Làm giàu bằng đóng phim... quảng cáo?
Múa đến lúc không còn nhìn thấy đường đi, nhảy trầy xước cả vai và cổ, uống nước đến trương hết bụng mà vẫn phải giữ nụ cười công nghiệp.
Để xuất hiện trong đoạn phim quảng cáo ngắn ngủi, diễn viên phải làm việc cật lực cả ngày và họ bị “hành hạ” đến chết khiếp. “Action!”, tiếng đạo diễn Phạm Hoàng Nam vang lên cùng với cái phất tay ra hiệu. Cô diễn viên (quảng cáo cho một mạng điện thoại di động) giơ chiếc di động lên tai, mắt nhìn về nơi xa xăm. “Cắt !” tiếng đạo diễn lại vang lên kèm theo cái lắc đầu. Cứ như thế, cảnh quay này phải làm đi làm lại rất nhiều lần.
Có được mẫu quảng cáo đẹp, không phải chuyện dễ. |
Mất 12 tiếng để được 30 giây
Kịch bản quay của Thùy Linh trong quảng cáo bột ngọt Vedan rất đơn giản: Ăn mừng đám cưới của bà, một số diễn viên múa chỉ cầm quạt và xoay vòng tròn. Vốn là diễn viên múa, Thùy Linh không khó để diễn những động tác này. Ấy thế mà đã quay đến lần thứ hai mươi, đạo diễn vẫn lắc đầu nguầy nguậy: “Xoay chưa đều, làm lại”, “Trời ơi, hàng lối lộn xộn quá! Cắt, quay lại !”... Cho đến lần thứ hai mươi lăm, khi Linh và 5 bạn diễn còn lại không còn thấy đường đi và cũng không thể xoay được nữa, đạo diễn mới ậm ừ miễn cưỡng: “Tạm được”. Linh cho biết: “Cứ nghỉ lại xoay, xoay xong lại nghỉ. Diễn viên múa chuyên nghiệp như chúng tôi mà phải mất cả nửa ngày để có một cảnh chưa thật hài lòng đạo diễn”.
Thanh Phong (sinh viên Nhạc viện TP.HCM), diễn viên chính của đoạn phim quảng cáo sữa tươi YaO, phải diễn cảnh cầm hộp sữa mang đến cho cô bạn gái. Do bất cẩn anh té ngã và sữa trong hộp văng ra ngoài. Quay đến 20 lần mà cảnh Phong té nằm sấp xuống bãi cát vẫn chưa đạt yêu cầu. Khi thì động tác té chưa đẹp, khi thì té không được tự nhiên. Té vừa tự nhiên, vừa đẹp thì nét mặt không tươi tỉnh. Thế là quay lại cho đến khi cả động tác té lẫn gương mặt đều đạt nhưng đạo diễn vẫn chưa “OK” vì sữa trong hộp chưa văng ra ngoài. Ngay cả chi tiết sữa văng ra ngoài cũng không được thấp quá, cao quá. Chỉ với 30 giây xuất hiện trên truyền hình mà Phong đã mất cả ngày trời phơi nắng ngoài bãi biển. Chưa kể vai anh trầy xước vì té quá nhiều và quá thật.
Quảng cáo cho sản phẩm bông ráy tai, Thắng (ca sĩ hát chủ yếu tại các phòng trà) phải diễn cảnh đang “phê” đến méo miệng. Trong những lần quay đầu, Thắng méo miệng vì ráy tai. Nhưng về sau, anh méo miệng vì quá mệt và mỏi... Ngoài những trường hợp doanh nghiệp cần một gương mặt ngôi sao để quảng bá cho thương hiệu của mình phần lớn diễn viên quảng cáo được chọn rất ngẫu nhiên. Do không phải diễn viên chuyên đóng phim quảng cáo nên việc hoàn thành một cảnh quay với họ rất gian nan.
Ăn ngon... đến phát sợ (!)
