Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Làm sách giáo khoa ở Việt Nam có những sai lầm ngay từ đầu'

Ông Nguyễn Quốc Vương cho rằng một trong những sai lầm cơ bản là không dứt khoát việc trao quyền làm sách giáo khoa cho tác giả và nhà xuất bản.

"Gần đây, Nhật Bản phát hiện việc các giáo viên ở trường phổ thông đọc bản thảo sách giáo khoa để 'góp ý' cho nhà xuất bản và nhận thù lao. Theo luật, họ đã bị xử lý về hành vi tham nhũng và những việc này được xem là rất nghiêm trọng".

Ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản - nói như vậy khi trao đổi với Zing.vn về câu chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong lĩnh vực sách giáo khoa (SGK).

sach giao khoa moi anh 1
Ông Nguyễn Quốc Vương cho hay gần đây, Nhật cũng phát hiện việc giáo viên trường phổ thông đọc bản thảo để “góp ý” cho NXB và nhận thù lao. Theo luật, họ đã bị xử lý. Ảnh: Q.Q. 

Tại Nhật, lãnh đạo sở giáo dục nhận tiền làm sách từ NXB là tin sốc

- Câu chuyện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM được NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT - trả tiền thù lao làm SGK hàng tháng nhận được sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Một chương trình, nhiều sách giáo khoa ở Việt Nam là chủ trương đúng về mặt chiến lược. Cơ chế này cần phải làm từ rất lâu rồi. Nước Nhật đã thực hiện từ thế kỷ 19, sau chiến tranh thế giới thứ hai vào năm 1947. Nhiều nước khác trên thế giới cũng làm trước đó cả thế kỷ. Cơ chế này có cả điểm chưa tốt, không sánh được với cơ chế tự do sách giáo khoa như ở Bắc Âu, nhưng nếu thực hiện tốt, nó sẽ có nhiều điểm ưu việt.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngay từ đầu, việc triển khai sách giáo khoa có những sai lầm cơ bản, trong đó không dứt khoát về trao quyền làm sách cho dân, tác giả, nhà xuất bản. Cơ quan quản lý giáo dục (trực thuộc Bộ GD&ĐT) vẫn tham gia làm sách giáo khoa. Ngân sách vẫn được chi cho việc làm sách giáo khoa và có những người đóng vai trò song trùng trong cả làm chương trình, sách giáo khoa, thậm chí rất có thể có cả vai trò trong hội đồng thẩm định.

Tình trạng “hỗn mang” này tạo ra mâu thuẫn lợi ích, chồng chéo về vai trò, làm cho việc làm sách giáo khoa trở nên không minh bạch, dễ bị lèo lái và chi phối bởi nhóm lợi ích, gây hại cho cải cách giáo dục.

Tại Nhật Bản, khi thực hiện cơ chế này ở thế kỷ 19, một vụ tham nhũng lớn đã xảy ra. Các NXB hối lộ quan chức giáo dục trung ương và địa phương, các trường để đưa sách của mình vào. Chính thiên hoàng Minh Trị chỉ đạo phá án, bắt cả trăm người, trong đó có cả thứ trưởng, hiệu trưởng, giáo sư đại học.

Gần đây, Nhật cũng phát hiện việc giáo viên ở trường phổ thông đọc bản thảo để “góp ý” cho NXB và nhận thù lao. Theo luật, họ đã bị xử lý.

-  NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn SGK. Trong khi đó, Sở GD&ĐT TP.HCM có tiếng nói quan trọng trong việc lựa chọn SGK cho địa phương. Câu hỏi đặt ra là khi đã nhận tiền của một nhà xuất bản, việc lựa chọn SGK cho các trường trên địa bàn còn bảo đảm tính khách quan?

- Rất khó để khách quan khi có quan hệ như trên. Sự việc này là cảnh báo lớn cho cả công luận và các cơ quan quản lý khi việc thẩm định, lựa chọn SGK được tiến hành từ giờ trở đi.

