Sáng 17/12, 3 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi thứ nhất tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân Y. |
Đại diện Học viện Quân Y cho hay đến nay, gần 300 người đã đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine. 60 người được lựa chọn cho giai đoạn lâm sàng thứ nhất đã được khám, sàng lọc, sẵn sàng cho mũi tiêm đầu tiên. Sau 72 giờ theo dõi, nếu họ không có các dấu hiệu bất thường, 57 người còn lại sẽ được tiêm vaccine này. |
GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y, cho hay các vaccine Covid-19 đang nghiên cứu trên thế giới gây những tai biến không mong muốn không nhiều. Vaccine của Việt Nam cũng được kỳ vọng như vậy. Tuy nhiên, Học viện Quân Y đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi và an toàn. |
Để buổi thử nghiệm vaccine được an toàn, công tác an ninh tại Học viên Quân Y được thắt chặt, những người không có nhiệm vụ sẽ bị hạn chế ra vào khu vực tiêm và danh tính của tình nguyện viên cũng được bảo mật. |
Về quy trình, đại diện Học viện Quân Y cho hay những tình nguyện viên sẽ đến phòng đón tiếp. Sau khi được tư vấn, nếu đồng ý, họ sẽ được khám sàng lọc và xét nghiệm. Người đủ điều kiện sẽ được chọn để tiêm vaccine. Sau khi tiêm, họ được nghỉ ngơi tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân Y, trong 3 ngày. Đơn vị bố trí các phòng ngủ và tắm cho nam, nữ riêng biệt và có nhà ăn tại chỗ. |
60 tình nguyện viên được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Nhóm 1A gồm 20 người dùng mức liều 25 mcg, được tiêm đầu tiên. Tiếp theo là nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg. Sau đó là nhóm 1C dùng mức liều 75 mcg. |
Trước khi tiêm, nghiên cứu viên sẽ lấy 2-3 ml máu ở tĩnh mạch cánh tay của người tình nguyện để kiểm tra xem cơ thể đã có sẵn kháng thể với SARS-CoV-2 hay chưa. Sau đó, nhân viên y tế tiêm mũi vaccine hoặc giả dược vào bắp cánh tay người tình nguyện. |
Sau tiêm, tình nguyện viên được theo dõi sức khỏe hàng ngày bởi các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 và Viện nghiên cứu Y dược học quân sự. |
Hết 72 giờ, người tình nguyện về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, ghi chép thông qua Nhật ký theo dõi điện tử. Hàng ngày, cán bộ y tế sẽ đến thăm hoặc gọi điện thoại cho họ. Người tình nguyện sẽ được mời đến điểm nghiên cứu tối đa 6 lần trong khoảng 10 tuần. Nhật ký được các bác sĩ theo dõi đến 180 ngày kể từ mũi tiêm thứ nhất, để đánh giá tình hình sức khỏe của tình nguyện viên. |
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết dự kiến, giai đoạn 1 diễn ra trong 4 tháng, giai đoạn 2 là 4 tháng tiếp theo và giai đoạn cuối cùng là 8 tháng. Trong đó, giai đoạn 1 không dùng nhóm đối chứng (dùng giả dược). 60 tình nguyện viên sẽ được chia thành 3 nhóm với liều khác nhau để đánh giá liều tối ưu. Theo ông Quang, với tiến độ này, dự kiến cuối năm 2021, chúng ta sẽ có dữ liệu lâm sàng để đánh giá vaccine Nanocovax. |