Zing trích dịch bài viết trên Sixth Tone, về vụ kiện quấy rối tình dục đầu tiên thành công trong lịch sử nền tư pháp Trung Quốc.
Khi Xiang Yang (không phải tên thật của nhân vật) nhận được lá thư từ Tòa án thành phố Thành Đô (Trung Quốc), cô không dám mở ra.
Thay vào đó, cô gái đi phơi quần áo, chăm sóc mèo, cố dành sự chú ý cho những việc nhà khác. Cuối cùng, sau một hồi lấy đủ can đảm, cô mở phong bì, bỏ qua những tài liệu pháp lý dài 17 trang và giở đến trang cuối cùng.
Dòng chữ “bác bỏ kháng cáo, giữ nguyên phán quyết” khiến cô bật khóc.
Vụ kiện của Xiang đánh dấu vụ kiện quấy rối tình dục đầu tiên thành công tại Trung Quốc. Tháng 12/2018, tòa án tối cao nước này mới công nhận quấy rối tình dục là căn cứ khởi kiện hợp pháp. Còn với các nạn nhân của vấn nạn này trước đó, họ đâm đơn kiện với những căn cứ không mấy liên quan.
Năm 2015, Xiang Yang bị sếp bất ngờ ôm và ghì chặt từ phía sau khi chỉ có hai người trong phòng làm việc. Ảnh: SCMP. |
Sếp ôm nhân viên để "động viên"
Kể từ khi đệ đơn kiện sếp cũ của mình tội quấy rối, Xiang đã phải chờ đợi 690 ngày trước khi phán quyết cuối được đưa ra.
Năm 2015, Xiang là một nhân viên xã hội tại một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thành Đô. Thời điểm đó, cô gái đang vô cùng hạnh phúc vì được làm công việc đúng với mơ ước, cho đến khi người sếp giở trò biến thái.
“Ông ta bất ngờ ôm từ phía sau, kéo tôi ngồi lên đùi mà không hề có sự đồng ý của tôi. Tôi chống cự, vùng chạy sang phòng khác. Ông ta giải thích hành động đó chỉ nhằm động viên tôi làm việc”, Xiang kể lại câu chuyện mình trải qua vào năm 2018, sau ba năm im lặng.
Liu Meng, sếp cũ của Xiang là cái tên “máu mặt” trong ngành và nhiều người không hề đứng về phía Xiang khi vụ việc được biết tới rộng rãi. Dù vậy, cô vẫn quyết tâm kiện người đàn ông, đặt hy vọng vào luật pháp sẽ giúp cô tìm lại công lý.
Vụ kiện của Xiang đánh dấu trường hợp đầu tiên kiện thành công với căn cứ là quấy rối tình dục tại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Tại thời điểm đó, quấy rối tình dục chưa được định nghĩa cũng như có biện pháp bảo vệ, mức án phạt trong luật pháp tại Trung Quốc. Xiang và luật sư chỉ có thể khởi kiện trên căn cứ cô gái bị xâm phạm quyền nhân thân.
Sau quyết định thay đổi của tòa án vào năm 2018, cô mới có thể chuyển đổi vụ kiện của mình thành xâm hại tình dục.
Tháng 6 năm ngoái, tòa án tuyên án sơ thẩm. Kết luận đưa ra là ông Liu đã có hành vi ôm Xiang khi chỉ có hai người trong phòng và không có sự đồng thuận, cũng như không chịu buông ra dù cô gái phản kháng.
Hành động này được nhận định là vượt quá giới hạn giao tiếp thông thường, có xu hướng quấy rối tình dục và gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân. Theo phán quyết, người đàn ông phải xin lỗi trực tiếp hoặc qua văn bản trong vòng 15 ngày kể từ khi tòa án thông báo.
Mức án bị coi là nhẹ so với hành vi, bên Xiang đã kiến nghị tòa án yêu cầu sếp cũ cùng công ty phải bồi thường thiệt hại cho cô. Ngược lại, bên của Liu Meng kháng cáo, đòi hủy bản án.
Xiang đã phải chờ 690 ngày để nghe được phán quyết của tòa án đứng về phía cô. Ảnh: CNA. |
Suy sụp vì kiện tụng kéo dài
Đến tháng 6 năm nay, vụ việc được đem ra xét xử lần nữa, dưới hình thức online do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.
Phía ông Liu đưa ra bằng chứng là cuộc nói chuyện trên mạng của cả hai để chứng minh hành động “ôm” chỉ là cách để ông khích lệ nhân viên. Tuy nhiên, Xiang đã phản bác lại và đưa ra biên bản với công ty cũ, cho thấy việc xâm hại thực tế đã xảy ra.
Phán quyết cuối cùng được giữ nguyên. Dù vẫn chưa nhận được lời xin lỗi từ sếp cũ, Xiang cho hay cô vẫn cảm thấy có hy vọng vì “pháp luật đã cho thấy sự tiến bộ".
Xiang cho hay quá trình kiện tụng kéo dài khiến không ít lần cô rơi vào suy sụp, nhất là khi động vào nhân vật “tai to mặt lớn”.
“Điều khiến tôi cảm thấy khó khăn nhất là việc Liu đã nhờ một số người mà chúng tôi làm việc cùng để làm chứng thay mặt ông ta, khiến tôi đặt câu hỏi về giá trị công việc của mình. Có thể tôi sẽ không giờ muốn trở lại với công việc tôi từng yêu thích rất nhiều nữa”, cô gái nói.
Những năm gần đây, dư luận Trung Quốc chứng kiến nhiều vụ quấy rối, tình dục tại các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ bị phơi bày ra trước ánh sáng. Song, rất ít nạn nhân chọn cách khởi kiện và đôi khi còn bị kiện ngược tội bôi nhọ danh dự.