Quản lý cấp trung này cho biết giám đốc đặt ra KPI, yêu cầu mỗi bộ phận phải có ít nhất 85% nhân sự tham gia hoạt động.
Tuy nhiên, không phải nhân viên nào của Hoàng Anh cũng hào hứng với chuyến vui chơi miễn phí này.
"Các bạn ấy nói rằng chỉ muốn du lịch nghỉ dưỡng, ngại gặp gỡ đông người. Nhưng đây là quy định của tổ chức, nhiệm vụ của tôi vẫn phải kêu gọi mọi người", Hoàng Anh chia sẻ với Zing.
Áp lực đối với quản lý, phòng nhân sự
Theo đó, để gia tăng ý định đi chơi của nhóm, Hoàng Anh cam kết không giao việc trong suốt chuyến đi, đồng thời không bắt làm bù trước và sau. Anh cũng có một khoản để trao thưởng cho thành viên nào đăng ký chuyến team building sớm nhất hoặc đạt giải cao nhất trong trò chơi tập thể.
Nếu đến cùng, vẫn có nhân sự không đồng ý tham gia, anh sẽ hỏi chuyện riêng để tìm hiểu nguyên nhân. Khi mọi phương pháp thuyết phục đều không mang lại hiệu quả, anh mới đành chấp nhận để người đó ở nhà.
"Công ty tôi thường chọn đi du lịch tại các vùng biển, sau đó chơi team building trên bãi biển. Mọi năm, các trò chơi thường là nhảy bao bố, đào cát, giải câu đố, sau đó thi văn nghệ và xếp hàng chụp ảnh. Về khía cạnh văn hóa nội bộ, tôi thấy nó mang lại hiệu quả tinh thần, đoàn kết hiệu quả. Nhưng với những người sức khỏe yếu, các hoạt động này thật sự rất mệt", anh nói.
Năm nay, công ty của Hoàng Anh dự định tổ chức chuyến du lịch vào tháng 7.
"Vài hôm nay, mọi người bắt đầu bàn tán về việc đi team building. Một số bạn nhân viên hỏi tôi rằng có thể góp ý để công ty cho đi kiểu nghỉ dưỡng hoặc vui chơi theo nhóm nhỏ. Tôi nói rằng hãy chờ đợi quyết định của phòng nhân sự, họ sẽ có tính toán. Dù sao, chúng ta vẫn nên tôn trọng tập thể và công sức tổ chức của mọi người", anh chia sẻ.
Một hoạt động vui chơi trong chuyến team building của công ty Hoài Thương. |
Đỗ Thị Hoài Thương (27 tuổi) vừa trở về TP.HCM sau chuyến team building đến Đà Lạt. Chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm, nhưng nhân viên HR (nhân sự) này cùng bộ phận phải lên kế hoạch tỉ mỉ từ nhiều tháng.
Đồng nghiệp thuộc nhiều độ tuổi, cá tính, lại làm việc ở các chi nhánh khác nhau. Việc thiết kế chuyến đi phù hợp với tất cả chắc chắn là bài toán khó.
Để chuyến teambuilding được nhân viên hưởng ứng mạnh mẽ, phòng HR quyết định chỉ chọn các trò chơi vừa sức; đồng thời đẩy mạnh khâu truyền thông nội bộ.
Các thành viên khảo sát nguyện vọng của từng nhân sự, sau đó đăng các bài viết khích lệ tinh thần tập thể. Thông thường, mọi người sẽ tham gia vì tâm lý được đi cùng nhau.
"Trước khi tổ chức chuyến du lịch, phòng HR phải họp chung với các thành viên trong ban quản lý để lựa chọn địa điểm và thời gian. Sau đó, bộ phận tìm kiếm đơn vị tổ chức sự kiện và cân đối chi phí. Quan trọng nhất, họ phải thiết kế hoạt động team building sao cho phù hợp với tập thể. Team building và gala dinner là 2 hoạt động chính của chuyến du lịch công ty. Team building nhàm chán hoặc gây mệt nhọc, mất sức chắc chắn không thể thu hút mọi người tham gia", cô bày tỏ.
Hoài Thương cho biết hầu hết nhân sự trong công ty của cô đều tỏ ra hào hứng với team building. |
Hoài Thương cho biết thêm các đơn vị dịch vụ khá chuyên nghiệp trong việc tổ chức team building, do vậy phòng HR chỉ cần thông báo về số lượng, đặc thù nhân sự cùng mục đích chương trình là đã được lên kịch bản chi tiết.
Tuy nhiên, cô vẫn cần theo sát, tham khảo gói dịch vụ từ nhiều bên để có được chi phí và hoạt động phù hợp nhất.
