Nhắc lại quá khứ vào tù ra tội, Yasumasa Aoki dường như có chút dè chừng và lảng tránh.
Từng là thành viên thân tín của băng đảng yakuza khét tiếng Inagawa-kai, người đàn ông 69 tuổi này khẳng định mới chỉ thực hiện một vụ bắt cóc. Ông Aoki phân trần rằng vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa.
Trả giá bằng bản án tù 15 năm, dường như ông muốn chôn chặt quá khứ và giúp đỡ những tội phạm hoàn lương.
Kêu gọi tội phạm hoàn lương: Lời thách thức với các yakuza
“Tôi tham gia xã hội đen từ khi còn thiếu niên. Trong suốt quãng thời gian bị giam giữ, tôi luôn ấp ủ mong muốn thoát khỏi con đường lầm lỡ”, ông chia sẻ.
Giờ Aoki tự tin bản thân đủ bản lĩnh để vượt qua mọi cám dỗ. Tháng 1/2014, ông mạnh dạn thành lập Olive House, văn phòng trợ giúp cho những người gặp rắc rối với chính quyền. Tọa lạc ở thành phố Kumamoto, văn phòng luôn mở cửa chào đón cả những tên “đầu trộm đuôi cướp” có quyết tâm từ bỏ nghiệp đâm thuê, chém mướn.
Những người xăm mình ở Nhật Bản được coi là có mối liên hệ với xã hội đen. Ảnh: AFP. |
“Nhiều người bị kết án tù, nhưng lại thấy mất phương hướng khi được trả tự do. Điều đó vô tình khiến họ dễ sa ngã, phạm tội trở lại”, Aoki bộc bạch với chuyên trang This Week in Asia của SCMP.
“Tôi muốn giúp đỡ họ, dù ít hay nhiều. Olive House có thể không phải là nơi đủ an toàn để họ trú tránh lâu dài, song cơ sở vật chất đầy đủ đảm bảo cho họ cuộc sống yên ổn. Là một người theo đạo cơ đốc, tôi mong rằng sẽ cống hiến đến hết phần đời còn lại của mình”, ông Aoki nói.
SCMP đánh giá đây là quyết định dũng cảm, có phần liều lĩnh của ông Aoki. Một luật bất thành văn của thế giới ngầm là người lôi kéo các thành viên rời bỏ băng đảng sẽ bị trả thù. Trong khi đó, thành viên bất tín cũng bị chịu hình phạt dã man như cắt ngón tay. Thậm chí, họ có thể bị đánh đập tới chết.
Được thành lập từ năm 1949 ở thị trấn vùng biển thuộc Atami, băng đảng Inagawa-kai nhanh chóng kiểm soát các ngành nghề nhạy cảm trong khu vực. Thành viên của Inagawa-kai kiếm sống chủ yếu từ các hoạt động phi pháp như cờ bạc, ma túy, tống tiền và mại dâm. Chúng cũng không ngần ngại đối đầu với đối thủ khi tranh giành địa bàn, khiến hàng chục cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra trong nhiều năm qua.
Sau 14 năm ẩn náu, ông trùm yakuza Nhật Bản Shigeharu Shirai bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Ảnh: AFP. |
Số băng đảng yakuza suy giảm kỷ lục
Nhận tài trợ từ các tổ chức tôn giáo và chính phủ, Olive House giúp được khoảng 71 người, bao gồm cả những phạm nhân đang thi hành án treo và thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ngoài việc cung cấp nơi cư trú trong khoảng 6 tháng, Aoki còn giúp họ tìm kiếm việc làm ổn định.
Tuy nhiên, người thành lập Olive House thừa nhận rằng 10% khách hàng của họ tái phạm tội. Mới đây, cảnh sát Nhật Bản quyết tâm lùng sục hoạt động của thế giới ngầm. Ông Aoki tin rằng những nỗ lực của mình sẽ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát.
“Động thái của cảnh sát cho thấy tội phạm đang gặp khó khăn khi sống nương nhờ vào các tổ chức ngầm. Yakuza sớm muộn cũng không thể trụ vững nổi”, ông nói.
Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số lượng các băng đảng yakuza liên tục giảm trong suốt 13 năm qua và hiện ở mức thấp kỷ lục, khoảng 34.500 nhóm trong năm 2017. Trong khi đó, vào năm 1964, Nhật Bản có hơn 184.000 băng đảng hoạt động khắp cả nước.
Bên cạnh đó, số lượng thành viên các băng đảng giảm khoảng 4.600 người năm 2017, còn khoảng 16.800 thành viên cốt cán. Trong đó, 17.700 người được xác định là thành viên không thường xuyên hoặc kết nối lỏng lẻo với hoạt động của yakuza.
Vào thế kỷ 17, các băng đảng yakuza thực chất là những nhóm samurai không liên kết. Những nhóm này đưa ra nhiều nguyên tắc ứng xử nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Sau đó, do hoạt động biến tướng, cảnh sát chính thức gọi chúng là “băng đảng bạo lực”. Thành viên xăm hình toàn thân, bảo kê cho các tụ điểm chơi sòng bạc, mại dâm, cũng như buôn bán vũ khí, ma túy ở các thành phố lớn.
Trong vài thập kỷ qua, giới chức Nhật Bản có nhiều nỗ lực để triệt phá hoạt động của các băng đảng yakuza. Tuy nhiên, nhiều yakuza thành lập những công ty bình phong trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính, để lấy cái mác hợp pháp. Bọn chúng cũng tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển ở thị trường nước ngoài, như tại Mỹ và Đông Nam Á, dù sự hợp tác quốc tế chống tội phạm xuyên biên giới dần là bước cản lớn.
Tại xứ sở hoa anh đào, Yamaguchi-gumi vẫn là băng đảng yakuza độc lập lớn nhất, ước tính sở hữu 4.700 thành viên cốt cán. Nhóm liên kết Kobe Yamaguchi-gumi có 2.500 thành viên nòng cốt, trong khi đó, Sumiyoshikai có quy mô nhỏ hơn khoảng 2.900 cộng tác viên.
Người dân tạo sức ép, chính quyền thưởng tiền
Thống kê của cảnh sát còn chỉ ra rằng thành viên của các yakuza có liên quan 17.737 vụ án hình sự vào năm 2017, trong đó có 4.693 vụ ma túy, 2.095 các tai nạn thân thể (tra tấn, giết người) và 1.974 vụ trộm cắp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sửa đổi luật, yêu cầu thủ lĩnh các băng đảng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu thành viên có hành vi giết người hoặc vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa các thủ lĩnh không thể đứng ngoài vòng pháp luật và phải chịu trách nhiệm với mọi hoạt động của băng đảng.
Người dân Nhật Bản ngày càng thể hiện rõ quan điểm, sẵn sàng đứng lên chống lại yakuza. Thậm chí, người dân còn tạo sức ép để các băng đảng đóng cửa văn phòng trong các khu dân cư, do sự ảnh hưởng tới đời sống.
Cảnh sát Nhật Bản thống kê thành viên của các yakuza có liên quan 17.737 vụ án hình sự vào năm 2017. Nguồn: Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản. Đồ họa: Trà My. |
Chính quyền địa phương cũng có nhiều động thái sáng tạo, nhằm giảm liên kết chặt chẽ giữa yakuza và thành viên.
Fukouka nổi tiếng là địa bàn hoạt động rầm rộ của nhiều yakuza. Vào tháng 2, nhà chức trách vùng này đã thiết lập chương trình hỗ trợ tài chính cho các thành viên băng đảng bị bỏ rơi hoặc muốn hoàn lương. Chính quyền tỉnh Fukouka dành 4,2 triệu yên (gần 39.000 USD) trong ngân sách hàng năm, chi trả cho các dịch vụ ăn ở, đi lại, phí tham dự lễ hội việc làm cho các thành viên yakuza.
"Những tên côn đồ ở Fukouka và phía bắc Kuyshu rất liều lĩnh, chính quyền địa phương vẫn treo thưởng 1.000 USD cho những ai tự nguyện giao nộp lựu đạn. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi sáng kiến này giúp làm giảm số lượng xã hội đen", Jake Adelstein, phóng viên Mỹ chuyên trách về Nhật Bản của Vice, chia sẻ và cho rằng có thể thấy biện pháp này đang có tác động tích cực, dẫn đến nhiều tổ chức xã hội đen phải tan rã.
Bên cạnh đó, nhiều tòa án ở Nhật Bản đang nỗ lực để làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của các băng nhóm lên cộng đồng xã hội. Tòa án Gia đình Tokyo cẩn trọng thực hiện từng bước để thay đổi danh tính của những người đồng ý cung cấp thông tin mật cho cảnh sát.
Cần phải nói rằng việc đổi thông tin cá nhân trong sổ hộ khẩu là việc làm khá miễn cưỡng với chính quyền Nhật Bản. Song, vì sự an nguy của người cung cấp thông tin, tòa án chấp nhận thay đổi tên họ của một vài trường hợp đặc biệt, nhằm che giấu danh tính thực sự và đảm bảo an toàn cho họ. Nỗ lực này kéo dài vài năm, bởi Tòa án Gia đình Tokyo cho rằng nó có thể “gây nhầm lẫn trong xã hội".
Những người này thường là thành viên lâu năm của các băng đảng yakuza ở Tokyo. Nhờ sự thuyết phục của cảnh sát, họ đồng ý trở thành những “nguồn tin thân cận”. Họ được đặt một cái tên tạm thời và sống trong sự bảo vệ gắt gao của cảnh sát.