Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Làm sao để không cãi nhau chuyện tiền bạc khi mới cưới?

Đừng để tiền bạc trở thành tác nhân gây đổ vỡ hạnh phúc.

Giai đoạn sống chung không giống với thời gian hẹn hò. Bên cạnh việc dung hòa quan điểm ở các đề tài quan trọng như con cái, tôn giáo, chính trị, niềm tin,... các đôi cũng cần hiểu và chia sẻ thẳng thắn vấn đề tài chính. Bởi đây là nền tảng cho mối quan hệ gắn bó lâu dài.

Business Insider nói tiền chính là chủ đề mà nhiều đôi thường nảy sinh mâu thuẫn. Ngoài ra, những cuộc cãi vã hàng tuần về chi tiêu là nguyên nhân của 30% trường hợp ly thân, ly dị.

Sau 26 năm chung sống, trải qua hoàn cảnh mất việc, kinh doanh thua lỗ cùng nhiều lần bất đồng ý kiến về tài chính, tôi và chồng đã rút ra một số kinh nghiệm sau.


Cách thảo luận và quản lý tiền cùng nhau

Theo quan sát của tôi, phần lớn vợ chồng trẻ mâu thuẫn vì:

  • Thói quen xài tiền khác nhau: Một người dè sẻn, một người chi tiêu phóng khoáng; hoặc người quan tâm đến đầu tư, người không.
  • Nhập nhằng "tiền anh, tiền em, tiền chúng ta": Thiếu minh bạch hoặc phân chia quá sòng phẳng.
  • Né tránh chia sẻ: Không ít người xem tiền bạc là chủ đề nhạy cảm, từ đó không dám trao đổi khúc mắc với đối phương hay có mục tiêu chung để phấn đấu.

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có 2 nguyên tắc chung để các thành viên trong nhà giải quyết bất đồng tài chính. Đó là sự giao tiếp (communication) và thỏa hiệp (compromise).

Trò chuyện với nhau

Tất cả mối quan hệ đều cần sự thấu hiểu, không riêng gì vợ chồng hay bạn trai, bạn gái.

Hàng tháng hoặc quý, chúng tôi thường dành một thời gian nhất định để lên kế hoạch tài chính cùng nhau. Đôi khi, cả hai đơn thuần chia sẻ các vấn đề và mong muốn của mình.

Chúng tôi chọn thời điểm vui vẻ, ít căng thẳng để nói về tiền bạc. Không nhất thiết mọi vấn đề phải được giải quyết ngay, quan trọng là cả hai góp ý với thái độ tôn trọng, tránh tổn thương lẫn nhau.

Khi thực hành thường xuyên, sự minh bạch này tạo niềm tin tuyệt đối và giúp các đôi gắn kết hơn.

"Chúng ta" là trung tâm

Khi đã sống chung, các đôi cần hạn chế nói những từ "anh", "em" mà chỉ tập trung vào "chúng ta". Cụ thể, thay vì quan tâm "sao em xài phung phí thế?", bạn có thể điều chỉnh góc nhìn thành "làm thế nào để chúng ta tiết kiệm hơn?"

Với các đôi nóng tính và dễ xảy ra tranh cãi, đây là cách hiệu quả để hai bạn không chỉ trích nhau và cùng tìm giải pháp.

Bên cạnh việc có tài khoản riêng để chi trả những sở thích và nhu cầu cá nhân, chúng tôi thiết lập tài khoản gia đình để chi tiêu sinh hoạt chung. Mỗi tháng, tùy thu nhập, chúng tôi góp tiền trả các chi phí thuê nhà, điện nước, người giúp việc, ăn uống,...

