Edward Goh (43 tuổi, Singapore) vừa bị tuyên án hôm 17/9 vì tội gian lận, làm giả giấy tờ.
Đầu tháng 5/2020, mẹ của Goh, bà Tan Meng Lan (67 tuổi), bị cho thôi vị trí nhân viên bếp tại một quán mì bò trong khu ẩm thực ION Orchard.
Tại thời điểm đó, chủ quán mới chỉ thông báo bằng lời mà chưa có quyết định chính thức bằng văn bản. Quán ăn này vẫn tiếp tục trả lương cho bà, bao gồm cả khoản đóng góp của Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) cho đến khi duyệt xong các tài liệu liên quan vào đầu tháng 6.
Edward Goh bị bắt vì hành vi gian lận, giả mạo giấy tờ. |
Khi biết mẹ mình nghỉ việc, Goh đã giúp bà nộp đơn xin trợ cấp trực tuyến dù biết rằng điều kiện yêu cầu phải có đơn thôi việc hoặc các văn bản hỗ trợ khác.
Vì thế, anh đã giả mạo một lá thư xin nghỉ việc, dùng kỹ thuật photoshop để dán chữ ký của người chủ cũ - được lấy từ thư tuyển dụng của bà - vào tài liệu được soạn sẵn.
Sau khi hoàn tất, anh đính kèm văn bản giả này với đơn đăng ký để nộp cho cơ quan chức năng. Trong đó, Goh cho biết ngày nghỉ việc của mẹ anh là 7/4 và mức lương cuối cùng bà nhận được là 1.907 SGD, thay vì con số thực là 1.757,50 SGD.
“Khi xác định được lá thư thôi việc là gian lận, các viên chức của MSF (Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore) quyết định không duyệt trợ cấp cho bà Tan. Nếu đơn đăng ký thành công, bà ấy có thể nhận được 2.400 SGD”, Phó công tố viên Nicholas Lim và Jeremy Bin cho hay.
MSF nhanh chóng phát hiện các giấy tờ bị làm giả. |
Đây không phải là lần đầu tiên Goh làm giả giấy tờ. Trước đó, anh từng giúp cha mình - ông Goh Keng Thow (68 tuổi) - giả mạo các văn bản để nộp đơn xin trợ cấp trong mùa dịch, sau khi biết ông chủ động xin nghỉ tại một quán mỳ vào tháng 3.
Tương tự với thủ thuật làm giả giấy tờ cho mẹ, anh cũng dùng công cụ chỉnh ảnh để chèn chữ ký, sửa thông tin và đính kèm vào mẫu đơn đăng ký trực tuyến. Trong lá thư, anh nói cha mình đã nghỉ việc hôm 10/3.
Sau đó, người đàn ông 68 tuổi nhận được khoản trợ cấp đầu tiên là 800 SGD. Tuy nhiên, trước lần chuyển khoản thứ 2, MSF đã phát hiện các tài liệu đính kèm có dấu hiệu làm giả.
Trong đơn tố cáo, các công tố viên lưu ý rằng Goh đã đề nghị cha mẹ mình nộp đơn xin trợ cấp mặc dù biết họ không có các giấy tờ bắt buộc. Hành động của Goh bị cho là “lên kế hoạch trước, có sự chuẩn bị tinh vi, tỉ mỉ để không bị phát hiện”.
Sau vụ việc của Goh, chính phủ cẩn trọng hơn trong việc duyệt đơn xin trợ cấp. |
“Goh đã tìm cách lợi dụng đại dịch Covid-19 và sự nỗ lực của chính phủ để trục lợi cho cha mẹ mình. Các khoản trợ cấp không phải là ‘tiền miễn phí’ để bất cứ ai thích là lấy được. Tòa án phải gửi thông điệp rõ ràng đến công chúng và có biện pháp răn đe những trường hợp như vậy”, đại diện Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore (MSF) nói.
Goh đã trả lại toàn bộ số tiền trợ cấp vào 22/7 và khai nhận hành vi gian lận của mình. Nếu xử phạt nghiêm khắc, Goh có thể bị bỏ tù tới 10 năm, bồi thường hoặc cả hai, theo CNA.