Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm ô danh Khổng trên đất nước Khổng

Trong khi Bắc Kinh đang dùng Khổng Tử để xâm chiếm bằng quyền lực mềm thì tại đất nước của Khổng, sự học lại nhiễu nhương, nhếch nhác mà ông có sống lại cũng chẳng cứu nổi.

Tại sao Khổng Tử phải giũ áo chùi nước mắt? Bởi con cháu Khổng Tử đang làm ô danh nền học thuật Trung Quốc (TQ) trước nạn mua bán văn bằng. Như tác giả Triệu Thuần Triết viết trên China Daily, nạn mua bán bằng cấp trên mạng tại TQ đang ngày càng nghiêm trọng.

Tham nhũng giáo dục

Dẫn lại từ Yangtze Daily, tác giả cho biết “công nghiệp” kinh doanh bằng dỏm, đặc biệt bằng tiến sĩ, hiện trị giá từ 180 triệu tệ (26,3 triệu USD) đến 540 triệu tệ (79 triệu USD) mỗi năm. 

Tình hình bức xúc đến mức GS Trầm Dương thuộc khoa Quản trị thông tin ĐH Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hiện đề nghị sinh viên làm đề tài này như một nghiên cứu mới liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin và mặt trái của nó!

Theo GS Trầm, hầu hết người mua đều đến từ các viện nghiên cứu và ĐH nâng cao. “Không khí” kinh doanh náo nhiệt đến nỗi ngày càng có nhiều website mọc ra để đáp ứng nhu cầu mua bán luận án tiến sĩ, được “luộc” lại từ những công trình nghiên cứu đăng tải trên các chuyên san khoa học thế giới. 

Theo thống kê 20 trang mua bán luận án tiến sĩ phổ biến nhất tại website Taobao.com (Đào bảo võng), mức giá trung bình cho luận án tiến sĩ là 649 tệ (95 USD) - quá bèo cho một “đề tài nghiên cứu” mang lại bằng tiến sĩ có thể giúp no cơm ấm cật cả đời! Taobao đang trở thành website số một về hoạt động mua bán văn bằng. 

Tại các website khác, “khách hàng” còn có thể được cung cấp nhiều “dịch vụ” liên quan, từ viết luận án thuê, dịch luận án, in luận án đến tìm kiếm luận án theo đúng yêu cầu đề tài. Ngoài ra, còn có nhan nhản văn phòng tại các TP lớn hoạt động gần như công khai phục vụ nhu cầu “làm luận án”.

Vì sao 8.000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi học tại Mỹ?

Khoảng 8.000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi học khỏi các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ trong năm 2014, theo báo cáo mới nhất của cơ quan WholeRen Education (Mỹ).

Trong bài báo khác trên Epoch Times số gần đây, hai tác giả Phúc Minh và Ái Tâm nhận xét rằng, nạn mua bán bằng cấp là thể hiện của tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục nâng cao TQ, khi nó liên quan sinh viên, giáo sư và nhà nghiên cứu. 

Sinh viên cần luận án để tốt nghiệp; giáo sư và nhà khoa học cần luận án để củng cố vị trí trong ban lãnh đạo trường ĐH và thậm chí đảng viên cũng cần luận án để được thăng chức. 

Hơn nữa, trong xã hội TQ, đạo văn và chôm bản quyền đã trở thành một phần của văn hóa thời đại! Sự phổ biến hành vi chôm chỉa chất xám ngày càng rộng đến mức gần như ai cũng có thể thấy và ai cũng có thể tham gia khi cần.

TS Tiêu Quốc Tiêu thuộc khoa Báo chí, ĐH Bắc Kinh cho biết thêm, quy trình đề bạt giáo viên theo cách hiện tại đã khiến tình trạng tham nhũng trong hệ thống giáo dục khó lòng loại bỏ.

Cuối năm 2007, Stephen Stearns, giáo sư sinh học ĐH Yale, đã phải viết một bức tâm thư “xót xa như xát muối vào lòng” gửi “các trò thân mến của tôi” tại ĐH Bắc Kinh, nơi ông được thỉnh giảng, rằng “các trò” nên trung thực và rằng màn “sao tập” - tức “luộc bài”, phổ biến như đại dịch - phải được chấm dứt…

Ở đất nước của đánh cắp trí tuệ, thí sinh phải được kiểm tra như thế này.
Ở đất nước của đánh cắp trí tuệ, thí sinh phải được kiểm tra như thế này.

