Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Làm việc ở quán cà phê nhiều hơn ngồi văn phòng

Không bắt buộc phải đến văn phòng, người trẻ dành 3-4 ngày/tuần làm việc tại quán cà phê hay các co-working space coffee.

Công dân laptop có nhiều lựa chọn về không gian làm việc ngoài văn phòng.

Thay vì 8 tiếng ngồi trên văn phòng, người trẻ có nhiều lựa chọn khác để thay đổi không gian làm việc.

Các công dân laptop có thể ghé quán cà phê, co-working space coffee hoặc co-working space tùy tính chất công việc. Mỗi nơi đáp ứng nhu cầu trải nghiệm không gian khác nhau. Nhiều người cho biết thời gian lên văn phòng thậm chí không nhiều bằng ngồi ở những nơi này.

Thoải mái làm việc ở quán cà phê

"Việc phải dậy sớm và chịu cảnh kẹt xe vào mỗi buổi sáng trong suốt 4 năm đại học khiến tôi khá mệt mỏi. Sau khi ra trường, thay vì lựa chọn công việc văn phòng ngày 8 tiếng, tôi tìm kiếm việc làm remote (làm việc từ xa) và là freelancer cho một vài dự án", Ngọc Trang (quận Gò Vấp) cho biết. Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, cô ưu tiên lựa chọn những không gian thoải mái.

“Ngồi ở văn phòng, tôi thấy khá tù túng. Cảm giác luôn có người theo dõi mình khiến tôi làm việc không hiệu quả. Không phải ai đến quán cà phê cũng để làm việc. Tiếng nói cười của những vị khách khác đôi khi lại giúp tôi ‘dễ thở’ hơn”, Trang chia sẻ.

Cũng như Ngọc Trang, Thu Thảo (quận Bình Thạnh) thường dành 3 ngày trong tuần làm việc ở các quán cà phê.

“Công ty tôi không quy định về số ngày làm việc, nhân viên đạt KPI có thể ngồi làm ở bất cứ đâu. Những ngày không đến văn phòng, tôi sẽ hẹn bạn cùng làm việc ở quán cà phê”, cô nói.

Không gian thoải mái, đầy đủ tiện nghi và bán kèm bánh ngọt hoặc đồ ăn là những yếu tố Thu Thảo quan tâm khi lựa chọn địa điểm làm việc.

“Trung bình tôi sẽ ngồi ở quán 5-6 tiếng. Việc ra ngoài đi ăn rồi quay lại sẽ khá bất tiện nên tôi thích những quán có phục vụ cả đồ ăn. Ngoài để ‘cứu đói’, mua bánh hoặc đồ ăn giúp tôi bớt ngại khi ngồi quá lâu”, cô chia sẻ.

Làm lĩnh vực sáng tạo hình ảnh, A.Trung (quận 5) dành phần lớn thời gian tại quán để gặp gỡ khách hàng, trao đổi công việc hoặc lên ý tưởng cho những buổi quay, chụp. Anh cho biết tiêu chí chọn chỗ làm việc là những quán cà phê có không gian mở để sáng tạo, chỗ ngồi thoải mái tiện trao đổi, nói chuyện với khách.

"Quán cà phê ồn ào không ảnh hưởng nhiều vì mình đeo tai nghe lúc làm việc. Mình thường chọn 2-3 quán quen để ngồi thường xuyên vì sẽ nắm được khi nào quán vắng hay đông khách", Trung chia sẻ.

Anh cho rằng tính chất công việc thường xuyên phải gặp gỡ mọi người phù hợp nên với quán cà phê hơn là những co-space working, nơi thường có quy định giữ yên lặng.

Chạy deadline tại co-working space coffee

Co-working space coffee về bản chất vẫn là co-working space với những quy định sử dụng không gian làm việc đặc trưng như giữ yên lặng, không mang đồ ăn, thức uống từ bên ngoài vào.

Các địa điểm này khác quán cà phê khi bàn ghế được trang bị để phục vụ mục đích ngồi làm việc. Nội thất khá đơn giản với những bộ bàn ghế vừa tầm, ổ điện khắp mọi nơi và Wi-Fi mạnh. Thiết kế có hơi hướm giống văn phòng nhưng thoải mái hơn khi xung quanh không có sếp hay đồng nghiệp.

“Không gian yên tĩnh, tiếng gõ bàn phím liên tục làm tôi liên tưởng đến văn phòng. Tuy nhiên, xung quanh toàn là những người lạ nên tôi cảm thấy thoải mái để làm việc", Ngọc Trang nhận xét.

