Theo đó, Ban soạn thảo đã sửa đổi theo hướng linh hoạt trong việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ.
Dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục; các Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo phân công của Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với các Bộ được phân công quản lý nhà nước về giáo dục thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo thẩm quyền.
Làm rõ quy định quản lý Nhà nước về giáo dục. |
Về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, các đại biểu Quốc hội góp ý, cần xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục, trước mắt nhà nước bảo đảm thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng.
Đối với mô hình giáo dục chất lượng cao công lập có thu phí dịch vụ của người học ở cấp học phổ cập, cân nhắc hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với mô hình này.
Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo để tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống trường công lập, theo đó không nên quy định dịch vụ giáo dục chất lượng cao trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập mà phát triển tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để huy động sự chia sẻ của cộng đồng, tham gia của xã hội đối với mô hình này.
Về vấn đề này, Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp, trong đó Nhà nước có chính sách phát hiện học sinh năng khiếu và bồi dưỡng nhân tài.
Đối với giáo dục chất lượng cao, Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, Ban soạn thảo đã rà soát và không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao tại Hà Nội thì được thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.