Nếu bạn và người kia đã ở cùng một thời gian đủ để hiểu nhau, quỹ chung có thể giản lược, không nhất thiết gia đình phải tính toán chi li. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, phương pháp này hỗ trợ chúng ta làm quen việc san sẻ cùng người khác.

tai chinh song chung anh 1tai chinh song chung anh 2

Tìm điểm chung trong bất đồng

Trong quá trình chung sống, tất nhiên chúng tôi từng gặp tình huống ngoài kế hoạch và những lúc ý tưởng không trùng nhau. Khi đó, hy sinh và hạ cái tôi là việc đôi bên luôn cần làm.

"Agree to disagree" (thống nhất những điều không đồng tình) là cụm từ tôi rất hay dùng khi nói về việc nhường nhịn. Luôn luôn có cách để hai quan điểm trái chiều gặp nhau, miễn là đôi bên đủ kiên nhẫn và mong muốn giải quyết ổn thỏa.

Chấp nhận hy sinh để hỗ trợ nhau đạt mục tiêu riêng và hướng đến mục tiêu chung là cách chúng tôi làm.

Ví dụ, phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm của từng gia đình, người nam có thể đi làm để giữ thu nhập ổn định, giúp người nữ theo đuổi đam mê và ngược lại. Hoặc để giảm chi phí, chồng hạn chế ăn ngoài với đồng nghiệp, còn vợ giảm tần suất mua sắm.

Hiểu những vấn đề khác ngoài tài chính

Nhiều khi mâu thuẫn tài chính chỉ là "triệu chứng" của những vấn đề lớn hơn. Ví dụ, nếu hai người vốn khác quan điểm về việc chăm lo cha mẹ, hay bất mãn cách đối phương cư xử, thì tiền bạc chỉ là "que diêm" châm ngòi những cuộc tranh luận.

Do đó, bạn và người kia cần nhìn nhận đúng và giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Đừng giữ cảm giác khó chịu trong lòng vì điều đó chỉ khiến hai bên khó làm rõ trách nhiệm.


Những câu hỏi tài chính quan trọng khi sống chung

Hỗ trợ nhau về tiền bạc đồng thời là biểu hiện của sự quan tâm. Thay vì chỉ biết bản thân, giờ đây chúng tôi kiếm tiền, đầu tư, tiêu dùng,... đều vì cuộc sống chung.

Sau đây là 10 câu hỏi các đôi có thể trả lời cùng nhau:

1. Anh/em nghĩ thế nào về việc cho ba mẹ, họ hàng mượn tiền khi cần?

2. Anh/em đã dành dụm được bao nhiêu tiền và nợ bao nhiêu vào lúc này?

3. Anh/em thích đầu tư sinh lời cao hay tích lũy an toàn, ổn định?

4. Anh/em là người tiết kiệm hay thích tự thưởng bản thân? Trong khuôn khổ tài chính cho phép, chúng ta làm thế nào để vừa dung hòa niềm vui của cả hai, vừa xài tiền thông minh?

5. Anh/em nghĩ thế nào nếu cả hai cùng quản lý tài chính? Với mục tiêu chung đề ra, mỗi bên nên đóng góp như thế nào?

6. Anh/em có ngân sách chi tiêu cá nhân không? Chúng ta có thể chia sẻ với nhau được không?

7. Nếu một trong hai người mất việc hay muốn nghỉ làm 1-2 năm cho dự định riêng, người còn lại có sẵn lòng hỗ trợ?

8. Các hóa đơn hàng tháng sẽ được trả như thế nào? Ai là người trả?

9. Mơ ước của hai người là gì, và tài chính đóng vai trò gì trong việc chinh phục ước mơ?

10. Trong trường hợp chúng ta có con, quỹ chung dành cho con được thực hiện như thế nào?

Kỹ năng quản lý tài chính quan trọng dù bạn độc thân hay ở cùng người khác. Khi đôi bên chân thành trao đổi và xử lý những vấn đề của mình, câu chuyện tài chính chung sẽ được cải thiện. Mối quan hệ cũng nhờ vậy mà bền chặt, lâu dài.

Thiên Hân

Đồ họa: Hina

Bạn có thể quan tâm