Quản lý một co-working space coffee tại quận 1 cho biết lượng khách đến làm việc trong tuần và cuối tuần không chênh lệch nhiều. Khách đến quán chủ yếu là những người trẻ tự do về thời gian và không gian làm việc. Mỗi người thường dành 4-6 tiếng để làm việc.

quan ca phe anh 7

Quy định không làm ồn giúp khách hàng tập trung làm việc.

"Đặc trưng của co-working space coffee là bầu không khí yên tĩnh, chỗ ngồi thuận tiện làm việc trên laptop. Nó phù hợp với những ai đang cần áp lực về thời gian, không gian ít xao nhãng để tập trung hoàn thành deadline", người này chia sẻ thêm.

Sự khác nhau

Các co-working space tập trung kinh doanh không gian phòng họp, studio, chỗ ngồi làm việc cá nhân. Trong khi đó, quán cà phê chú trọng vào đồ uống, đa dạng không gian để phục vụ nhiều đối tượng khách như người đến gặp gỡ bạn bè, người đổi góc làm việc...

Kết hợp cả hai mô hình này là các co-working space coffee. Những địa điểm này tích hợp bán không gian làm việc, phục vụ nhiều loại đồ uống pha chế cho khách.

Các mô hình đều được nhiều người trẻ đón nhận và sử dụng linh hoạt tùy theo nhu cầu. Co-working space thường dành cho khách tìm không gian làm việc theo nhóm, nhu cầu sử dụng dài hạn.

quan ca phe anh 8

Co-working space coffee mang hơi hướm văn phòng nhưng không gian dễ thở hơn.

Trong khi đó, những cá nhân làm nghề tự do hoặc tính chất công việc không bắt buộc phải lên văn phòng thường chọn co-working space coffee hoặc quán cà phê.

Tại co-working space coffee, với số tiền dao động từ 50.000 đồng, khách hàng chỉ có thể mua được chỗ ngồi trong khoảng 4 tiếng kèm một ly nước. Trong khi đó, ở cùng tầm giá, các quán cà phê sẽ không bị giới hạn thời gian.

"Làm việc trong trạng thái giới hạn thời gian sẽ khiến tôi khó nghĩ các ý tưởng mới, cảm thấy bồn chồn vì thấp thỏm xem giờ. 4 tiếng trôi qua rất nhanh. Trong khi đó, quán cà phê thoải mái thời gian. Khi ngồi khoảng trên 5 tiếng, tôi sẽ tự động gọi thêm nước", anh A.Trung chia sẻ.

Đổi lại, co-working space coffee giống như thư viện yên tĩnh, phù hợp hơn với những ai làm việc cá nhân hoặc muốn tập trung cao độ. Đây cũng là một điểm được nhiều công dân laptop quan tâm khi làm việc tại các quán cà phê so với co-working space.

Ngoài ra, các co-working space coffee có dịch vụ cho thuê không gian theo phòng để họp, làm việc nhóm. Các buổi họp sẽ khó thực hiện tại quán cà phê bởi không gian chung, đông khách ra vào ồn ào.

Chị Thanh Thi, quản lý Geek Hub, co-working space coffee tại TP.HCM, chia sẻ khó để so sánh sự ưu tiên của khách hàng dành cho hai không gian làm việc nói trên.

"Mỗi không gian có đặc trưng riêng. Tùy vào nhu cầu của từng người, mỗi nơi phát huy thế mạnh khác nhau. Cần làm việc tập trung cao độ hay làm việc nhóm sẽ phù hợp với co-working space. Quán cà phê đôi khi lại phù hợp với những buổi gặp gỡ đối tác trong không gian trò chuyện cởi mở hoặc những công việc cần cảm hứng sáng tạo", Thanh Thi bày tỏ.

Soda vị bánh bao áp chảo ở Nhật Bản

Thức uống này được đánh giá là nước giải khát có mùi vị tệ nhất Nhật Bản.

Tháp Eiffel tắt đèn sớm vì khủng hoảng năng lượng

Đèn trên tháp Eiffel và nhiều công trình nổi tiếng khác tại Paris (Pháp) sẽ được tắt sớm hơn một giờ để tiết kiệm năng lượng.

Vòng xoay giao lộ nhìn như mê cung ở Anh

Vòng xoay giao thông Magic của Swindon (Anh) thuộc hàng phức tạp nhất thế giới, khiến những người chưa có kinh nghiệm đi qua đây cảm thấy như lọt vào mê cung.

Bích Phương - Vân Khanh

Bạn có thể quan tâm