Đóng quảng cáo thức ăn, diễn viên còn khổ cực gấp nhiều lần. Chẳng hạn phim quảng cáo cho một nhãn hiệu dầu ăn lớn với cảnh quay chính là bữa ăn gia đình. Kịch bản yêu cầu các diễn viên chỉ cần ngồi ăn sao cho thật ngon lành là được. Quay lần một, các diễn viên ăn ngon lành nhưng không đạt, bởi “chị ăn mà em cứ trố mắt nhìn”. Lần hai không đạt vì một diễn viên làm rớt thức ăn. Lần ba, lần bốn... và đến lần thứ hai mươi thì các diễn viên không thể nhét thêm thức ăn vào miệng được nữa mà cảnh quay vẫn chưa đạt. Giải pháp: ăn, chưa đạt, nhả ra, rồi lại ăn... đành phải áp dụng. Hơn 4 tiếng đồng hồ, cảnh quay cũng hoàn tất với hình ảnh 4 diễn viên ăn uống ngon lành kèm theo vẻ mặt hài lòng về bữa ăn nhờ có dầu ăn M. Nhưng sau lần đóng phim này, các diễn viên đã thốt lên: “Sợ chả giò chiên đến già”.
Để có được cảnh phim mô tả cần cổ diễn viên cuộn nước ừng ực, mặt cười thật tươi, biểu hiện sự sảng khoái khi uống nước tinh khiết như trên truyền hình, anh Đạt mất 19 lần tu nước trong khi bụng thì trướng lên. Với Hữu Khang, chỉ cần nghe mùi sữa đậu nành là anh phát hoảng sau khi đóng phim quảng cáo cho một loại sữa đậu nành đóng chai.
Nụ cười quảng cáo: Nụ cười công nghiệp
Người trong giới quảng cáo thường nói vui rằng, cười trong quảng cáo là những nụ cười công nghiệp. Bởi phải quay lại quá nhiều lần nên đôi khi diễn viên không còn cảm xúc khi cười. Trường hợp này thường xảy ra khi diễn viên đóng chung với các diễn viên “nhí”.
Chị Thanh Vân, diễn viên trong phim quảng cáo sữa Cô gái Hà Lan 1, 2, 3, kể lại, em bé cùng đóng với chị chỉ mấy tháng tuổi nên mọi người phải làm việc cho đến khi nào “chộp” được khoảnh khắc sinh động nhất của bé. Còn chị khi vào vai người mẹ đùa giỡn với con mình một cách hạnh phúc, chị cứ phải cười mãi cho đến khi cả người lớn lẫn em bé diễn đạt mới thôi. Người mẫu Bảo Hòa đóng quảng cáo cho một tạp chí nước ngoài với cảnh quay diễn viên nhảy xuống biển, nước bắn lên tung tóe, trên môi nở nụ cười vừa tươi vừa ấn tượng. Để có cảnh quay này cô phải nhảy lên nhảy xuống không dưới chục lần. Nước lạnh, sợ run lên vì biển sâu nhưng cô vẫn phải cười tươi bằng một nụ cười... công nghiệp.
Đóng phim quảng cáo có giàu không?
Đối với những ngôi sao nổi tiếng được mời đóng phim quảng cáo với tư cách là làm icon (biểu tượng của sản phẩm) thì cát sê cho một lần quay hình hay chụp hình rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng. Đây là trường hợp của ca sĩ Mỹ Tâm với các thương hiệu Casio, Lip Ice, Sunsilk, Pepsi; Lam Trường với Oishi, Head&Shoulder, Pepsi; Phương Thanh với Coca-Cola; Quang Dũng với Mitsubishi... Nhưng đối với những diễn viên thông thường, cát sê đôi khi chỉ ở mức vài triệu đồng. Thậm chí là 500.000 đồng cho một vai diễn phụ.
Anh Tùng, một diễn viên thâm niên trong nghề đóng quảng cáo với hơn 10 sản phẩm, cũng chỉ có mức cát sê gần 200 USD/sản phẩm. Điều tối kỵ của các doanh nghiệp là sử dụng một gương mặt cho nhiều sản phẩm (ngoại trừ những ngôi sao quá nổi tiếng). Vì vậy, ngoại trừ nghệ sĩ nổi tiếng, diễn viên đóng phim quảng cáo cũng không có nhiều hợp đồng. Điều này cũng có nghĩa không ai làm giàu bằng nghề đóng phim quảng cáo.
(Theo NLĐ)