Đạo đức trong xã hội văn minh, dân chủ và luật pháp đương nhiên không chấp nhận chuyện cán bộ giáo dục nhận tiền thù lao từ doanh nghiệp để làm sách giáo khoa. Viên chức, công chức Nhật Bản, Hàn Quốc mà nhận quà dù nhỏ của doanh nghiệp, với tính chất kỷ niệm mà không giải trình, báo cáo, có thể sẽ bị xử lý nặng. Đó là lý do viên chức, công chức của họ phải rất giữ gìn hình ảnh và cẩn trọng trong công việc.

Các sở, phòng giáo dục là cơ quan hành chính ở địa phương, việc của họ là giúp cho giáo dục có điều kiện tốt nhất để vận hành suôn sẻ. Luật nước ngoài cũng kiểm soát rất chặt thu nhập của công chức - viên chức và đa số cấm thu nhập ngoài lương, thưởng chính thức, trừ các trường hợp đặc biệt như viết sách, tham gia nghiên cứu. Ở Nhật Bản, sở GD&ĐT nhận thù lao từ nhà xuất bản sẽ là tin cực sốc.

Cuộc chơi sẽ không công bằng nếu có quyền lực tham gia

- Bộ GD&ĐT chưa có quy định cấm các sở GD&ĐT biên soạn SGK. Tuy nhiên, quy định của Bộ GD&ĐT là khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết SGK. Vấn đề lựa chọn SGK hiện cũng gây tranh cãi. Theo ông, việc này cần được thực hiện như thế nào?

- Các cơ quan hành chính như Bộ GD&ĐT và sở GD&ĐT không nên và đúng ra là không được biên soạn SGK, vì họ có “quyền lực” và “quyền uy”. Cuộc chơi sẽ không công bằng khi bên nắm giữ quyền lực tham gia.

Tưởng tượng nếu sở giáo dục tỉnh A biên soạn sách và được thông qua thì trường nào thuộc tỉnh đó dám chống không dùng sách họ soạn? Hiệu trưởng nào có gan chống lại?

Luật nước ngoài kiểm soát rất chặt thu nhập của công chức, viên chức và đa số cấm thu nhập ngoài lương, thưởng chính thức, trừ trường hợp đặc biệt như viết sách, nghiên cứu. Ở Nhật Bản, sở GD&ĐT nhận thù lao từ nhà xuất bản sẽ là tin cực sốc.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương

Điều này dễ nảy sinh tiêu cực và có hại cho sự phát triển chung. Việc làm sách nên là việc của tác giả, nhóm tác giả và nhà xuất bản. Việc lựa chọn sách nên trao cho hội đồng các trường với thành phần phong phú là giáo viên, hiệu trưởng, viên chức hành chính giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà báo, phụ huynh.

Trong hội đồng đó, giáo viên có chuyên môn nên chiếm 50% số lượng thành viên. Các thành viên bỏ phiếu kín, có giá trị độc lập, quyết định theo đa số. Quy trình và kết quả công bố công khai.

Với sự việc ở TP.HCM, nói giao quyền cho các nhà trường nhưng trên thực tế, các trường luôn nhận được chỉ đạo từ cấp trên là nên chọn sách tham khảo này, sách tham khảo khác, thì làm sao họ dám trái lệnh? 

Khi cải cách giáo dục trong xã hội hiện đại, điều đầu tiên cần làm là phải phân quyền và dân chủ hóa bộ máy hành chính. Nếu không làm được, nó sẽ gây rối loạn cho cuộc cải cách và càng cải cách càng rối, làm nảy sinh những vấn đề mới.