“Văn hóa luộc” đại nhảy vọt

Tháng 1/2010, chuyên san khoa học tên tuổi The Lancet (Anh) đã thỉnh cầu chính phủ TQ sớm hành động trước tình trạng gian dối trong nghiên cứu khoa học nước này. 

Theo The Lancet, hàng chục bài báo khoa học của hai nhóm nghiên cứu TQ ấn hành năm 2007 trên chuyên san khoa học Acta Crystallographica Section E đều là công trình dỏm. 

Hai nhóm nghiên cứu nói rằng, họ đã tạo ra ít nhất 70 cấu trúc mới trong tinh thể học (sự sắp xếp các nguyên tử ở thể rắn - lĩnh vực quan trọng trong khoa học vật chất).

Tuy nhiên, cuối cùng ban biên tập Acta Crystallographica Section E phát hiện rằng những “cấu trúc mới” này thật ra từng được công bố trước đây và “công trình” của nhóm hóa học gia TQ là thay đổi vị trí một hoặc hai nguyên tử để tạo ra hợp chất tinh thể (có vẻ) mới! 

Hai nhóm nghiên cứu trên - một dưới sự dẫn dắt của Hoa Trung (Hua Zhong) và nhóm kia là Đào Liễu (Tao Liu) - đều thuộc ĐH Tỉnh Cương San (Giang Tô). 

Theo ban biên tập Acta Crystallographica Section E, nhóm Hoa Trung đã thừa nhận “luộc” 41 bài nghiên cứu và nhóm Đào Liễu 29 bài! Hậu quả, cả Hoa và Đào bị đuổi khỏi ĐH và bị rút thẻ đảng…

Mỹ truy tố 15 người Trung Quốc gian lận thi cử

Nhà chức trách Mỹ, hôm 28/5, truy tố 15 người Trung Quốc gian lận thi cử đầu vào tại các trường đại học tại Mỹ. Các chuyên gia nhận định, đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

“Luộc” vươn lên tầm quốc tế

Bất luận thế nào, cơn sốt mua bán luận án lẫn bằng cấp vẫn tiếp tục hoành hành, khi học vị ngày càng có giá trị như chiếc vé sự nghiệp. Hẳn con số tiến sĩ liên tục tăng vọt tại TQ có liên quan ít nhiều đến tình trạng kinh doanh bằng dỏm. 

Cần biết chỉ đến năm 1978, TQ mới có chương trình sau ĐH; nhưng đến năm 2008, nước này đã qua mặt Mỹ trở thành nơi “sản xuất” tiến sĩ nhiều nhất thế giới. 

Đó là thời điểm mà khoa học gia TQ chiếm 11,5% trong 271.000 công trình nghiên cứu đăng tải trên các chuyên san khoa học thế giới (TQ hiện đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số bài báo khoa học công bố mỗi năm).

Vấn đề ở chỗ bao nhiêu trong những bài nghiên cứu khoa học đó là công trình chất xám thật sự. Chuyên san khoa học Nature cho biết thêm, 1/3 nhà nghiên cứu tại các ĐH hàng đầu cũng như viện nghiên cứu TQ đều thừa nhận từng chôm chỉa hoặc ngụy tạo dữ liệu trong báo cáo khoa học! 

Sau vụ ba giáo sư thuộc ĐH Chiết Giang bị phát hiện “đạo văn” vào năm 2009, Bộ Giáo dục TQ đã thề chặn đứng tình trạng trên và bằng mọi giá làm trong sạch môi trường khoa học từ giảng đường đến phòng lab.

Cần nhắc lại, vụ ĐH Chiết Giang là một trong những sự kiện gây scandal chấn động. Vụ việc liên quan Hà Hải Ba, giáo sư trợ giảng khoa Dược, người thừa nhận sao chép và ngụy tạo dữ liệu trong tám bài nghiên cứu đăng trên các chuyên san quốc tế. 

