Bảo cũng đành phải ngậm ngùi.
Khi Bảo thi đỗ vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, mẹ em không cho học vì sợ con không đủ điều kiện để theo kịp bạn bè. Sau nhiều lần Bảo thuyết phục, mẹ em cũng đã đồng ý. Và kết quả của 3 năm miệt mài trên ghế nhà trường là vừa qua Bảo đã thi đỗ á khoa ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) với số điểm 25,5. Ngoài ra, Bảo còn thi đậu vào ĐH Tài chính - Marketing với số điểm 23,5.
Em Lưu Anh Bảo. |
Trước lúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, Bảo đắn đo mãi rồi quyết định chọn thi vào Khoa Công nghệ sinh học của ĐH Quốc tế khi biết thông tin những thí sinh nào đạt được số điểm từ 24,5 điểm trở lên sẽ được nhận một suất học bổng của trường là học phí 4 năm học, trị giá 160 triệu đồng. “Những ngày ôn thi ĐH, em chỉ có một quyết tâm là nhất định phải đạt trên 24,5 điểm để được học bổng thì sẽ đỡ đi gánh nặng học phí. Nếu không được học bổng, cánh cửa vào ĐH của em có thể sẽ phải khép lại”, Bảo nói.
Nhìn đôi mắt sáng, tràn đầy niềm lạc quan của Bảo khi trò chuyện với chúng tôi, khó có thể tưởng tượng được những tháng ngày mà em và mẹ đã đi qua. Bảo không có một tuổi thơ êm đềm như nhiều bạn đồng trang lứa. Bao vất vả hằn lên đôi vai của mẹ em khi bà phải một mình nuôi con, cố gắng cho con được đến trường. Mẹ Bảo làm nghề nail dạo, thu nhập không ổn định nên cuộc sống nhiều lúc khó khăn vô cùng.
Năm 2006, mẹ em vay tiền để mở một cửa hàng làm ăn nhưng thua lỗ, nợ nần chồng chất và đến nay vẫn chưa trả hết. 3 năm học THPT, vào những ngày nghỉ, Bảo xin làm nhân viên phụ bưng bê ở một quán trà sữa để có tiền đỡ đần cho mẹ. Rồi em còn đi phát tờ rơi, nhận dịch tài liệu tiếng Anh trên mạng... “Hồi bé, em đã nhiều lần chứng kiến cảnh người ta đến nhà đòi nợ, dùng những lời lẽ thô tục để chửi bới mẹ. Khi đó, em dặn lòng là phải cố gắng học thật giỏi để sau này giúp mẹ trả nợ và lo cho cuộc sống của hai mẹ con”, Bảo tâm sự.
Suốt 3 năm học THPT, Bảo đã đạt được những thành tích: Huy chương vàng môn địa lý trong kỳ thi Olympic truyền thống 30/4; giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý; giải nhất môn sinh học kỳ thi học sinh giỏi cấp TP… Không chỉ là một học sinh giỏi, Bảo còn rất tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường.
Hình ảnh cậu học trò Lưu Anh Bảo trong những tiết mục nhảy hiện đại đã gây bất ngờ cho thầy cô và bạn bè. “Kỷ niệm những lần tham gia các chương trình biểu diễn văn nghệ tại trường, tham gia Liên hoan nhóm ca khúc Chú ve con đã giúp em có thêm nhiều trải nghiệm, giúp em dạn dĩ, tự tin hơn rất nhiều”.
“Sức khỏe của mẹ là điều em lo lắng nhất”
3 năm học THPT, vào những ngày nghỉ, Bảo xin làm nhân viên phụ bưng bê ở một quán trà sữa để có tiền đỡ đần cho mẹ. Rồi em còn đi phát tờ rơi, nhận dịch tài liệu tiếng Anh trên mạng...
Chia sẻ với chúng tôi về những ước mơ, dự định trong thời gian tới, đôi mắt Bảo lấp lánh niềm tin, sự lạc quan của một học sinh vừa rời ghế nhà trường và sắp sửa bước vào đời. “Có một cô giáo ở trường đã giới thiệu cho em chỗ dạy kèm để em có tiền trang trải cho những ngày tháng sắp tới. Suốt thời gian học ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, em thật may mắn khi được các thầy cô quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Những món nợ ân tình này không biết đến khi nào em mới đền đáp được”, Bảo chia sẻ.
Câu chuyện bỗng chùng xuống khi em nói: “Sức khỏe của mẹ mới là điều em lo lắng nhất hiện nay. Cực khổ sao em chịu cũng được, chỉ cần mẹ em được khỏe mạnh”. Bảo và mẹ hiện đang sống cùng những người bà con trong căn nhà nhỏ của ngoại em ở quận Bình Thạnh (TP.HCM).
“Những đêm mẹ đi làm về, hai mẹ con vẫn thường thủ thỉ tâm sự với nhau. Nhiều lúc thấy hơi thở mẹ yếu, em tranh thủ học bài để mẹ đi ngủ sớm. Em chỉ mong mẹ đủ sức khỏe đến ngày em ra trường, đi làm và sẽ trả hết số nợ cho người ta, bù đắp lại cho mẹ những tháng ngày đã cực nhọc vì em”, Bảo tâm sự. Chặng đường phía trước của Bảo có lẽ sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng với ý chí, nghị lực của mình, hy vọng Bảo sẽ vượt qua tất cả để có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão mà em ấp ủ.
Các thầy cô ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đều thông cảm với hoàn cảnh và thương cậu học trò nghèo hiếu học. Cô Hồng Phúc - giáo viên chủ nhiệm lớp Bảo - cho biết: “Ngay từ năm Bảo học lớp 10, được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp của em, tôi đã có một ấn tượng sâu sắc về cậu học trò này. Bảo không có điều kiện như các bạn trong lớp nhưng em rất lạc quan, luôn cố gắng vươn lên trong học tập và tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào…”