Làm vợ Việt kiều
Nhiều ông bố, bà mẹ mơ ước con gái lấy chồng Việt kiều. Ngay chính những cô gái trẻ này cũng khao khát được xuất ngoại, được đi đến với chân trời mới.
Thế nhưng, khi đã cầm được trong tay tờ đăng ký kết hôn rồi, thì người đi được, hay người bị ở lại vẫn còn có những điều đáng phải lưu tâm.
Mòn mỏi vì chờ đợi
M. học hết cấp 3 và đang chuẩn bị cho kỳ thi vào Đại học Dược. Để tự tin nộp hồ sơ thi vào trường này, cô đã phải là một học sinh học rất giỏi của trường chuyên trên tỉnh.
Đúng gần ngày M. thi, thì Hùng, người cùng làng là Việt kiều 34 tuổi đã ở Canada gần 10 năm, nay trở về. Tình cờ gặp lại cô bé M. ngày xưa, nay trở nên xinh đẹp, giỏi giang đã khiến Hùng lập tức hình thành chiến dịch theo đuổi.
Tiền của Việt kiều tung ra nhiều như nước kèm theo sự quan tâm tinh tế, ân cần cho cả dòng họ nhà M. Thế là, chỉ trong thời gian từ giữa tháng 6 đến trung tuần tháng 7, lời cầu hôn của Hùng đã được gia đình ép buộc để M. chấp nhận. M. bỏ dở kỳ thi Đại học lên xe hoa.
Cô được hứa hẹn sẽ sang Canada tiếp tục cùng chồng vừa buôn bán về thuốc vừa học thêm nghề dược. Sau khi cưới nhau hơn một tháng, Hùng liên tiếp thúc ép cô để mang thai. Sang đến tuần thứ 5, M. bắt đầu cảm thấy trong người có triệu chứng khác lạ thì cũng là lúc Hùng nhận được điện thoại liên tục từ phía bên kia gọi sang.
Để cho M. yên tâm, trước khi đi, Hùng đưa M. đi nộp hồ sơ xin xuất ngoại theo diện hôn thê. Rồi lấy lý do đang có đợt nhập hàng gấp, lại cần thêm tiền để đổi lấy căn hộ riêng biệt chờ đón mẹ con M. sang, Hùng đã thuyết phục được cô và gia đình lo giúp cho anh ta mượn tạm 50 triệu đồng. Tiền này lấy từ việc thế chấp ngân hàng căn nhà cha mẹ M. đang ở và cả hơn 3 cây vàng ông bà tích cóp bấy lâu. Xong xuôi mọi việc, anh ta vội vã ra đi. Kể từ đó đến nay, đứa con trai của M. đã bước vào tuổi thứ 6, tiền cặm cụi trả ngân hàng đã gần xong nhưng chưa một lần Hùng quay trở lại.
Cô đã từng lên Cục lãnh sự hỏi nhiều lần về hồ sơ, sau cùng người ta bảo, qua điều tra, ở bên kia Hùng đang có đời sống bấp bênh, chưa lo được cho một con, một vợ hờ bị thất nghiệp nên họ không xét.
Thi thoảng Hùng gửi thư về. Anh ăn năn trình bày về khó khăn trong buôn bán, làm ra được một chút lại bị đầu gấu ở chợ trấn lột hết. Anh kể về nỗi thống khổ phải dựa vào một phụ nữ khác để có chỗ nương thân. Anh ta mong M. gắng nuôi con và chăm sóc cho bố mẹ già của anh ta thật tốt với niềm hy vọng rằng tương lai, nếu trời thương, cho anh ta khá hơn thì có thể hoàn cảnh sẽ khác.
Cô gái trẻ ngày ấy nay chỉ còn biết ngậm ngùi chờ đợi. Cô thôi cái mơ mộng được bay đi. Cô cam chịu đến mức sẵn sàng tha thứ cho anh ta tất cả nếu có ngày anh ta bị thân bại, danh liệt là quay trở lại bằng hai bàn tay trắng.
Đánh đổi để ra đi
An đã từng được coi là một nghệ sĩ violon trẻ có tài. Nhưng, mơ ước của An là mong có một ngày được thể hiện hết tài năng của mình ở những buổi hoà nhạc mang tầm cỡ quốc tế.
Qua một vài lần đi xuất ngoại theo dàn nhạc, An để tâm và làm quen được với một Việt kiều tên P. làm trong lĩnh vực giải trí ở San Jose. Khi trò chuyện, An đã bị cái mác Việt kiều của P. lôi cuốn. Hai người bàn tính với nhau.
Sau đó, An quay trở lại Việt Nam và thuyết phục chồng mình ra toà ly dị. Cô nói với chồng rằng khi được tự do, cô kết hôn với P. theo hợp đồng là 35 ngàn đô la Mỹ. Sau khi kết hôn được ba năm, An sẽ đủ điều kiện để nhập quốc tịch Mỹ thì hợp đồng chấm dứt, họ sẽ làm thủ tục ly hôn để An có thể chính thức đón được chồng cũ của mình sang.
Vận động chồng suốt gần năm tháng, An cũng đạt được ý nguyện. Sang được Mỹ rồi, cô trở mặt và cắt đứt hẳn các mối liên lạc với người chồng cũ ở Việt Nam. Nhưng, cuộc sống ở Mỹ khó khăn hơn rất nhiều so với An từng tưởng.
Mơ ước của người nghệ sĩ trong An bị dần dần sụp đổ. P. tỏ ra nỗ lực hết mình với cô nhưng cũng chỉ là những buổi kéo đàn ở phòng trà chật chội dành cho người Việt.
Nửa năm gần đây, vì hoàn cảnh khó khăn, P. bỏ nghề cũ chuyển hẳn sang chuyên làm các hồ sơ giả mạo hôn nhân để đưa người bất hợp pháp vào Mỹ và không may bị cảnh sát bắt giam. An thì vẫn chưa làm được thủ tục để nhập quốc tịch.
Cô không còn chốn nương thân. Cô phải lo tìm chỗ thuê nhà ở tại khu ổ chuột. Khi này, sau hơn hai năm bặt tin của vợ, anh chồng cũ đã bắt đầu đi tìm một mái nhà khác, một tình yêu khác. Còn An, cô đã vĩnh viễn phải từ bỏ cây violon, để hàng ngày dậy từ 4 giờ sáng ra nhảy tàu điện ngầm đi đến tiệm nail.
Chiều về lại tất bật rửa chén bát cho một tiệm mì chật chội ở góc phố Tàu để trông đợi; nhưng không biết ngày nào P. mới được ra tù, quay về Việt Nam thì An lại càng không thể.
Trong thực tế, không phải bất kỳ cô gái nào có mơ ước trở thành vợ Việt kiều cũng gặp phải những khó khăn, trắc trở như trên. Nhưng, đa phần vì điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống ở nước ngoài khác xa rất nhiều so với xã hội Việt Nam. Sự khác nhau này chính là cái hố ngăn cách trong cuộc sống hôn nhân mà không phải người phụ nữ nào cũng có đủ tỉnh táo để nhận ra và có điều kiện để vượt qua được.
Theo Phụ nữ