Sáng nay có một ông bố hỏi tôi với giọng rất lo lắng về chuyện con gái một tháng tuổi bám bố mẹ, cứ ngủ dậy là phải bố mẹ bế mới không khóc và làm sao để tách bé ra bây giờ?
Bạn ấy có nghe nói là cứ để nó khóc rồi từ từ sẽ tự quen nhưng thấy con bé khóc đau lòng quá nên không nỡ và muốn hỏi tôi xem có cách nào khác để bày cho bạn ấy không?
Rất tiếc tôi không có cách nào khác.
Thứ nhất, ở một tháng tuổi, bé sống theo bản năng nhiều. Nếu bé cần bạn là do bé thực sự cần, chứ không phải là một sự đòi hỏi để thoả mãn nhu cầu không cần thiết.
Thứ hai, tuy việc để bé khóc đã được áp dụng và đem lại kết quả như mong muốn ở một số nơi trên thế giới nhưng căng thẳng do cách này gây ra sẽ để lại "vết sẹo" vĩnh viễn cho cơ thể bé. Mà mỗi "vết sẹo" này lại đều góp phần khiến cơ thể già đi nhanh hơn và dễ gây bệnh tật. Không chỉ có vậy, các nghiên cứu mới gần đây còn cho rằng, phương pháp này còn khiến bé bị căng thẳng hơn bình thường.
Ban đầu bé khóc đòi bố mẹ vì thấy bất an khi không có bố mẹ gần bên. Sau vài lần khóc mà không thấy bố mẹ xuất hiện, bé vẫn cảm thấy bất an nhưng không khóc nữa vì biết có khóc bố mẹ cũng không xuất hiện. Và khi đó, mức độ căn thẳng của bé sẽ nặng hơn và bị dồn nén bên trong, không giải toả được qua việc đổ nước mắt.
Như thế, phương pháp cứ để bé khóc có thể tiện hơn cho ba mẹ nhưng lại không tốt cho bé, nhất là về lâu dài.
Điều may mắn là hiện tượng này không kéo dài. Đến một lúc nào đó bé sẽ tự hết, không đeo bám ba mẹ nữa. Và mỗi bé sẽ trở nên dần tự lập hơn ở các giai đoạn khác nhau. Nên điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy ôm ấp bé nhiều hơn. Sẽ đến lúc bé không ngồi yên cho bạn ôm ấp nữa đâu!
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.