Cô cho rằng kế hoạch team building của công ty mình may mắn được phần lớn nhân viên đón nhận. Đây không chỉ là dịp du lịch mà còn là cơ hội để mọi người ở các chi nhánh gặp gỡ nhau.
Có khoảng 10% nhân sự không tham gia chuyến đi dù đã đăng ký trước đó vì bận việc gia đình hoặc gặp vấn đề sức khỏe đột xuất.
Để phúc lợi xứng đáng là món quà
Thời gian qua, câu chuyện về team building được bàn tán và tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là dịp để thắt chặt tinh thần tập thể, số khác lại khẳng định không hề vui vẻ khi phải tham gia hoạt động ngoài trời cùng đông người lạ mặt.
Theo anh Nguyễn Bá Tùng, chuyên gia có 15 năm kinh nghiệm về tổ chức sự kiện tập thể, team building không chỉ là hoạt động vui chơi mà cần gắn liền với văn hóa cùng giá trị doanh nghiệp.
Chuyến đi chỉ thành công nếu công ty có lời giải đáp rõ ràng cho câu hỏi: Đi để làm gì? Đây chính là kim chỉ nam để họ có thể đưa ra chương trình phù hợp.
"Nếu doanh nghiệp đề cao sự bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân, họ rất thích những chuyến team building khó khăn như leo núi, vượt rừng. Đây còn là cách họ tìm và chọn lọc ra những nhân viên cùng hệ tư tưởng với mình để đồng hành trong thời gian dài. Đối với những doanh nghiệp coi team building là phúc lợi và dịp giải trí, họ hãy để phúc lợi xứng đáng là món quà ai cũng mong muốn", anh nói.
Theo quan sát của anh Tùng, nhiều công ty hiện nay nhìn theo nhau để tổ chức chuyến team building dạng khám phá như trekking, trèo đèo, lội suối... Điều này có thể mang lại sự tươi mới, hứng khởi cho nhân sự, nhưng cũng là hành trình gây nhiều mệt mỏi.
"Cần biết nhân sự của mình phù hợp với hành trình nào để xây dựng kế hoạch hợp lý", anh Tùng chia sẻ.
Anh Bá Tùng cho rằng nếu công ty coi team building là món quà, phúc lợi, họ không nên làm khó nhân sự với những hoạt động mất sức, nhàm chán. |
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội, đồng tình với quan điểm này.
Theo anh, các công ty cần lắng nghe và cân nhắc lựa chọn những hoạt động phù hợp với tập thể.
"Team building như một chiếc áo, đòi hỏi phải được may vá cho vừa vặn với công ty, như vậy mới tạo nên hiệu quả. Các công ty cần xác định mục tiêu mấu chốt của chuyến đi, như muốn thắt chặt tinh thần tập thể, giải quyết mâu thuẫn nội bộ hay làm tăng niềm tự hào doanh nghiệp. Nhà quản lý không nên kỳ vọng có thể giải quyết tất cả vấn đề chỉ trong 1-2 ngày. Họ chỉ nên tập trung xử lý điều quan trọng nhất", anh cho hay.
Cũng theo anh Khánh, trước chuyến đi, công ty cần lan tỏa sự hứng khởi cho nhân viên, xây dựng tinh thần đoàn kết. Đây là điều rất quan trọng để hành trình ngập tràn niềm vui.
"Công ty nào cũng nên chú trọng vào văn hóa nội bộ để nhân viên của họ không chỉ sẵn sàng tham gia chuyến du lịch một năm mà nhiều năm sau nữa", anh nhấn mạnh.
Anh Ngọc Khánh cho biết nhân viên sẽ hào hứng tham gia team building hơn nếu doanh nghiệp tạo dựng được văn hóa đoàn kết, tích cực. |
Ngoài ra, theo anh Bá Tùng, lãnh đạo một số công ty không chỉ muốn tổ chức team building cho tập thể nhân viên, mà còn thường thiết kế các chuyến đi riêng dành cho cấp quản lý (leadership building).
Hành trình này thông thường có 40% thời gian cho hoạt động thể chất như leo núi, đi bộ, chơi thể thao, phần còn lại dành để chia sẻ về kinh nghiệm quản lý. Thông qua chuyến đi, cấp lãnh đạo hy vọng có thể chia sẻ, học hỏi ở nhau để áp dụng cho bộ phận của mình.
"Đồng hành cùng những chuyến leadership building không phải là MC hay hoạt náo viên mà là huấn luyện viên chuyên nghiệp (facilitator). Khác với nhóm nhân viên, cấp quản lý họ không cần ai khích lệ tinh thần mình nữa. Họ cần dịp để kết nối, trò chuyện với nhau", anh nói thêm.