Làn bơi chỉ dành cho nữ gây tranh cãi ở Trung Quốc. Ảnh: iStock. |
Một nhân viên của bể bơi tại Trung tâm thể thao Hohhot nói với Global Times hôm 9/3 rằng việc mở làn bơi dành riêng cho nữ sẽ là biện pháp lâu dài và phản hồi cho đến nay rất tích cực, với nhiều nữ vận động viên lựa chọn sử dụng.
Trung tâm thể thao đã thiết lập hai "làn dành riêng cho phụ nữ" vào đầu tháng 3, trong khi các làn còn lại có thể được sử dụng chung cho tất cả. Trung tâm này cho biết mục đích của việc làm là bảo vệ người bơi nữ khỏi sự khác biệt về điều kiện thể chất và kỹ năng.
"Phụ nữ được tự do chọn làn bơi và nam giới cũng có thể chọn bơi ở 'làn dành riêng cho nữ' nếu không có người bơi nào là nữ", trung tâm thể thao cho biết.
Đôi khi phụ nữ có thể bị bỏ lại bởi những người đàn ông bơi nhanh hơn và những người khác do dự xuống nước khi bể bơi quá đông, người quản lý giải thích.
Trung tâm thể thao Hohhot đã đưa ra một cuộc khảo sát vào tháng 2, trước khi triển khai làn dành riêng cho phụ nữ. Trung tâm cho biết hơn 80% số người được hỏi ủng hộ điều này.
"Tôi ủng hộ không chỉ vì nó mang lại môi trường thoải mái và dễ chịu hơn cho phụ nữ, mà còn vì tôi không còn phải lo lắng quá nhiều về việc ảnh hưởng đến những người bơi nhanh hơn mình, đặc biệt là một số nam giới", một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Sina Weibo.
Biển báo "chỉ dành cho nữ" trước làn bơi ở bể bơi ở Quảng Châu. Ảnh: VCG. |
Bất chấp sự ủng hộ từ các vận động viên bơi lội, việc áp dụng không gian dành riêng cho nữ đã mở ra hàng loạt tranh luận về bình đẳng giới từ các góc độ khác nhau.
Đây không phải là lần đầu tiên một bể bơi ở Trung Quốc giới thiệu làn bơi dành riêng cho phụ nữ.
Một biện pháp tương tự đã được áp dụng tại một bể bơi ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vào năm 2018, đã làm dấy lên cuộc thảo luận trực tuyến vào thời điểm đó về ranh giới giữa việc bảo vệ quyền của phụ nữ và sự phân biệt đối xử.
"Phụ nữ không cần kiểu bảo vệ tách biệt này", một người lập luận và nói thêm rằng việc bảo vệ quá mức là một dạng hành động phân biệt đối xử.
Những người khác nói rằng việc phân làn bể bơi đang phân biệt đối xử với nam giới dưới danh nghĩa bảo vệ phụ nữ. Họ nói thêm nếu mục đích của việc thiết lập làn đặc biệt là để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục của nam giới, thì điều đó cũng không công bằng đối với những người đàn ông bị suy diễn là có ý đồ xấu.
Ngoài ra, một số người cũng trích dẫn các báo cáo phương tiện truyền thông nói rằng phụ nữ chiếm 72,94% số phiếu bầu trong cuộc khảo sát. Người bơi nữ đã bỏ phiếu theo đa số, hy vọng vào một môi trường bơi lội yên tĩnh và an toàn, khiến kết quả không hoàn toàn công bằng.
Xã hội Trung Quốc đang cố gắng cải thiện quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng như trung tâm thể thao, tàu điện ngầm và khu mua sắm.
Ngoài toa tàu điện ngầm và làn bơi dành riêng cho nữ giới đã được giới thiệu ở một số thành phố trên cả nước, nhà vệ sinh nữ trong trung tâm mua sắm và những nơi công cộng khác chiếm nhiều không gian hơn nam giới.
Các nhà vệ sinh nữ được thiết kế để có nhiều chỗ ngồi hơn không phải là sự phân biệt đối xử với nam giới, mà được xác định bởi những đặc điểm sinh học khác nhau của cả hai bên, báo chí dẫn lời Sheng Yitao, phó giáo sư hành chính công tại Đại học Renmin.
Đồng thời, chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc đấu tranh cho quyền và lợi ích của một giới nào đó không nên đánh đổi bằng quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại.
Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại
Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.