Trưa 15/11, nhóm 7 người xông vào quán cà phê của chị Võ Thị Thúy Hằng (29 tuổi, ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) xịt hơi cay rồi đưa người phụ nữ này lên ôtô. Anh Trần Ngoại Giao (30 tuổi, chồng chị Hằng) lao ra can ngăn cũng bị xịt hơi cay. Sau đó, chồng chủ quán cà phê cầm thanh sắt đâm một người tử vong và làm 2 người khác bị thương.
Công an tình nghi bà Võ Thị Kim Chi (53 tuổi, mẹ chị Hằng) là chủ mưu thuê 7 người đến bắt cóc con gái vì không muốn chị Hằng ở với anh Giao.
Theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp) nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ diễn biến hành vi, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, gây nguy hiểm cho nhau của hai bên, đồng thời làm rõ ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả để xác định những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự của anh Giao cũng như nhóm bắt cóc.
Tối đa 15 năm tù cho nhóm bắt cóc
Ông Cường cho biết nếu nghi ngờ của cơ quan điều tra là chính xác, bà Chi cùng 7 người bắt cóc có thể bị khởi tố về tội Bắt, giữ người trái pháp luật và Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định tại Bộ luật hình sự (BLHS) 2015.
Điều 157 BLHS 2015 quy định hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: A.Minh. |
Với những tình tiết định khung quy định tại khoản 2, 3 điều này như có tổ chức; đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ hay tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân thì người vi phạm có thể đối diện mức án tối đa 12 năm tù.
Ngoài ra, công an cũng sẽ làm rõ mối quan hệ hôn nhân giữa chị Hằng và anh Giao. Nếu mối quan hệ này là hôn nhân hợp pháp, tự nguyện, tiến bộ và những người cản trở đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 181 BLHS 2015 với mức án tù cao nhất là 3 năm.
Tổng hợp 2 tội danh, mức án tối đa dành cho nhóm này có thể lên đến 15 năm tù.
Trường hợp chưa bị phạt hành chính thì hành vi cản trở hôn nhân sẽ bị xử phạt theo Khoản 2, Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt 100.000-300.000 đồng.
Người chồng có được loại trừ trách nhiệm hình sự?
Về hành vi của anh Giao, luật sư Cường cho rằng cần làm rõ tình huống, mức độ sử dụng vũ lực để xác định hành vi có được xếp vào nhóm bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng để loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
Trong trường hợp nhóm bắt cóc xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người vợ, anh Giao đã yêu cầu thả người nhưng nhóm này sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ tấn công lại thì người đàn ông này có quyền tự vệ, chống trả để triệt tiêu sức tấn công của đối phương.
Điều 22 BLHS 2015 quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Anh Trần Ngoại Giao đến cơ quan công an trình diện sau khi vụ việc xảy ra. Ảnh: Công an Vĩnh Long. |
Điều 24 BLHS 2015 bổ sung tình huống công dân được phép dùng vũ lực, thậm chí gây thương tích cho kẻ phạm tội quả tang trong quá trình bắt giữ. Hành vi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi chống trả, bắt giữ có cần thiết hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.
Nếu không gây thiệt mạng, gây thương tích cho những người đó mà anh Giao và vợ sẽ bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng thì có thể được xác định là phòng vệ chính đáng, kể cả hậu quả làm chết người.
Còn cơ quan chức năng xác định anh Giao đã chống trả quá mức cần thiết thì hành vi này là Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126), hoặc Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125). Mức án tối đa dành cho người đàn ông này theo 2 tội danh trên lần lượt là 5 và 7 năm tù.