Zhou Yan năm nay 32 tuổi, là kỹ sư thuật toán của một công ty công nghệ. Dù chưa nhận quyết định sa thải, những ngụ ý từ lãnh đạo công ty cùng tình thế chung của nhiều đồng nghiệp cùng lứa đã bị đào thải buộc anh phải lo liệu trước tương lai.
Vợ Zhou cũng là đồng nghiệp trong công ty. Theo góc nhìn của anh, các công ty công nghệ thậm chí không cổ vũ phụ nữ thăng tiến.
Với hy vọng cả hai có môi trường làm việc tốt hơn, phát triển sự nghiệp lâu dài, anh đã bàn với vợ chuyển ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng khắc nghiệt.
Nhiều người làm trong ngành công nghệ ở Trung Quốc hy vọng thoát khỏi nỗi lo tuổi tác khi ra nước ngoài. |
Theo The Paper, dù vượt qua mức lương và cơ hội so với nhiều ngành nghề khác, nhiều lập trình viên Trung Quốc như vợ chồng Zhou đang lo lắng trước văn hóa làm việc "996" (làm việc 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần) và "khủng hoảng tuổi 35", khi đa số nhân sự ngành sẽ bị đào thải.
Theo "Báo cáo khảo sát năm 2021 về mức lương và tình trạng sống của lập trình viên Trung Quốc" do Trung tâm thông tin mạng nước này công bố, nhân viên lập trình thuộc độ tuổi 25-29 chiếm nhiều nhất (42,5%), trong khi lập trình viên độ tuổi 35-39 chỉ chiếm 7,7%. Chỉ 1,7% người trên 40 tuổi trụ lại ngành này.
Trốn 996
Theo các nhà quản lý, lập trình viên tuổi càng cao sẽ càng khó tối ưu hóa năng suất làm việc. Lo lắng về nguy cơ bị đào thải, nhiều lập trình viên lớn tuổi đang di cư ra nước ngoài.
Chen Xiao (34 tuổi) cho biết anh đang sắp chạm vào độ tuổi "tối ưu". Nhắc đến vấn đề này, anh và các đồng nghiệp thường tự giễu cợt nhau rằng sắp đến lúc rời vị trí. Nhưng anh biết nhiều người không sẵn sàng thay đổi nghề nghiệp.
Với sự nổi lên của Web 3.0, nhiều công ty công nghệ đã thành lập các trụ sở và trung tâm phát triển khu vực ở Singapore. Đây cũng là địa điểm tìm kiếm công việc mà các lập trình viên nhắm đến.
Thung lũng Silicon ở Mỹ là nơi tập trung nhiều công ty công nghệ, đó cũng là điểm thu hút các lập trình viên lớn tuổi. Một số nước Bắc Âu có lợi thế về phúc lợi, môi trường làm việc cũng thu hút sự quan tâm của các lập trình viên Trung Quốc.
Tháng 5 vừa qua, Shen Yu (sinh năm 1985) đã gia nhập thành công một công ty tài chính ở Singapore với vị trí kỹ sư phát triển.
Cô đã làm việc trong ngành công nghệ ở Trung Quốc hơn 10 năm, có thời gian làm lập trình viên và một khoảng ngắn làm giám đốc sản phẩm.
Dù đã được thăng lên chức giám sát nhỏ ở một công ty công nghệ lớn trong nước, văn hóa "996" khiến cô luôn phải vật lộn khi đứng đầu một nhóm, có quá nhiều cuộc họp.
Văn hóa 996 trong ngành công nghệ khiến nhiều người kiệt sức. Ảnh: Reuters. |
Năm 2021, công ty gặp khủng hoảng, ngành nghề cô phụ trách bị đình trệ. Một số nhân viên của cô bị sa thải, một số chọn nghỉ việc, nhiều người bỏ về quê và bộ phận của cô tan rã.
Quá nhiều áp lực bủa vây, Shen đã phải suy nghĩ lại ý nghĩa công việc và muốn có cuộc sống cân bằng hơn.
"Khi còn trẻ, tôi coi công việc là tất cả, sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào được gọi. Bây giờ, đã có một nền tảng kinh tế nhất định, tôi muốn dành thời gian để sống. Có thể một môi trường mới sẽ giải quyết vấn đề này".
Nỗi lo tuổi tác
Lập trình viên có thể chuyển ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội thuận lợi hơn là nhờ kỹ năng làm việc của họ có thể phù hợp ở nhiều nơi.
"Công nghệ máy tính được sử dụng trên toàn thế giới. Miễn có năng lực xuất sắc, tìm kiếm việc làm không phải trở ngại lớn với lập trình viên", Tan Xiaoke, một lập trình viên từng làm việc ở Nhật Bản, cho biết.
Nhiều thị trường ngoài Trung Quốc không giới hạn độ tuổi lập trình viên. |
Tan Xiaoke sinh năm 1985. Được một người bạn Nhật Bản giới thiệu, sau một tháng học tiếng Nhật, anh đã có thể tới xứ phù tang làm việc.
Ở nơi làm việc hiện tại, Tan không có áp lực tuổi 35. Anh ra nước ngoài năm 28 tuổi, một người 37 tuổi cũng nộp đơn xin vào công ty cùng lúc đó.
"Ngay cả 37 tuổi cũng được coi là trẻ ở đây. Trong nhóm lập trình của tôi, không hiếm người ở tuổi 50".
Tan cho biết thêm nhiều nước không giới hạn độ tuổi của lập trình viên. Hiện thị trường Đông Nam Á, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang thiếu lực lượng lập trình viên chất lượng cao.
Trước đó, Tan học đại học và lên thạc sĩ ở Trung Quốc rồi đầu quân cho một công ty điện thoại di động lớn. Tuy nhiên, làm việc được 4 năm, anh cảm thấy công việc dần nhàm chán, cơ hội thăng chức thấp và thiếu công bằng.
Hơn nữa, Tan mệt mỏi với những mối quan hệ cần phải duy trì ở công ty. Với những nhân viên cùng cấp bậc, vì hiệu quả công việc khác nhau nên mức lương chênh lệch rất lớn. Điều đó dẫn đến cạnh tranh gay gắt.
Trưởng nhóm có thể trực tiếp đánh giá cấp dưới, ảnh hưởng đến kết quả làm việc và thu nhập cũng làm căng thẳng thêm các mối quan hệ cá nhân.
"Nếu chơi thân với trưởng nhóm, bạn sẽ được giao những nhiệm vụ tốt, dễ hoàn thành, cuối năm có thêm tiền thưởng và cơ hội thăng chức cũng cao hơn", Tan nói bản thân đã khinh thường những mối quan hệ như vậy ở nơi làm cũ.
Anh cho biết tại công ty Nhật Bản, việc chấm thành tích khá công bằng, mối quan hệ giữa đồng nghiệp cũng sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều. Anh đánh giá nếu áp lực công việc tại Trung Quốc là 100 điểm thì ở Nhật, con số này là khoảng 70-75 điểm.
Tan còn nhận thấy ở Trung Quốc không có hệ thống tính giờ làm thêm rõ ràng, nhiều người phải làm thêm sau 21h.
Việc dễ tìm, hòa nhập khó
Năm 2020, chồng của Shen Yu được cử sang Singapore làm việc. Trước khi nghỉ việc, cô đã theo chồng sang đó sống một năm trước khi chuyển hẳn ra nước ngoài.
Từng tốt nghiệp 2 trường đại học nổi tiếng hàng đầu ở Trung Quốc, có kinh nghiệm làm việc lâu dài nên Shen Yu dễ dàng được nhận việc.
"Nhưng rất khó để thuê một căn nhà ở Singapore", Shen nói. Vợ chồng cô thuê căn hộ 50 m2 với giá 10.000 nhân dân tệ/tháng, không rẻ hơn các thành phố hạng nhất ở Trung Quốc.
Khó hòa nhập văn hóa và ít cơ hội thăng tiến là nỗi lo của nhiều người Trung Quốc khi ra nước ngoài. |
Trước mắt, việc chuyển ra nước ngoài có thể giúp lập trình viên giảm nỗi lo tuổi tác. Nhưng theo The Paper, về lâu dài, họ vẫn sẽ khó khăn với việc thăng tiến và phát triển bản thân vì phải cạnh tranh với người lao động địa phương.
Theo Tan Xiaoke, khi đến một quốc gia có khác biệt văn hóa, ngoại trừ những cá nhân rất giỏi, người Trung Quốc khó có thể được thăng lên chức quản lý.
Hiện Tan đã về quê ở Tây An. Sau hai năm mắc kẹt ở Nhật vì đại dịch, anh cảm thấy Trung Quốc vẫn là nơi phù hợp hơn để sống. Ở nước ngoài, anh vẫn du lịch khắp các tỉnh và những địa điểm nổi tiếng, nhưng anh thấy buồn tẻ vì cơ bản cuộc sống vẫn xoay quanh công ty và nhà trọ.
Tính đến khả năng làm việc, phương hướng nghề nghiệp và sự phát triển lâu dài của bản thân, Tan cảm thấy ở Trung Quốc phù hợp hơn.