Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm cho các shipper?

Khi dịch Covid-19 bùng phát, người giao và nhận hàng đều rất cẩn trọng. Họ hoàn toàn có thể chủ động trong phòng bệnh bằng một số nguyên tắc đơn giản.

Sau khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố chú trọng vào việc quản lý và kiểm soát dịch vụ giao hàng trực tuyến. Nhiều người lo lắng và cho rằng những shipper này vô tình có thể trở thành nguồn lây bệnh ra cộng đồng.

Điển hình tại Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải phải cung cấp danh sách shipper cho cơ quan chức năng. Shipper khi đi giao hàng phải có tin nhắn xác nhận từ Sở Giao thông Vận tải thành phố.

Trong khi đó, tại TP.HCM, UBND thành phố mới đây đã có văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động môtô ứng dụng công nghệ vận chuyển hàng hóa, trong đó yêu cầu shipper phải có nhận diện riêng khi hoạt động gồm đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành do doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang nhận.

nguy co mac covid-19 tu shipper anh 1

Hà Nội, TP.HCM tăng cường quản lý hoạt động môtô ứng dụng công nghệ vận chuyển hàng hóa. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, người dân buộc phải ở nhà, nhu cầu sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến có xu hướng gia tăng mạnh. Một số doanh nghiệp như Gojek, Grab thông tin số lượng đơn đặt hàng tăng nhanh tới 5-6 lần trong những ngày qua.

Tại TP.HCM, Grab thậm chí đã phải giảm 10% số lượng shipper theo yêu cầu từ UBND thành phố. Số lượng shipper giảm kết hợp nhu cầu đặt hàng cao còn khiến giá giao hàng tăng lên, gây bức xúc cho nhiều người dân.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc kiểm soát các shipper là cần thiết nhưng phải phù hợp, hạn chế làm ảnh hưởng tới nhu cầu thiết yếu của người dân.

Nguy cơ không cao

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các phương tiện truyền thông thường xuyên cập nhật thông tin về số ca mắc mới, phương pháp phòng tránh lây nhiễm virus, bản thân những shipper (người giao hàng) trong thực tế cũng thực hiện rất tốt và kỹ lưỡng yêu cầu về phòng dịch.

Bên cạnh đó, người dân khi nhận hàng cũng có tâm lý cẩn trọng, đảm bảo các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cơ bản như đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn hay giữ khoảng cách với shipper.

“Với những yếu tố phòng bệnh được đảm bảo bởi cả người giao và nhận hàng, nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp này là rất thấp”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, một số tình huống dẫn đến sự lây lan virus vẫn có thể xảy ra đối với nhóm shipper.

“Trên thực tế, khu vực các shipper lấy hàng mới là nơi mang đến nguy cơ lây nhiễm cao. Nguyên nhân là tại những điểm này, người giao hàng thường tập trung đông đúc, các biện pháp phòng bệnh cũng không được quản lý sát sao. Lúc này, họ có thể lây nhiễm virus cho nhau, sau đó mang mầm bệnh về gia đình, người thân”, bác sĩ Khanh nói.

nguy co mac covid-19 tu shipper anh 2

Khu vực các shipper lấy hàng là nơi có nguy cơ lây lan virus cao. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Ngoài ra, một vấn đề khác đối với nhóm shipper là họ thường tập trung ăn, uống dọc đường trong quá trình vận chuyển. Khi đó, những người này sẽ bỏ khẩu trang, nói chuyện với nhau dẫn đến sự lây nhiễm virus trong nhóm shipper.

Ông kết luận: “Nguy cơ lây nhiễm trong những trường hợp này còn cao hơn quá trình các shipper giao hàng đến cho người dân. Nếu đảm bảo các biện pháp phòng bệnh tốt, việc người dân bị lây nhiễm virus từ shipper là rất khó xảy ra”.

Bài toán về quản lý

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc quản lý chặt chẽ lực lượng giao hàng trong thời điểm này của nhiều tỉnh, thành phố có dịch là điều hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta phải đánh giá cụ thể về mức độ thiết yếu trong từng trường hợp để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống, nhu cầu của người dân.

“Vấn đề chính trong việc quản lý là xác định rõ shipper nào hoạt động với mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Với các trường hợp không thiết yếu, quy định cho họ tạm dừng hoạt động là cần thiết. Trong khi đó, chúng ta cần đảm bảo những trường hợp còn lại tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch”, ông giải thích.

Trên thực tế, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu tạm ngưng dịch vụ vận chuyển hành khách cũng như giao hàng đồ ăn, thức uống mang về. Những nhân viên vận chuyển của cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, shipper cũng đang nỗ lực trong việc trang bị đầy đủ thẻ tên, băng tay, giấy tờ cùng các yêu cầu của chính quyền nhằm đảm bảo yêu cầu làm việc.

Vấn đề chính trong việc quản lý là xác định rõ shipper nào hoạt động với mục đích là phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho hay lực lượng chức năng cần có biện pháp kiểm soát và quản lý sát sao nơi ở, phòng trọ của những người này, qua đó đảm bảo không xảy ra tình huống xấu, shipper nhiễm virus và lây cho cộng đồng.

“Các địa phương cũng nên tuyên truyền, hướng dẫn cho họ kỹ càng, cụ thể về những việc phải làm trong quá trình giao hàng, sinh hoạt, ăn, uống khi làm việc... Đây là những điều rất thiết thực, giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân shipper, người nhận và gia đình”, bác sĩ Khanh nói.

Đối với người nhận hàng, nguyên tắc đầu tiên khi tiếp xúc với các shipper là đeo khẩu trang đúng cách, có thể sử dụng thêm kính chắn giọt bắn, xịt sát khuẩn tay, hàng hóa để đảm bảo an toàn hơn. Thậm chí, chúng ta cũng có thể chủ động nhắc nhở, không tới gần nếu người giao hàng không đeo khẩu trang.

“Những việc làm này tương tự như khi gia đình có F0, F1 tự cách ly trong phòng, thậm chí dễ hơn bởi người dân thường lấy đồ ngoài trời, môi trường mở, nồng độ virus loãng. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải đảm bảo việc giãn cách, tránh tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng thông qua việc yêu cầu đặt đồ xuống đất để tự mình tới lấy”, bác sĩ Khanh gợi ý.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đã có khuyến cáo với các tài xế giao hàng:

- Thực hiện giao, nhận hàng không tiếp xúc, cách xa người nhận hàng ít nhất 2 m. Sử dụng thanh toán điện tử.

- Làm sạch, khử khuẩn hàng hóa, phương tiện thường xuyên.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên; không chạm tay lên mặt; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi; luôn mang khẩu trang.

- Không được đi làm khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở..., đồng thời phải đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực tại cơ sở y tế.

Là tài xế giao hàng, tôi cần làm gì để tránh lây nhiễm nCoV?

Là nhân viên giao và nhận hàng, tôi có thể bảo vệ bản thân và những người khác như thế nào?

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm