![]() |
Chu Hòa Vĩ (đeo kính râm) và Trương Vĩnh Quân ở làng Đông Bình. Ảnh: Chu Hòa Vĩ. |
Chỉ vài năm trước, Đông Bình là một ngôi làng bị bỏ hoang trên núi thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Giờ đây, nơi này nổi tiếng với những con đường đá hẹp, mái nhà phủ đầy nắng và hàng trăm chú mèo hoang tự do đi lại giữa các bức tranh tường hình mèo vẽ tay.
Ông Chu Hòa Vĩ, một nghệ sĩ từng điều hành xưởng gốm ở Cảnh Đức Trấn, là người đã tạo nên sự thay đổi của ngôi làng.
![]() |
Chu Hòa Vĩ và một chú mèo hoang ở làng Đông Bình. Ảnh: CatVillage/WeChat. |
Trở về quê vào năm 2019 với mong muốn dạy nghệ thuật và khôi phục lại những ngôi nhà cũ, ông Chu không ngờ lại biến nơi đây thành một ngôi làng mèo độc đáo. Hiện có hơn 200 con mèo sống tại Đông Bình, cùng với một Bệnh viện Mèo, một Trường Thú y và những biển hiệu đầy màu sắc ghi dòng chữ như “Vùng đất chữa lành - Làng Mèo của Trung Quốc”.
Từ khi làng bắt đầu được biết đến trên Douyin vào năm 2022, du khách đổ về làng mỗi ngày để chụp ảnh những bức tranh tường và tương tác với mèo. Trong ba ngày Lễ hội Thuyền Rồng, nhà nghỉ quanh vùng thu về hơn 46.000 nhân dân tệ, biến ngôi làng từng bị lãng quên thành điểm đến nổi bật.
Để kiểm soát lượng người và bảo vệ động vật, làng bắt đầu bán túi thức ăn mèo giá 10 tệ, kèm theo thẻ trải nghiệm - không bắt buộc nhưng giúp sàng lọc khách.
Bên cạnh dòng du khách, một số cư dân cũ cũng bắt đầu trở về vào các dịp lễ để bán đồ ăn vặt, đồ lưu niệm, hoặc tham gia sửa chữa làng.
Một tình nguyện viên đặc biệt là Trương Vĩnh Quân - người đàn ông ngoài 50 tuổi bị câm điếc, sống một mình sau khi vợ mất. Ông Chu khuyến khích ông vẽ tranh và giờ đây các bức tường của làng phủ đầy tác phẩm của ông Trương.
![]() |
Mèo hoang ở làng Đông Bình. Ảnh: Zhou Hewei. |
Dù vậy, ông Chu cho biết quá trình phục hồi không dễ dàng. Vào những ngày đông khách, ông chỉ có thể trông cậy vào một vài tình nguyện viên để nấu ăn, hướng dẫn, dọn dẹp và chăm sóc mèo.
Gắn bó mật thiết với mèo, song ông Chu khẳng định mình không phải người “cuồng mèo”. Ông chỉ tin rằng mọi sinh vật, từ mèo, dê, thỏ đến gà, đều xứng đáng có một nơi để sống. “Có ngày tôi nghĩ đến việc mở rộng. Có ngày lại muốn rời đi. Nhưng có lẽ tôi sẽ ở lại đây lâu dài, theo nhịp độ của riêng mình”, ông nói.
Ông Chu được cấp quyền sử dụng một khu đất 100 m2 để thử nghiệm. Sau đó, dự án lan truyền nhanh chóng, dân các làng khác gửi thêm mèo đến. Chính quyền hỗ trợ thêm cơ sở hạ tầng, lát đường và cấp quyền cải tạo hơn 20 khu sân bỏ hoang.
![]() ![]() |
Trương Vĩnh Quân và những bức tranh tường của ông ở làng Đông Bình. Ảnh: Chu Hòa Vĩ. |
Tính đến nay, ông Chu đã bỏ ra gần 5 triệu nhân dân tệ, phần lớn là tiền cá nhân, cho dự án này. Hai người bạn lâu năm, một họa sĩ và một nhà thơ, cũng đến sống cùng ông tại làng. Mái nhà được sửa, tường được vá, tranh vẽ được thêm vào, nhưng khung cấu trúc và kiến trúc đá cũ vẫn được giữ nguyên.
Bên trong cổng làng là các khu như Căn hộ Mèo, Trường Thú y và Bệnh viện Mèo. Những câu nói về mèo được vẽ trên tường: “Không ai có thể thực sự sở hữu một con mèo” hay “Một con mèo không vui khi phục vụ bạn”.
![]() ![]() |
Trương Vĩnh Quân đang làm việc (bên trái) và một trong những bức tranh tường của anh tại làng Đông Bình. Ảnh: CatVillage/WeChat. |
Làng mở cửa từ 10h đến 18h. Nếu khách quá đông, Chu gọi thêm đồ ăn từ nhà hàng bên ngoài. Du khách có thể ở lại qua đêm trong lều trại, nhưng số lượng chỉ giới hạn 10 người.
Từ đầu, ông định hình đây không phải là một dự án thương mại. Mèo được tự do đi lại, không bị triệt sản đại trà, không bị ép buộc ở lại. “Chúng tôi muốn chúng thích nghi tự nhiên. So với sống ngoài đường, nơi này vẫn là một điều kiện tốt hơn nhiều”, ông nói.
Phong cách nuôi thả tự do cũng đi kèm rủi ro. Một số mèo bị bệnh bất ngờ, một số khác biến mất. Trên mạng xã hội, không ít người chỉ trích cách chăm sóc ở Đông Bình. Ông Chu không lay chuyển: “Mọi người có quyền có ý kiến. Nhưng mục tiêu ban đầu của chúng tôi không thay đổi”.
Gần đây, ông cân nhắc mở rộng mô hình để đón “cư dân kỹ thuật số” - những người làm việc từ xa, tài trợ cho dự án, hoặc đơn giản là muốn sống chậm cùng mèo và nghệ thuật. “Nếu họ đến, nơi này sẽ phát triển thêm. Nếu không, Đông Bình vẫn sẽ là một thiên đường ẩn giấu. Và chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc để làm”.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình