Khi bị rắn cắn, cần làm gì ngay để tránh hoại tử vùng bị tấn công, vì tôi thấy nhiều trường hợp dù đã cứu được tính mạng nhưng bị mất tay, hoặc chân do phần này bị hoại tử.
Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tư vấn:
Trước mắt bạn cần biết khi bị rắn cắn, vùng tổn thương sẽ có cảm giác đau, sưng nề. Ngoài ra, vị trí bị rắn cắn có thể hoại tử (biểu hiện thâm đen) do nọc độc gây nhiễm trùng, sưng đỏ.
Sau khi bị rắn tấn công, cần tiến hành sơ cứu ngay, trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.
Một bệnh nhân bị hoại tử tay sau khi bị rắn cắn điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: MT. |
Nạn nhân cần nằm yên vì cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn đồng thời cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu. Việc cố định chặt càng dễ dẫn đến hoại tử hơn.
Để tránh hoại tử vùng vết cắn, không nên băng garo sau khi bị rắn tấn công vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Cách sơ cứu tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý, băng quấn kín vết thương bình thường để không gây bầm tím, sau đó chuyển đến bệnh viện.
Bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh, bôi hóa chất, thuốc, lá cây... lên vết cắn. Thực tế, nhiều bệnh nhân đến viện muộn khi vết hoại tử đã sưng nề, phát triển lan rộng xuất phát từ những hành động trên. Lúc này, việc điều trị rất nan giải.
Lưu ý, để tránh nguy hiểm tới tính mạng cũng như hoại tử nặng, khi bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, người bệnh đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong 12 giờ đầu.