Hiện nay, cách khắc phục là hội đồng tuyển chọn phải có sự tham gia của phụ huynh, giáo viên thường, nhà nghiên cứu và nhà báo để công luận giám sát và bảo vệ các trường. Công khai thông tin, minh bạch hóa là phương tiện hữu hiệu để các trường tự chủ việc chọn sách giáo khoa thay vì cúi đầu làm theo chỉ đạo.

sach giao khoa moi anh 2
Tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng việc làm sách là của tác giả, nhóm tác giả và nhà xuất bản. Việc lựa chọn sách nên trao cho hội đồng các trường với thành phần phong phú là giáo viên, hiệu trưởng, viên chức hành chính giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà báo, phụ huynh. Ảnh: Q.Q.

- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố vào tháng 12/2018 nhưng quyết định trả thù lao của NXB Giáo dục lại ban hành từ năm 2015. Như vậy, thời điểm chưa có chương trình, Sở GD&ĐT TP.HCM đã bắt đầu viết sách? Điều này đặt ra những kẽ hở, nghi ngờ gì về việc viết SGK tại Việt Nam?

- Ở Việt Nam, cải cách giáo dục luôn diễn ra tình trạng chương trình chưa hoàn thiện, đang dở dang đã bắt đầu các việc khác. Mọi việc có vẻ rất vội vã.

Tất nhiên, tác giả SGK hoàn toàn có quyền phác thảo trước và bắt tay vào viết ngay cả khi chưa có chương trình. Sau đó, khi có chương trình, họ có thể điều chỉnh. Nhưng, một cơ quan hành chính giáo dục trực tiếp làm việc này sẽ là vấn đề.

Mối quan hệ ở trên là rất tế nhị và không nên có. Chúng ta cần có chế tài về chuyện này.

- Tại Nhật Bản, việc viết và lựa chọn sách giáo khoa diễn ra thế nào? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ mô hình này?

- Sau năm 1947, Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm định SGK, có thể hiểu đó là cơ chế một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Bộ Giáo dục lo làm chương trình 10 năm một lần. Các nhà xuất bản tư nhân lo làm sách giáo khoa với đội ngũ tác giả của mình. Nhà nước không làm sách và không đầu tư ngân sách làm sách. Sau khi có bản thảo, nhà xuất bản trình hội đồng của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ để đăng ký thẩm định.

Hội đồng sẽ đưa ra ý kiến, yêu cầu sửa chữa hay đánh trượt. Bên xuất bản và tác giả có quyền yêu cầu giải thích lý do, có quyền khiếu nại và cuối cùng là khiếu kiện.

Sách đạt yêu cầu được công bố công khai trên website riêng để nhân dân biết. Việc chọn sách giáo khoa của trường tư là do họ tự chủ. Các trường công lựa chọn sách giáo khoa theo hội đồng của địa phương lựa chọn.

Việt Nam có thể học được từ mô hình này một số điểm. Thứ nhất, quy chế cần rõ ràng, thống nhất, minh bạch và phân định rõ chức năng của các bộ phận ngay từ đầu đảm bảo kiểm soát lẫn nhau và không hạn chế tự do sáng tạo.

Thứ hai, Nhà nước không trực tiếp làm sách giáo khoa, không đầu tư ngân sách cho việc làm sách giáo khoa (đó là việc của các nhà xuất bản, tác giả)

Thứ ba, hội đồng lựa chọn SGK phải có tính độc lập tương đối với cơ quan hành chính giáo dục địa phương.

Thứ tư, minh bạch và công khai hóa thông tin để nhân dân, truyền thông giám sát và phản biện.

Ông Nguyễn Quốc Vương là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản. Ông từng là giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là người dịch, viết chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, nhà nghiên cứu giáo dục Nhật Bản.

Ông viết và dịch nhiều cuốn sách về giáo dục như: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?, Môn Sử không chán như em tưởng, Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm...

Sở GD&ĐT TP.HCM nói xứng đáng nhận tiền thù lao từ NXB Giáo dục

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng khoản tiền NXB Giáo dục Việt Nam chi trả hàng tháng cho lãnh đạo sở tương xứng công sức tập hợp, tập huấn đội ngũ viết sách giáo khoa.

Quyên Quyên thực hiện

Bạn có thể quan tâm