Yếu tố gây chấn động nằm ở chỗ nó dính dáng đến chuyên gia tên tuổi thế giới trong lĩnh vực y học Lý Liên Đạt khi người này đứng tên đồng tác giả với Hà Hải Ba trong một bài nghiên cứu nói trên. 

Sau vụ bê bối làm hoen ố uy tín ĐH Chiết Giang, Bộ Giáo dục TQ bắt đầu siết mạnh. Tháng 3/2009, giáo sư tại 200 ĐH khắp TQ được đề nghị dùng thử phần mềm mới giúp phát hiện “đạo văn” mà hơn 1.000 chuyên san khoa học TQ đã dùng từ tháng 12/2008.

Vụ Hà Hải Ba của ĐH Chiết Giang tất nhiên chẳng phải trường hợp hiếm hoi. Năm 2006, Trần Kim (tiến sĩ ĐH Texas) - từng được xem là nhà khoa học máy tính hàng đầu TQ, thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải - đã khiến TQ một phen ê chề khi báo chí lật tẩy màn gian lận của ông. 

Năm 2003, Trần Kim trở thành người hùng quốc gia khi tuyên bố chế tạo thành công con chip tín hiệu kỹ thuật số có thể giúp xử lý tín hiệu điện tử cho nhiều thiết bị từ điện thoại di động đến máy ảnh. 

Với thành công này, TQ từ nay không còn phụ thuộc vào công nghệ điện tử phương Tây (đích thân Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng thăm phòng lab được chính phủ hào phóng cấp ngân sách nơi Trần Kim điều hành 100 khoa học gia).

Thế rồi Trần Kim bị lật tẩy với phát hiện làm giả tài liệu nghiên cứu và chôm thiết kế chip từ công ty nước ngoài! Hậu quả, đương sự bị sa thải khỏi ĐH Giao thông. 

Trước vụ Trần Kim hai năm, năm 2006, giảng viên khoa Anh ngữ Hoàng Tông Anh thuộc ĐH Bắc Kinh cũng bị sa thải tội “sao tập” ý tưởng của các học giả khác để “làm giàu” tư liệu nghiên cứu riêng từ năm 1999-2003 (trong một tác phẩm luận bàn về nhà thơ Mỹ T. S. Eliot, Hoàng đã luộc đến 74% nội dung!).

Cũng trong năm 2006, Chu Diệp Trung, giáo sư ĐH Vũ Hán, bị phanh phui tội “sao tập” một tác phẩm của nguyên giáo sư ĐH Bắc Kinh Vương Thiên Thành. 

Trước đó nữa, năm 2002, Vương Minh Minh (giảng viên ĐH Bắc Kinh) cũng bị lật tẩy. Vụ việc được phát hiện khi một nghiên cứu sinh TQ phát hiện và viết trên Chuyên san khoa học xã hội tại Thượng Hải rằng có nhiều đoạn (khoảng 100.000 từ) trong quyển Đất nước kỳ lạ tưởng tượng ấn hành năm 1998 của Vương giống hệt quyển Cultural Anthropology của GS William Haviland thuộc ĐH Vermont ấn hành năm 1987.

TheoWall Street Journal29-5-2015, chỉ riêng năm ngoái đã có khoảng 8.000 sinh viên TQ bị đuổi khỏi các ĐH Mỹ vì kết quả học tồi và vì gian lận! Môn đệ của Khổng đã làm xấu mặt Khổng ngay ở thời mà Khổng được Bắc Kinh “xuất khẩu” như một giá trị truyền thống trong khi họ chưa bao giờ tỏ ra xứng đáng để vinh danh Khổng.

Trung Quốc công bố hơn 200 trường đại học 'ma' lừa đảo

Trung Quốc có tới 210 trường đại học "ma", chủ yếu kiếm tiền bằng các chiêu đăng ký qua mạng, bán văn bằng giả.

http://phapluattp.vn/giao-duc/lam-o-danh-khong-tren-dat-nuoc-khong-564030.html

Theo Mạch Kim/Báo pháp luật

Bạn có thể quan tâm