Chị Nguyễn Thị H. H. (35 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể, mỗi khi bị cảm, chồng chị hay vứt khăn giấy sau khi sử dụng lung tung khắp nhà: trong nhà tắm, thậm chí trong túi áo sơ mi. Chị H. lo ngại sẽ bị lây cúm nếu dọn dẹp đống khăn giấy dơ đó. Theo các chuyên gia, khi hắt hơi hoặc hỉ mũi, nếu chúng ta dùng khăn giấy rồi quăng bừa bãi như vậy, sẽ gieo rắc vi khuẩn, vi trùng khắp nơi cho bản thân và người thân trong gia đình, vi khuẩn, vi trùng có thể tồn tại 17 ngày trên giấy tiền. Do đó, sau khi thu dọn khăn giấy dơ hay khi đi chợ về, cần phải rửa sạch tay. Một số đồ dùng hàng ngày như dây khóa kéo cũng có thể là nguồn lây nhiễm cúm.
Nguy cơ lây nhiễm cúm có thể đến từ những món đồ trang điểm. Giữa những thỏi son có vỏ ngoài bằng nhựa và bằng kim loại, nên chọn vỏ ngoài bằng kim loại, vì với bề mặt kim loại, vi khuẩn bám ít hơn, đỡ nguy cơ lây nhiễm. Vật dụng thứ hai mà nhiều chị dùng hàng ngày là bông phấn. Khi chúng ta đổ mồ hôi hoặc đi từ ngoài đường về rồi mệt mỏi không rửa mặt, nếu sử dụng bông phấn để trang điểm, vô tình những bông phấn này sẽ bị ẩm mồ hôi, bám bụi bặm kèm theo vô số vi khuẩn mà chủ nhân mang từ bên ngoài vào. Bông phấn lúc đó trở thành môi trường lý tưởng để siêu vi trùng phát triển và trở thành nguồn lây cúm nếu không được giặt sạch.
Một vật dụng không thể thiếu đối với nhiều phụ nữ là những hộp kem lót, kem giữ ẩm dạng lỏng để dưỡng da, chống nắng. Nếu dùng tay không sạch hoặc tay vô tình chạm vào nơi có vi khuẩn, sau đó quẹt vào kem lỏng là đã “bắc cầu” cho vi khuẩn tấn công hũ kem - môi trường thuận lợi để sinh sôi nảy nở và từ đó lây nhiễm ngược trở lại người sử dụng.
Một cách đơn giản để phòng ngừa cảm cúm từ cây son là dùng rượu để sát trùng bằng cách nhúng đầu cây son vào rượu trong vòng 10 giây. Đây cũng là cách để diệt khuẩn trên các bề mặt của những vật dụng mang theo hàng ngày: nhúng bông gòn vào rượu rồi lau chùi những bề mặt như điện thoại, ipad, dây khóa kéo…
Sốt, đau mỏi, ho, nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu là những triệu chứng cực kỳ khó chịu. Vậy làm sao để tăng cường hệ miễn dịch vào những ngày lạnh? Cách đơn giản nhất là dùng tỏi. Tỏi có thể ngăn ngừa sự nhiễm trùng, thúc đẩy hệ miễn dịch bằng cách tăng cường hệ thống bạch cầu. Cách đơn giản nhất là ăn tỏi sống, sẽ tốt hơn nhiều so với tỏi đã nấu chín.
Ngoài ra, nên dùng các loại nấm như nấm rơm vì chúng chứa hàm lượng selen cao. Nếu lượng selen trong cơ thể giảm, chúng ta dễ bị cảm cúm. Một loại thực phẩm chống cúm hữu hiệu khác là dưa hấu. Tuy nhiên, người ta thường chú ý phần ruột đỏ của trái dưa mà không biết phần có thể giúp ngừa cảm cúm chính là phần sát vỏ màu trắng.