TAND TP Hà Nội hôm 2/8 đưa bị cáo Nguyễn Anh Đức (SN 1987, ở Đống Đa) ra xét xử tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo cáo buộc, từ tháng 4/2019-5/2020, do đang thuộc diện nợ xấu của ngân hàng, bà Trịnh Thị Quỳnh Nga (SN 1976, ở Hoài Đức) đã nhờ bị cáo Đức tìm chỗ vay tiền có lãi suất thấp để chi trả các khoản nợ và có vốn đầu tư kinh doanh. Tháng 2/2019, Đức giới thiệu cho bà Nga làm quen với Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1983, ở Hoài Đức). Khi gặp, Nguyệt giới thiệu mình từng làm việc tại Vietinbank nên hiểu rõ việc làm hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng.
Vì bà Nga thuộc diện nợ xấu nên Nguyệt tư vấn nếu muốn vay tiếp thì phải làm hồ sơ thông tin cá nhân giả để khi tra cứu không bị phát hiện nợ xấu. Sau đó, cả 3 thống nhất để Đức chịu trách nhiệm làm giả các giấy tờ, hồ sơ vay vốn. Tài sản thế chấp là những chiếc ôtô đi thuê. Theo thỏa thuận, bà Nga sẽ phải trả cho Nguyệt 30% tổng số tiền được vay.
Cáo trạng thể hiện 3 người này đã 4 lần dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, trích lục kết hôn, đăng ký ôtô, giấy đăng kiểm và hợp đồng lao động) để vay vốn ngân hàng. Thậm chí, họ còn thuê xe Toyota Camry, Mercedes Ben GLC 300, Toyota Lexus GX460 để thế chấp vay tiền của 4 ngân hàng.
Cụ thể, Nga, Nguyệt và Đức đã làm giả hồ sơ để vay của Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế Việt nam hơn 1,2 tỷ đồng; vay của Agribank 2 tỷ đồng; vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình 1,1 tỷ đồng và vay của Ngân hàng thương mại Sài Gòn thương tín 1,2 tỷ đồng.
Tháng 4/2021, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nga và Nguyệt ra xét xử. Hai người lần lượt nhận mức án 5 năm và 4 năm tù vì tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. Riêng Đức bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Tại tòa, bị cáo khai khi đó bạn gái đang mang thai nên Đức bỏ trốn để mong được nhìn thấy mặt con trước khi nhận án tù. Ngày 5/1 khi con được hơn một tuổi, bị cáo ra đầu thú.
Sau khi xem xét, HĐXX phạt Đức 30 tháng tù giam.