Rôm sảy là hiện tượng khi da nổi mụn nhỏ, thường có màu đỏ, do quá nóng. Trẻ em ở mọi độ tuổi đều có thể bị rôm sảy, tuy nhiên, trẻ nhỏ dễ gặp vấn đề này hơn.
Rôm sảy thường xuất hiện ở các nếp gấp của da và trên các vùng cơ thể mà quần áo quá chật, trong đó có ngực, bụng, cổ, mông. Nếu bé hay đội mũ, rôm sảy cũng có thể mọc ở vùng trán.
Nguyên nhân gây rôm sảy
Rôm sảy xuất hiện khi bé ra mồ hôi nhiều nhưng lỗ chân lông bị bịt kín khiến mồ hôi không thể thoát ra. Trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị rôm sảy hơn người lớn là do có lỗ chân lông bé hơn.
Thời tiết nóng ẩm của mùa hè là thời điểm rất dễ bị rôm sảy. Tuy nhiên, bé cũng có thể bị rôm sảy trong mùa đông nếu mặc quá ấm hay bị sốt.
Thông thường, rôm sảy không phải là vấn đề nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu cho thấy bé đang bị quá nóng. Tuy nhiên, nóng quá cũng có thể dẫn đến những tình trạng như sốc nhiệt, tăng nguy cơ đột tử không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Rôm sảy thường không gây đau đớn nhưng khiến bé khó chịu vì ngứa.
Cách chữa rôm sảy
- Làm mát cơ thể: Cởi bỏ bớt quần áo, cho bé vào phòng mát hoặc nơi có bóng râm. Dùng khăn ướt lau khắp cơ thể bé để loại bỏ mồ hôi và dầu cơ thể. Có thể dùng khăn ẩm đắp lên những vùng da mọc rôm sảy để hạ nhiệt độ, giúp bé dễ chịu.
- Làm khô da: Dùng quạt để làm khô da thay vì lau bằng khăn. Có thể bôi thuốc hoặc các loại kem trị rôm sảy, tuy nhiên, không nên dùng khi tình trạng của bé chưa quá nghiêm trọng.
- Để da được thở: Hãy để da tiếp xúc với không khí nhiều nhất có thể. Có thể cởi hết quần áo của bé. Chú ý quan sát nhiệt độ của bé, nếu bé bị lạnh nên mặc lại quần áo cho bé.
Nên cắt móng tay cho bé để tránh bé ngứa, gãi gây trầy xước da.
Ảnh: MomJunction. |
Cách phòng tránh rôm sảy
- Vào những ngày nắng nóng, giữ bé ở trong nhà, khi ra ngoài, chỉ chơi ở những nơi có bóng râm. Đảm bảo bé uống nước đầy đủ.
- Mặc quần áo thoáng, nhẹ và rộng rãi cho bé. Chọn các chất liệu tự nhiên như cotton.
- Chú ý đến những vùng da dễ bị ẩm như cổ, bẹn, nếp gấp. Giữ những vùng da này được khô thoáng nhất có thể.
- Không dùng phấn rôm vì bé dễ hít phải bụi phấn, gây kích ứng phổi và các vấn đề về đường thở.
- Kiểm tra thường xuyên xem bé có bị quá nóng hay không. Hãy chạm vào da bé, nếu thấy nóng và ẩm ướt nghĩa là bé cần được giảm nhiệt ngay.
- Ban đêm có thể bật cho bé. Tuy nhiên, tránh để quạt thốc thẳng vào bé. Bạn có thể để ở một khoảng cách vừa phải, sao cho làn gió đến với bé một cách nhẹ nhàng.
Khi nào nên đưa bé đi khám?
Nếu các vết mụn đỏ không biến mất sau khoảng 3-4 ngày, hoặc tình trạng ngày càng tệ, bé bị sốt thì nên đưa con đến bác sĩ khám.