Làng cổ Cự Đà là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn vào khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.
Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.
Vẻ đẹp cổ kính của ngôi làng cổ Cự Đà. |
Tổng thể ngôi làng nằm bên bờ sông Nhuệ là minh chứng cho quan điểm của người xưa “nhất cận thị, nhị cận giang”. Vị trí thuận lợi giao thương dễ dàng đã mang đến cho ngôi làng sự thịnh vượng, giàu có. Thời kỳ phát triển nhất của làng là những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá. Từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào các xóm. Còn bến sông Nhuệ trước đây là nơi buôn bán tấp nập. Dân làng Cự Đà dựng hai cột, trên đó có con cóc đá đội đèn để thuyền bè biết lối cập bến.
Trong làng, hầu hết những ngôi nhà đều theo phong cách phương Tây, hoặc có sự kết hợp giữa phong cách Đông Tây.
Ngoài những ngôi nhà, làng cổ Cự Đà còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo đều là những di sản được xếp hạng di tích quốc gia.
Nhiều người biết đến ngôi làng này còn do nơi đây có nghề thủ công truyền thống là nghề làm miến. Mỗi ngày có 9-10 tấn miến được ra lò, khiến cuộc sống của những người dân nơi đây vô cùng tất bật, rộn ràng.
Miến Cừ Đà nổi tiếng vàng óng và ngon.
|
Những ngày nắng đẹp, các con đường trong làng như được nhuộm lên màu vàng óng bởi những tấm phên miến. Những chiếc xe cải tiến đua nhau chở miến đi bán khiến làng miến Cự Đà vẫn nhộn nhịp như thuở xưa.
Như đã thành thương hiệu từ lâu, làng Cự Đà còn nổi danh nhờ món tương ngon. Nghề làm tương xuất hiện gắn liền với sự ra đời của tuổi làng.
Để có những mẻ tương ngon cần rất nhiều giai đoạn công phu. Những mẻ cơm nếp được xới ra và hong khô trên mỗi chiếc nong to, đặt lên các giàn để chuẩn bị cho quá trình làm tương. Những chum nước đậu cũng đóng vai trò quan trọng khi được sử dụng nguồn nước máy sạch, màu vàng sóng sánh thoảng mùi thơm. Chẳng vậy mà có câu “Tương Cự Đà, cà Thụy Khê”.
Làm tương ở làng Cự Đà.
|