Trong thời kỳ giãn cách xã hội, hãy thiết lập những thói quen mới để nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.
Hoang mang, chán nản là trạng thái tâm lý thường gặp khi bị ảnh hưởng bởi những sự kiện, suy nghĩ tiêu cực.
Dưới sức ép của Covid-19, cảm xúc này ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi cuộc sống bị gián đoạn và mối nguy chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Nhận diện vấn đề
Ngày 11/3/2020 trở thành cột mốc lịch sử của thế giới khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố Covid-19 là "đại dịch". Hàng loạt quốc gia đã đóng cửa biên giới, ban hành lệnh phong tỏa, giờ giới nghiêm, cách ly xã hội sau khi ghi nhận sự xuất hiện virus SARS-CoV-2.
Nhiều người gọi năm 2020 là “thời điểm đen tối” vì cuộc sống của họ bị đảo lộn, kinh tế suy kiệt. Không chỉ người lớn phải “work from home” mà cả trẻ nhỏ cũng tập làm quen với những tiết học trực tuyến, thi online.
Hậu quả của đại dịch còn kéo dài đến năm 2021 và ngày càng nghiêm trọng hơn khi giới khoa học phát hiện biến chủng mới.
Nhà tâm lý học Susan Albers cho biết việc gián đoạn liên tục cộng với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt vọng, căng thẳng và chán nản về tương lai.
Giải pháp
“Chúng ta không thể vẫy đũa phép làm cho Covid-19 biến mất ngay lập tức nhưng có thể thay đổi góc nhìn để nó tích cực hơn. Hãy lập danh sách những điều bạn kiểm soát được trong thời gian này và dồn sức lực cho chúng”, tiến sĩ Albers nói.
Theo đó, thay vì quá lo lắng về tương lai sẽ như thế nào, bạn nên tận dụng cơ hội để đầu tư vào bản thân, xem xét lại cả quá trình đã đi qua và chuẩn bị tinh thần cho chặng đường sắp tới.
Ngừng so sánh về quá khứ và hiện tại. Nhiều nỗi buồn xuất phát từ việc bản thân thấy thiếu thốn khi nghĩ về chuyện cũ.
Ví dụ, nếu luôn so sánh về chuyến du lịch 2 năm trước với kỳ nghỉ hè kém thú vị vào năm nay, bạn sẽ tự cắt giảm cảm giác tận hưởng trọn vẹn.
Điều này không khiến chúng ta hạnh phúc hơn mà còn ngăn cản bản thân nhìn thấy những gì tốt đẹp trong cuộc sống. Thay vào đó, hãy đón nhận rủi ro, thách thức trước mắt bằng một tinh thần cởi mở, tích cực.
“Cuộc sống đi lệch quỹ đạo một chút nhưng không có nghĩa là nó đang dừng lại. Cứ tiếp tục tiến về phía trước và sử dụng thời gian này thật hiệu quả. Bạn không được đi du lịch nước ngoài, tiệc tùng nhưng có thể làm vườn, nhận nuôi thú cưng, nấu ăn cho gia đình”, tiến sĩ Albers nhận định.
Đọc tin tức tích cực cũng là một cách để kéo bản thân ra khỏi “hố sâu” tuyệt vọng. Vào những ngày đen tối nhất của Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, báo chí quốc tế đã ghi nhận nhiều hình ảnh người dân vẫy tay khích lệ y, bác sĩ tuyến đầu từ ban công.
Tại Việt Nam, những bài đăng về các cá nhân, tổ chức chung tay “nhường cơm sẻ áo” cho người khó khăn khiến bất kỳ ai cũng thấy ấm lòng.
Trong thời kỳ giãn cách xã hội, hãy thiết lập những thói quen mới để nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.
Lên kế hoạch những việc cần làm cho hôm sau để một ngày không trôi đi vô nghĩa. Khi nhận thấy mình đã tích lũy thêm một điều gì đó, bạn có thể tự khích lệ, động viên bản thân.
Không ngắt kết nối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Bạn có thể chia sẻ với họ những khó khăn của mình để được giúp đỡ.
Cuối cùng, tránh để bản thân rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản quá lâu. Khi vượt qua thời kỳ vất vả nhất, tình hình dịch bệnh sẽ sớm khởi sắc và cuộc sống lại trở về quỹ đạo. Hãy giữ tinh thần lạc quan và niềm tin vào tương lai tốt đẹp.