Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Korea Herald, về câu chuyện làm việc tại nhà ở Hàn Quốc khiến người trẻ cảm thấy gò bó, khó chịu vì phải gặp mặt người thân hàng ngày. Nhiều bà mẹ cảm thấy chật vật, khổ sở khi vừa trông con nhỏ vừa phải làm việc.
Tốt nghiệp đại học từ cuối năm ngoái, Kim Yong-chul dành phần lớn thời gian ở nhà để chuẩn bị hồ sơ xin việc và học thêm các chứng chỉ khác.
Nhưng khi dịch Covid-19 tấn công Hàn Quốc và biến khoảng thời gian 2 tháng vừa qua trở thành cơn khủng hoảng tại nước này, Yong-chul bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ở cùng gia đình gần như 24/24 mỗi ngày.
“Cha tôi làm việc tại nhà hơn một tháng nay, khiến tôi trở nên căng thẳng hơn. Mỗi khi nhìn thấy tôi, ông lại hỏi tôi chuẩn bị tìm việc đến đâu rồi. Việc ngồi ăn cùng nhau 3 bữa cũng trở nên nặng nề”, chàng trai nói.
Kể từ Hàn Quốc trở thành ổ dịch và các địa phương có người nhiễm bệnh xuất hiện liên tục trên khắp cả nước, người dân được khuyến cáo ở nhà, không ra đường như một hình thức tự cách ly.
Cũng từ đó, mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh.
Thường xuyên chạm mặt cha mẹ, người thân, người trẻ Hàn Quốc cảm thấy không thoải mái khi buộc phải ở nhà mùa dịch. Ảnh: Korea Times. |
Trốn ra quán cà phê
Ban đầu, nhiều người dự định sẽ ở bên gia đình nhiều hơn, điều mà cuộc sống bận rộn hàng ngày khiến họ không có thời gian thực hiện. Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài hơn hai tháng nay, những người trẻ dần trở nên khó chịu, bí bách vì phải chôn chân ở nhà.
Một kiến trúc sư 34 tuổi giấu tên cho hay anh có thói quen đến quán cà phê mỗi cuối tuần để tránh gặp mặt cha mẹ, người thân.
“Tất cả thành viên trong gia đình tôi ở nhà vào cuối tuần. Bố mẹ sẽ gõ cửa phòng để hỏi tôi đang làm gì và bảo ra trò chuyện với mọi người. Điều đó thỉnh thoảng khiến tôi chỉ muốn trốn khỏi nhà. Vì vậy, tôi ghé quán cà phê, ở đó cả ngày để làm việc riêng của bản thân”, người này kể lại.
Park Ye-ji, làm việc bán thời gian tại một cửa hàng cà phê tại thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi), cho biết một lượng khách hàng đến quán xách theo máy tính để làm việc. Tại Seongnam, những trường hợp nhiễm virus mới đang xuất hiện sau khi hai ổ dịch mới nằm tại một bệnh viện và nhà thờ được phát hiện trong thành phố.
“Mặc dù số bệnh nhân dương tính mới được báo cáo mỗi ngày, mọi người vẫn ghé quán cà phê. Nhiều khi, quán chật kín khách vào các ngày trong tuần”, nữ phục vụ cho biết.
Bất chấp số ca nhiễm vẫn tăng từng ngày tại Hàn Quốc, nhiều người vẫn ghé qua các quán cà phê để làm việc cả ngày. Ảnh: Korea Bizwire. |
"Tôi không quen với việc ở bên con mọi lúc"
Kim Young-min, một nhà văn tự do, cho hay công việc của cô bị ngưng trệ kể từ khi trường mẫu giáo, trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa và cô phải lo toan toàn bộ cho cô con gái 4 tuổi.
Phần lớn thời gian trong ngày, Young-min ở bên con gái và đành làm việc vào ban đêm, từ 23h đến 2h sáng.
“Ngày nào tôi cũng mệt nhoài. Nghe vừa làm việc vừa ở nhà với em bé có vẻ thuận tiện, nhưng công việc là công việc. Bạn cần tập trung mới có thể hoàn thành được”, cô cho hay.
“Tôi cảm thấy mình trở nên nhạy cảm hơn vào thời điểm này. Mâu thuẫn, tranh cãi với chồng cũng xảy ra thường xuyên hơn. Mọi lời chồng nói đều nghe như đang cằn nhằn tôi”, cô nói thêm.
Công việc tại nhà xuất bản của Na Hae-jin được thực hiện tại nhà từ ba tuần trước. Ban đầu, cô bối rối về vai trò kép của mình: vừa tiếp tục nhiệm vụ tiếp thị sản phẩm vừa chăm sóc cho con trai 5 tuổi.
“Tôi là một người mẹ chú trọng công việc, không quen với việc mọi ngày trong tuần ở bên con mình. Vào tuần đầu tiên làm việc ở nhà, tôi thường trút giận lên con rồi hối hận sau đó. Nhưng đến giờ, tôi vẫn không thể giúp mình khá hơn”, Hae-jin thừa nhận.
Một cửa hàng cà phê tại tỉnh Gyeonggi vẫn đông khách suốt cả tuần. Ảnh: Korea Herald. |
Han Sae-young, Giáo sư ngành Phát triển Trẻ em tại Đại học nữ sinh Ewha (Seoul), đánh giá điều quan trọng là trẻ em cần tuân theo thời gian biểu thường xuyên, giúp tránh làm phiền quá nhiều đến cha mẹ.
“Tôi sẽ đề nghị các bậc phụ huynh đảm bảo rằng con cái họ sắp xếp thời gian biểu đều đặn như thể chúng đang ở trường và giải thích chính cha mẹ cũng có việc phải làm. Vào lúc rảnh rỗi, cha mẹ nên chơi với con trẻ để xây dựng mối liên kết tốt đẹp”, vị giáo sư cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, các thành viên trong cùng gia đình có xu hướng dễ làm tổn thương cảm xúc của nhau hơn vì họ cho rằng quan hệ người thân không dễ tan vỡ như tình bạn, tình yêu.
“Trong thời điểm khó khăn này, mọi người nên tránh dùng những từ ngữ tiêu cực khi nói chuyện với gia đình. Ngoài ra, họ cũng cần lưu ý rằng người thân cũng cần có thời gian riêng. Cách ly xã hội đôi khi cũng cần áp dụng tại nhà”, Gwak Geum-ju, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, phân tích.