Liệu pháp PRP được khá nhiều các ngôi sao Hollywood lựa chọn để làm đẹp. Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn, khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, đây là liệu pháp dùng huyết tương giàu tiểu cầu của một người để điều trị một số tình trạng của chính người đó như: trẻ hóa da, rụng tóc hói...
PRP được xem là xu hướng thẩm mỹ da khá thịnh hành và phát triển nhanh chóng với cái tên "trẻ hóa bằng máu", "trẻ hóa bằng huyết tương". Các yếu tố tăng trưởng trong tiểu cầu khi được đưa vào da sẽ kích thích tăng sinh collagen và hình thành các mạch máu mới giúp trẻ hóa da, giảm hình thành nếp nhăn, trị sẹo rỗ, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây oxy hóa,...
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo do công nghệ PRP dùng máu tự thân của khách, nếu quy trình an toàn và đúng chuẩn, khách hàng sẽ không có nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây lan qua đường máu.
Ngược lại, nếu những vi kim nhỏ xíu hay các thiết bị khác không được xử lý hoặc khử trùng đúng cách giữa các lần điều trị, việc này có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm các bệnh lây qua đường máu, trong đó có HIV và viêm gan B.
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là phương pháp đang được nhắc đến thường xuyên trong lĩnh vực thẩm mỹ. Ảnh: CNN. |
Báo động lây chéo qua dịch vụ y tế không đảm bảo
ThS.BS Lã Thanh Hà - Trưởng khoa Da liễu, BV Tuệ Tĩnh - cho biết HIV lây nhiễm cơ bản qua 3 con đường chính là quan hệ tình dục; đường máu; nẹ truyền sang con. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm qua đường máu là cao nhất.
“Máu còn là một trong những môi trường thích hợp bậc nhất cho HIV sinh trưởng, do có nhiều yếu tố nguy cơ như: dùng chung bơm, kim tiêm, qua truyền máu hoặc không may tiếp xúc với máu của người bị bệnh qua vết thương hở kể cả vết xước, vết cào gãi… Nhất là lây chéo qua các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sắc đẹp, chăm sóc da đang tràn lan trong cộng đồng hiện nay”, BS Hà cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia da liễu này, các kỹ thuật có xâm lấn hay ít xâm lấn đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì người dân thường chủ quan và ít quan tâm đến việc được sử dụng các dụng cụ, thiết bị khử trùng không đúng cách.
“Nếu như ở bên ngoài, HIV dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất sát khuẩn; nó chỉ tồn tại trong không khí 32-36 độ C không quá 5 phút thì trong máu khô có thể tồn tại đến 2 giờ và trong bơm kim tiêm 2-7 ngày. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm nếu không đảm bảo vô khuẩn, vô trùng các dụng cụ sử dụng”, BS. Hà cho hay.
Nguy cơ lây nhiễm qua đường máu từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang là vấn đề cần báo động. Do đó, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn, khử khuẩn trong các thao tác kỹ thuật (đặc biệt kỹ thuật có xâm lấn) dù nhỏ nhất dưới bất kỳ hình thức nào đều phải thực hiện đầy đủ. Vì vậy, chỉ có các cơ sở y tế được đào tạo bài bản mới có thể thực hiện quy chuẩn đảm bảo an toàn cho mọi người.
Đối với thủ thuật lăn kim, các chuyên gia cũng khuyến cáo chống chỉ định cho bệnh da lây nhiễm, ung thư da, da có vết thương, trứng cá hoạt động, bệnh nhân đang xạ trị, đái tháo đường, các bệnh rối loạn đông máu, bệnh lý khác không rõ nguyên nhân, mang thai và cho con bú. Do đó, những đối tượng này không nên thực hiện.