Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Làm' dạ dày mới cho cụ ông 88 tuổi tái phát ung thư sau 40 năm

Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày cách đây 40 năm, gần đây bệnh tái phát và buộc phải nhập viện điều trị.

Ợ chua và trào ngược dạ dày một thời gian, cứ ngỡ đó là dấu hiệu đau dạ dày bình thường nên ông Hồ Năng T. (88 tuổi, quê tại Hà Tĩnh) chủ quan không đi khám. Khi các dấu hiệu này ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng thì ông mới đến Bệnh viện K kiểm tra.Do bệnh nhân có tiền sử ung thư dạ dày đã phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày cách đây 40 năm, các bác sĩ đã chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân T. bị ung thư dạ dày, giai đoạn tiến triển.

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết đây là trường hợp bệnh nhân ung thư miệng nối dạ dày, bệnh nhân đã từng phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, tổn thương ở miệng tiến triển viêm và ung thư hóa.

“Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao, sau khi đánh giá tổn thương tại chỗ, chưa di căn, thể trạng bệnh nhân đảm bảo và sự quyết tâm của cụ T. cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ dạ dày, tạo hình dạ dày mới cho bệnh nhân”, TS Bình nói.

Kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại bụng 1, trưởng kíp là TS.BS Phạm Văn Bình và kíp gây mê TS.BS Trần Đức Thọ, ThS Phạm Văn Nam cùng phối hợp với chuyên gia gây mê hồi sức GS Nguyễn Quốc Kính đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau 4 giờ “đấu trí”, kíp phẫu thuật đã thực hiện cắt toàn bộ dạ dày, loại bỏ tổn thương kích thước 2x3 (cm) và tạo hình dạ dày mới cho cụ T. Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, ra viện sau 7 ngày điều trị.

'Lam' da day moi cho cu ong 88 tuoi anh 1
Một ca phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa do các bác sĩ Khoa Ngoại bụng 1- Bệnh viện K thực hiện. Ảnh: Tiền Phong.

Để phòng ngừa bệnh ung thư đường tiêu hóa, các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A … và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra, những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, nôn ra máu, nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.

Thực phẩm 'vạn người mê' tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư

Thực phẩm nướng hay dưa muối, cá muối đều là những món ăn được mọi người ưa chuộng, nhưng chúng đều tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư rất lớn.


https://www.tienphong.vn/suc-khoe/lam-da-day-moi-cho-cu-ong-88-tuoi-tai-phat-ung-thu-sau-40-nam-1416325.tpo

Theo Thái Hà/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm