Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Làm thế nào để có được tiếng thét gây kinh hãi?

Tiếng thét gần như là chi tiết cần có trong mọi bộ phim kinh dị. Tạo ra tiếng thét là công việc không hề đơn giản, đó là một nghệ thuật, với hành trình lịch sử lâu dài.

“Ashley Peldon được trả tiền chỉ để la hét".

Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng không phải ai cũng có thể được chọn hoặc nhận được một khoản thù lao hậu hĩnh nhờ công việc đó. Hét làm sao để kiếm ra tiền là một nghệ thuật, tờ New York Times mở đầu bài viết nhìn lại quá trình ra đời của tiếng thét kinh dị trên màn ảnh bằng ví dụ về một nghệ sĩ âm thanh như vậy.

Con người thường thể hiện nỗi kinh hoàng bằng tiếng thét ở đời thường. Trong nghệ thuật, tiếng thét có thể trở thành chất liệu cho hội họa, chẳng hạn như bức tranh nổi tiếng có tên The Scream của họa sĩ Edvard Munch.

Song, việc biến nỗi sợ thành âm thanh để đưa vào phim không đơn thuần chỉ cần một tiếng thét.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 1

Tiếng thét là chi tiết thường thấy trong phim kinh dị. Đó là sản phẩm của một quá trình tinh chỉnh phức tạp, với sự góp sức của nhiều cá nhân. Ảnh: một cảnh trong phim Psycho.

Tiếng thét là kết quả của quá trình sàng lọc, tinh chỉnh phức tạp bởi nhiều cá nhân khác nhau. Quá trình này có thể gây kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Người thiết kế thanh âm

“Thông thường, tôi chỉ cần gõ ‘death scream’ (tiếng thét chết chóc). Ngay sau đó, sẽ có một kho âm thanh dự trữ rất hữu ích, gọi là ‘the wilhelm (scream)’ xuất hiện”, nhà thiết kế âm thanh Trevor Gates nói về nguồn dữ liệu hiệu ứng âm thanh của mình với New York Times.

Gates từng làm việc trong các dự án phim kinh dị thành công của Jordan Peele gồm UsGet Out, cùng với những series giật gân như The Haunting of Bly Manor. Nhiệm vụ của anh là đưa những “người biểu diễn âm thanh” đến với buồng thu âm và hướng dẫn họ tạo ra tiếng hét chói tai, truyền tải chính xác nỗi kinh hoàng của nhân vật mà đạo diễn đã hình dung.

Gates chia sẻ: “Có một thứ gọi là tâm lý của âm thanh. Chất lượng của những việc bạn đang làm là mấu chốt - đó là nội dung, là thực tế về việc ‘nghe’ thấy nỗi đau của ai đó. Nó rất đáng sợ. Thực sự rất khó để tái hiện nỗi đau qua âm thanh”.

Eli Roth - nhà làm phim đứng sau thành công của loạt phim Hostel - thường hỏi các diễn viên chịu trách nhiệm thu âm rằng họ có khả năng tạo ra tiếng thét hay không. Roth khẳng định anh không bao giờ ép buộc họ làm điều đó.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 2

Eli Roth - đạo diễn kiêm diễn viên của loạt phim Hostel.

“Nhiều người thắc mắc với tôi rằng làm thế nào để chỉ đạo tiếng thét. Sự thật là không thể. Bạn chỉ có thể tin tưởng rằng họ chắc chắn có thể làm được”, nhà làm phim 48 tuổi bộc bạch.

Ashley Peldon - người được nhắc đến ở đầu bài viết - là một nghệ sĩ âm thanh ở Los Angeles. Cô từng hét vào mặt chú lợn trong bộ phim Okja của Bong Joon Ho, từng hóa thân thành một con dê non bị quỷ ám (qua âm thanh).

Peldon chuyên tạo ra tiếng thét biểu thị cơn thịnh nộ. Với cô, đó là công việc mơ ước. Cô có thể kiếm tiền từ việc la hét. Thế nhưng, Peldon cũng phải đối mặt với nguy cơ dây thanh quản bị hỏng.

Ở phòng thu tại nhà, Peldon có thể tạo ra một chuỗi tiếng hét, cùng với tiếng thở hổn hển, rên rỉ để người xem có thể cảm nhận nỗi sợ hãi và đồng cảm với nhân vật.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 3

Ashley Peldon - nghệ sĩ âm thanh. (Ảnh: NewYork Times).

Graham Reznick - nhà thiết kế âm thanh dày dặn kinh nghiệm làm việc với các dự án phim kinh dị cho biết: “Một tiếng thét hoàn hảo sẽ giống như ô cửa nhỏ cuốn hút bạn chìm đắm vào bộ phim và khiến bạn sập bẫy”. Chất lượng và thu âm chỉ là hai trong số nhiều yếu tố của hệ thống kiến tạo âm thanh kinh dị.

Lịch sử của tiếng thét

Không ai biết chính xác về thời điểm tiếng thét đầu tiên được ghi lại cho các bộ phim, nhưng “la hét đã là một trong những cử chỉ khoa trương thuộc ngôn ngữ điện ảnh từ rất sớm”, theo lời chuyên gia điện ảnh Adam Lowenstein - người đứng đầu nhóm công tác nghiên cứu phim kinh dị tại Đại học Pittsburgh.

Năm 1930, đạo diễn Howard Hughes lần đầu tiên sử dụng tiếng thét cho phân cảnh máy bay rơi trong bộ phim Hells Angels. Robert Spadoni - học giả điện ảnh, giáo sư thuộc Đại học Case Western Reserve kiêm nhà phê bình của tạp chí Variety - mô tả tiếng thét đó là “quá khủng khiếp và khó nghe”.

Phải đến năm 1933, khoảnh khắc mang tính biểu tượng của tiếng thét mới ra đời. Đó là khi minh tinh Fay Wray (vai Ann Darrow) phản ứng dữ dội trước sự xuất hiện của King Kong trong bộ phim cùng tên.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 4

Khoảnh khắc mang tính biểu tượng của tiếng thét trong King Kong 1933.

Wray được coi là bà hoàng của tiếng thét thời kỳ đầu. Đó là lần đầu tiên nữ diễn viên giải phóng dây thanh quản. Đương nhiên, con thú khổng lồ trong phim chỉ là sản phẩm của kỹ xảo. Wray phải tưởng tượng như đang nhìn thấy King Kong và hét lên.

Tiếng thét là yếu tố giúp kích hoạt cảm xúc của khán giả. Spadoni - tác giả của cuốn sách Uncanny Bodies: The Coming of Sound Film and the Origins of the Horror Genre - lập luận: “Âm thanh, như sự bộc phát về mặt vật lý của cơ thể, ngay lập tức khiến cho bộ phim trở nên giàu cảm xúc, trần trụi hơn, thêm kinh hoàng hơn”.

Tiếng thét không chỉ là biểu hiện của nỗi sợ. Đã có không ít bộ phim cho thấy bản thân tiếng thét còn là tín hiệu của mối đe dọa, chẳng hạn như The Shout - tác phẩm kinh dị của Anh, ra mắt vào năm 1978. Trong phim, rất nhiều người và nhiều món đồ đã bị phá hủy bởi tiếng thét thần bí từ một người đàn ông.

Nhưng nổi tiếng và được nhiều chuyên gia âm thanh yêu thích nhất là tiếng hét khủng khiếp trong phim Blow Out (1981). Nội dung tác phẩm xoay quanh hành trình tìm kiếm tiếng thét hoàn hảo của tay kỹ sư âm thanh Jack Terry (John Travolta), và rồi người này vô tình bị cuốn vào một âm mưu chết chóc.

Blow Out, nữ diễn viên Nancy Allen vào vai Sally - một nữ vệ sĩ, sau này là bạn gái của Terry - bị theo dõi bởi một kẻ sát nhân được thuê theo hợp đồng. Những tiếng la hét của Sally lúc bị tấn công đã ám ảnh nhân vật của John Travolta.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 5

Nancy Allen và cảnh kêu gào ở cuối phim Blow Out.

De Palma - đạo diễn của Blow Out - đã loại bỏ những tiếng thét đầu tiên. “Anh ấy nói rằng chúng chưa đủ ấn tượng, cũng không đủ kinh khủng”, Allen hồi tưởng. Nữ diễn viên cho biết cô đã đề xuất với đạo diễn về ý định tự tạo ra tiếng thét. Allen khẳng định cô có thể khiến chúng trở nên thật kinh khủng bằng cách kéo căng dây thanh quản.

Nữ diễn viên đã luyện giọng không ít lần và mô tả nó là khuynh hướng “chú mèo sợ hãi”. “Đó là khoảnh khắc giải phóng mọi nỗi kinh hoàng mà tôi từng có, cùng một ý nghĩ, chính là nó, nó là ‘làm hoặc chết”, Allen kể.

Theo sau đó là cảm giác vỡ vụn. Allen bổ sung: “Tất nhiên, bạn sẽ cảm thấy tổn thương, bất an vào thời điểm đó. Bạn phải đưa bản thân chạm tới cung bậc cảm xúc ấy, để gọi dậy cơn ác mộng tồi tệ nhất… Bạn đang hét vì tính mạng của chính mình”.

