Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lần đầu thận lợn được ghép cho người sống

Sau gần một tuần được ghép thận lợn chỉnh gene, bệnh nhân 62 tuổi hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện.

Ca phẫu thuật ghép thận lợn cho bệnh nhân được thực hiện ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Ảnh: Michelle Rose.

Reuters đưa tin lần đầu tiên các bác sĩ Mỹ ghép thận lợn chỉnh gene vào một người sống. Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts hôm 16/3.

Theo NPR, người được ghép thận là bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối Richard Slayman (62 tuổi) ở Weymouth, bang Massachusetts. Các bác sĩ cho biết Slayman phục hồi rất tốt sau ca ghép thận và dự kiến sớm được xuất viện.

Đối với các bác sĩ, ca phẫu thuật này tạo ra cột mốc rất quan trọng vì giúp ngành y có thêm hy vọng với những ca ghép tạng cho bệnh nhân.

Quy trình tạo ra quả thận chỉnh gene

Vào năm 2018, ông Slayman từng được ghép thận người sau 7 năm chạy thận. Nhưng chỉ 5 năm sau ca phẫu thuật, quả thận này bị hỏng và ông buộc phải tiếp tục điều trị bằng phương pháp lọc máu.

May mắn là ông sớm thoát khỏi cảnh điều trị nhờ được ghép thận lợn chỉnh gene.

ghep than cho benh nhan anh 1

Y tá Melissa Mattola-Kiatos lấy một quả thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị ghép cho bệnh nhân. Ảnh: Massachusetts General Hospital.

Hiện nay, một số công ty công nghệ sinh học ở Mỹ đang chạy đua để phát triển nguồn tạng chỉnh gene để khi ghép cho người, tạng sẽ không bị đào thải, lây lan virus hoặc gây ra các biến chứng khác.

Quả thận được ghép cho ông Slayman đến từ công ty eGenesis ở Cambridge, bang Massachusetts. Theo tìm hiểu của NPR, những con lợn của eGenesis được lai tạo với 69 thao tác thay đổi gene bằng công nghệ sinh học.

Những thay đổi này có tác dụng giúp chống lại một loại virus lây nhiễm cho lợn, đồng thời giúp xóa gene lợn và thêm gene người. Do đó, khi ghép thận lợn vào cơ thể bệnh nhân, cơ quan này cũng dễ tương thích hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng trước khi ghép thận cho bệnh nhân, thận của những con lợn được chỉnh gene do eGenesis nuôi cũng đã ghép thành công vào khỉ, giúp chúng sống sót trong trung bình 167 ngày, một trường hợp khác sống hơn 2 năm.

"Chúng tôi rất biết ơn sự dũng cảm của bệnh nhân và sự tiến bộ của khoa học trong lĩnh vực ghép tạng. Điều này cho thấy y học có một bước tiến mới, kỹ thuật chỉnh gene cũng rất có tiềm năng trong việc thay đổi cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân", ông Mike Curtis, Giám đốc điều hành của eGenesis, nói.

Những tranh luận

Tại Mỹ, lĩnh vực ghép tạng đang tạo ra cuộc chạy đua sôi nổi nhằm giải quyết tình trạng thiếu tạng ghép cho bệnh nhân.

Hiện nay, chỉ riêng ở Mỹ, hơn 103.000 người đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng và khoảng 17 người chết mỗi ngày vì không tìm được tạng phù hợp để thực hiện phẫu thuật.

ghep than cho benh nhan anh 2

Ca phẫu thuật ghép thận kéo dài trong 4 giờ hôm 16/3. Ảnh: Massachusetts General Hospital.

Nếu chỉ tính riêng bệnh thận, căn bệnh này ở giai đoạn cuối thường xảy ra nhiều hơn ở người da đen, cụ thể là nguy cơ ở người da đen cao gấp 3,8 lần so với người da trắng.

Bác sĩ Winfred Williams, người đang điều trị cho ông Slayman, cho biết bệnh nhân 62 tuổi này chính là người da đen.

Việc ghép thận lợn chỉnh gene đã thể hiện bước đột phá mới, giúp những bệnh nhân da đen, người thuộc nhóm thiểu số ở Mỹ có cơ hội tiếp cận với việc ghép tạng - điều mà trước đây họ rất khó để làm được vì tạng hiếm, đi cùng với đó là những rào cản liên quan chủng tộc và tài chính.

Tuy nhiên, việc ghép thận lợn chỉnh gene cho người cũng khiến giới khoa học lo ngại. Trong đó, mối lo ngại lớn nhất chính là nguy cơ lây nhiễm virus từ động vật sang người.

Mối lo tiếp theo là nếu sử dụng tạng động vật để ghép cho người, có thể chúng ta sẽ phải giết hàng nghìn con vật mỗi năm chỉ để lấy nội tạng.

"Tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn thận. Tôi rất lo ngại vì đây là một phương pháp chưa được chứng minh là an toàn tuyệt đối", tiến sĩ, nhà đạo đức sinh học L. Syd M Johnson nói với NPR.

Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?

Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.

Bác sĩ Trung Quốc lần đầu ghép gan lợn cho người

Các bác sĩ và nhà khoa học Trung Quốc thành công thực hiện ca ghép gan lợn đầu tiên, giúp mở ra hy vọng mới cho việc ghép tạng cứu sống bệnh nhân.

Thái An

Bạn có thể quan tâm