Hà Văn Hải (26 tuổi, sống ở Hải Phòng), làm kế toán cho một công ty ở Singapore. Năm 2020, sau một thời gian làm việc cường độ cao (12 giờ/ngày) với máy tính, ít thời gian nghỉ ngơi, ngón tay Hải đau dữ dội. Ban đầu, anh chỉ đau một ngón, rồi lan sang bàn tay, cánh tay.
Một năm sau, cổ tay nam thanh niên tiếp tục đau nên anh đi khám, điều trị nhưng không đỡ. Bệnh nhân phải uống thuốc giảm đau dài ngày. Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát, anh không thể về Việt Nam khám.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, vào tháng 10/2021, Hải về nước, đến các bệnh viện lớn ở Hải Phòng nhằm tìm kiếm biện pháp chữa trị nhưng tình trạng đau không cải thiện, ngược lại, ngày một tăng nặng. Anh từng tiêm thuốc chữa hội chứng ống cổ tay tại một phòng khám ở Bắc Giang.
Văn Hải về nước để khám cổ tay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Minh Thúy. |
Khám nhiều nơi nhưng không hiệu quả
Đi nhiều nơi chữa nhưng bệnh không thuyên giảm, anh quyết định đến khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), để khám, tìm hiểu rõ về bệnh lý đang mắc.
“Tôi muốn tìm đến cơ sở chuyên khoa, chẩn đoán tốt để điều trị hiệu quả”, anh nói.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán Hải bị thoái hóa một vùng nhỏ ở cổ tay và khuyên anh nên vận động thường xuyên, tránh làm việc nặng, không ngồi làm việc, gõ máy tính quá lâu.
Trong khi đó, Nguyễn Xuân Minh (29 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội) bị đứt dây chằng gối trái do ngã khi đá bóng. Tại cơ sở y tế địa phương, anh không được khám dây chằng nên tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám. Hiện, dịch khớp của anh nhiều, biên độ co giãn khớp gối thấp, phải chuẩn bị phẫu thuật để khắc phục.
Tuấn đi khám sau chấn thương khớp gối do ngã xe, chơi thể thao. Ảnh: Minh Thúy. |
Tương tự, Nguyễn Văn Tuấn (31 tuổi, sống ở Sóc Sơn, Hà Nội) làm việc tại một công ty ở Bắc Ninh, bị chấn thương khớp gối, dây chằng do ngã xe, đá bóng. Sau 5 lần phẫu thuật, anh bị teo cơ tứ đầu đùi, chân trái nhỏ hơn chân phải. Nhờ tư vấn của các bác sĩ, Tuấn tiếp tục tập phục hồi chức năng để cải thiện phần cơ ở chân trái.
Còn chị Đặng Thị Thu Hương (45 tuổi, sống ở Hà Nội) phát hiện ngón tay giữa của bàn tay phải không thể gập vào lòng bàn tay như bình thường (ngón tay lò xo) từ một năm trước. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm gân gấp ngón tay giữa. May mắn, chị chưa phải phẫu thuật. Bệnh nhân này được tư vấn bôi, uống thuốc, phục hồi chức năng.
“Các bác sĩ khám cho tôi cẩn thận, tư vấn chính xác. Tôi hy vọng lần chữa trị này, ngón tay sẽ ổn định”, chị Hương chia sẻ.
Bác sĩ khám ngón tay khó gập, duỗi cho chị Hương. Ảnh: Minh Thúy. |
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết gần đây, nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn do chủ quan, tự điều trị vùng chi thể bị chấn thương tại nhà (đắp lá, dán cao, bôi thuốc không rõ nguồn gốc…), gây sưng, nóng đỏ, tạo ổ mủ, áp xe, dẫn đến tình trạng cứng khớp, teo cơ.
Đặc biệt, đa số bệnh nhân đến bệnh viện khám muộn do tổn thương ở khớp vai, gối, cổ tay, cổ chân, dây chằng… có triệu chứng không rõ ràng. So với thời điểm trước dịch Covid-19, lượng người bệnh đến khám tăng đột biến.
Với trường hợp của nam thanh niên bị thoái hóa cổ tay, vị này cho hay bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi nhưng điều trị không đúng phương pháp tại cơ sở y tế tư nhân. Nhân viên của phòng khám này sẽ tiêm các chất giảm đau, thậm chí corticoid cho người bệnh, trong khi các yếu tố như chỉ định, vô trùng, theo dõi sau tiêm chưa làm tốt. Do đó, nguy cơ người bệnh bị thoái hóa, nhiễm trùng, áp xe, viêm dọc khối cơ ở vùng khớp lớn.
Cần đi khám sớm
Nhằm chủ động phòng tránh những biến chứng nguy hiểm, bệnh diễn biến nặng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyên người dân nên đi khám sớm, đúng cách, tránh điều trị bằng các biện pháp thiếu khoa học tại nhà.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Theo chuyên gia, các bệnh lý chấn thương thể thao khá đa dạng. Ở cổ tay, chấn thương thường gặp ở người chơi thể thao, tập tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, xà đơn. Khi gắng sức, người bệnh sẽ thấy đau ở vùng cổ tay, sưng nề hoặc giảm chức năng một bên tay, đau lan dọc nhóm cơ lan cổ tay, tê bì đầu ngón tay.
Chấn thương cổ chân hay gặp ở người vận động, chạy nhiều (bóng đá, marathon…) với biểu hiện đau, mất cơ năng của khớp, đi tập tễnh, hạn chế vận động gấp mu cổ chân, không thể xoay cổ chân, ngồi xổm, dễ ngã, đau khi lên, xuống cầu thang. Biến chứng của tổn thương khớp cổ chân là lỏng khớp, tăng ma sát mặt khớp, mòn sụn, thoái hóa, khuyết xương, sụn.
Với những tổn thương tích lũy từ lâu (đứt nhiều dây chằng, lỏng khớp, vỡ xương…), người bệnh cần đi khám, tránh biến chứng nguy hiểm, khó phục hồi. Tùy theo tổn thương ở từng người, các bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
Người mắc bệnh nhẹ (viêm, sưng) đi khám kịp thời có thể điều trị bằng thuốc. Tình trạng nặng đã hình thành ổ áp xe, nhiễm trùng, bệnh nhân phải phẫu thuật để làm sạch ổ mủ, chờ vết thương liền để phục hồi chức năng.