Tiếng thét hoàn hảo

Làm thế nào để xác định đâu là một tiếng thét chuẩn? Các chuyên gia âm thanh không thể chỉ dựa vào cảm giác ớn lạnh.

Reznick - nhà thiết kế âm thanh kiêm nhà sản xuất phim - phân tích: “Tiếng thét từ một người mẹ nhìn thấy con mình bị xe hơi đâm sẽ rất khác với âm thanh của một người bị dao đâm. Một số khoảnh khắc đòi hỏi sự rõ ràng, thể hiện chính xác sự thống khổ của con người. Số khác lại liên quan đến việc thay đổi cao độ của tiếng thét…”.

Những âm thanh cực đoan đó hiếm khi được thu âm tại phim trường, vì một tiếng thét hoàn hảo có thể “thổi bay” một chiếc micro đắt tiền, thậm chí phá hủy giọng nói tuyệt đẹp của một ngôi sao. Tương tự, không ai có cơ hội gọi Ryan Reynolds hay Scarlett Johansson vào một buồng thu âm và yêu cầu họ hét liên tục trong 10 phút.

Thay vào đó, sẽ có một đội ngũ chuyên gia cung cấp âm thanh. Tiếp đến, các kỹ sư và nhà thiết kế sẽ tinh chỉnh một cách sáng tạo. Reznick cho biết tiếng thét cuối cùng kéo dài chỉ khoảng vài giây trên màn ảnh đôi khi là sự pha trộn từ âm thanh của nhiều người.

Những nhà thiết kế âm thanh như Trevor Gates luôn giữ liên lạc với những “người biểu diễn âm thanh” để tiến hành “lặp” âm - thuật ngữ chỉ việc ghi âm các âm thanh hoặc lời thoại, thậm chí là tạo ra cuộc hội thoại nền.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 6

Nhà thiết kế âm thanh Trevor Gates bên dàn máy tinh chỉnh tiếng thét của anh. (Ảnh: NewYork Times)

Họ được hướng dẫn bởi một người gọi là nhóm trưởng “nhóm lặp”, tương tự đạo diễn casting, nhằm tạo ra những lời thì thầm rùng rợn và những tiếng kêu xé lòng.

Không có gì khó hiểu khi một nhóm trưởng “vòng lặp” như Susan Boyajian phải nghe tới 15 tiếng hét mỗi ngày. Cô nói: “Có những tiếng thét từng nấc một, cũng có tiếng hét dồn nén, dạng như mắc kẹt trong hơi thở - chẳng hạn như bạn vừa bị ai đó rượt đuổi với con dao sắc nhọn trên tay, vừa phải hét toáng lên. Cảm giác khi đó là nghẹt thở, như máu chảy ngược vào cổ họng của bạn”.

Boyajian sẽ chọn ra một nhóm tiếng thét để đội ngũ âm thanh và đạo diễn sàng lọc. Các phiên ghi âm sẽ bắt đầu ngay sau đó, đồng bộ hóa với diễn viên trên màn hình. “Bạn phải quan sát khẩu hình của họ, phải hóa thân thành người đó và cho tôi biết cô ấy hoặc anh ấy đang làm gì”, Boyajian giải thích.

Về phần nhà thiết kế âm thanh, Trevor Gates có thể bắt đầu bằng cách xem xét kho hiệu ứng âm thanh với các mục như “tiếng thét chết chóc chói tai” và “cuộc tàn sát đầy cảm xúc”.

Chúng không nhất thiết phải xuất phát từ con người. “Nếu tôi muốn một thứ gì đó nghe giống hữu cơ, tôi sẽ bắt đầu với tài nguyên hữu cơ. Đó có thể là một con lợn đang hét hoặc một con ngựa đang tức giận. Chúng tôi đã làm thế rất nhiều lần, nhất là với những thực thể siêu nhiên, chẳng hạn như quái vật”, Gates giải thích.

Đôi khi, ê-kíp làm phim gặp may nhờ các diễn viên trong đoàn. Ở tác phẩm kinh dị Us, cặp song sinh lần lượt thủ vai cậu bé Cali và Noelle Sheldon đã thử tạo ra tiếng kêu khóc the thé.

Gates tiếp tục: “Đó là một cách khôn ngoan giúp nắm bắt cảm xúc. Song, chúng tôi vẫn phải nghĩ đến việc điều chỉnh âm thanh một chút khi đưa vào bộ phim. Tiếng kêu trong phim được điều chỉnh về cao độ, chồng thêm một lớp âm thanh lấy từ động vật một cách tinh tế”.

Với các diễn viên, việc bước vào buồng thu âm là một canh bạc. Nếu đó là cảnh quay quan trọng, đạo diễn sẽ theo dõi. Rủi ro sẽ đến với những ai chưa rèn luyện kỹ về thể chất.

Để tạo ra một tiếng thét hoàn hảo, các diễn viên lồng tiếng phải chuẩn bị kỹ, từ chế độ ăn trước giờ thu âm và kế hoạch nghỉ ngơi sau khi hét hết sức mình.

Đổi lại cho khâu chuẩn bị cầu kỳ là một kết quả mỹ mãn. Đạo diễn Eli Roth kể lại rằng ở HostelHostel II, các thành viên đoàn làm phim nói rằng họ gặp ác mộng sau khi nghe thấy tiếng thét của diễn viên. “Nhờ đó, tôi hiểu rằng cảnh quay đó sẽ hấp dẫn khán giả”, Roth hồi tưởng.

Những ngôi sao kinh dị kỳ cựu như Lin Shaye đã tích lũy “triết lý la hét” của riêng họ: “Nó giống như một cơn cực khoái. Khâu chuẩn bị là màn dạo đầu dẫn bạn đến khoảnh khắc cần thiết và sau đó, tiếng hét là cao trào”.

phim kinh di,  tieng thet,  Lin Shaye anh 7

Lin Shaye - ngôi sao kỳ cựu của thể loại kinh dị đã tích kỹ những "triết lý" và kinh nghiệm la hét cho riêng mình.

Bên cạnh việc học cách truyền tải âm thanh từ cơ hoành thay vì dây thanh quản, cô còn đúc kết nhiều kinh nghiệm: “Thỉnh thoảng tôi thậm chí không biết là mình đang hét. Tiếng thét là biểu hiện của sự tức giận bị dồn nén, của nỗi sợ… Bạn có thể bắt chước một tiếng thét nào đó, nhưng không thể độc đáo và chân thực bằng việc tự bản thân bạn chạm đến cảm xúc cần có”.

Tiếng thét trên màn ảnh ngày nay

Tiếng thét kiểu cũ không còn quá đáng sợ. Ngày nay, những âm thanh kêu gào thảm thiết xuất phát từ tình huống một phụ nữ nào đó gặp nạn không còn được các nghệ sĩ lồng tiếng ưa chuộng.

Thay vào đó, như Peldon nói, cô phải gầm lên, mạnh mẽ hơn. “Những tiếng thét đó chứa đựng sự thức tỉnh của nữ quyền và chúng ta thường bắt gặp âm thanh đó ở những siêu anh hùng”, cô nói.

Tuy nhiên, các nhà thiết kế âm thanh và nhà sản xuất phim vẫn yêu thích tiếng thét gào mang phong cách thập niên 70, 80. Các bản ghi âm trong giai đoạn đó “phát ra theo cách mà cảm giác như máu dồn lên tai bạn và não của bạn phải co rúm lại”, Reznick nói. Anh bổ sung rằng “nếu bạn nghe thấy một tiếng hét rất ‘sạch sẽ’, điều đó có nghĩa là nó chưa chuẩn”.

Jason Blum - nhà sản xuất đứng sau tác phẩm kinh dị Blumhouse - nhận định: “Tiếng thét là phản ứng không điển hình cho những trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày của con người. Nó tồn tại bởi vì, theo cách thức nguyên thủy nhất, không gì có thể biểu thị nỗi sợ tốt hơn tiếng thét”.

Trong đời thực, không phải ai cũng từng bắt gặp một xác chết trên giường ngủ. Việc bị zombie và người ngoài hành tinh tấn công càng là chuyện hiếm gặp, gần như không bao giờ xảy ra. Nhưng nếu những tình huống đó là thật, con người sẽ phản ứng bằng dạng âm thanh gì?

Theo NewYork Times, các nghiên cứu chỉ ra rằng khi đối diện với chấn thương tâm lý nặng nề, nhiều người rơi vào trạng thái “đóng băng” và im lặng.

Trên thực tế, tiếng thét kinh hoàng nhất là tiếng thét không có âm thanh. Hay nói cách khác, đó là tiếng thét nội tâm, chỉ có thể cảm nhận, không thể nghe bằng đôi tai.

Nicole Kidman chia sẻ đã phát hoảng khi quay phim mới

“The Northman” là dự án mới của đạo diễn Robert Eggers. Anh là nhà làm phim nổi danh với các tác phẩm kinh dị “The Witch” và “The Lighthouse”.

Nguyên Hạnh

Bạn có thể quan tâm