1. Lẩu lạp xạp là đặc sản tỉnh nào?
Lẩu lạp xạp là đặc sản ở vùng biển Quảng Ninh. Tên gọi lạp xạp (hay lạp sạp, lạp chạp, lạp tạp) bắt nguồn từ tiếng địa phương, có nghĩa gần giống thập cẩm. Cá lạp xạp là mớ cá nhỏ lẫn với nhiều loại hải sản khác. Các nguyên liệu thường có trong món lẩu lạp xạp là nước dùng chua ngọt, cá, mực, tôm, ghẹ, rau mồng tơi... Ảnh: Keomut925. |
2. Tên gọi khác của lẩu lạp xạp là gì?
Lẩu lạp xạp còn được gọi là lẩu thuyền chài. Với món ăn này, để nguyên liệu tươi ngon nhất, người miền biển sẽ chọn từng loại cá khác nhau theo mùa. Vị ngọt, thanh của nước dùng được tạo ra từ dứa, cà chua và bứa khô. Ảnh: Keomut925. |
3. Lẩu hột vịt lộn phổ biến ở vùng nào?
Lẩu hột vịt lộn là món ăn quen thuộc của người miền Tây. Để làm đặc sản này, nguyên liệu chính gồm hột vịt lộn, thịt bò, nước cốt dừa, me tươi, nấm, rau cải ngọt, xà lách... Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị chua cay hấp dẫn. Ảnh: Ty Ty. |
4. Lẩu tả pí lù có nguồn gốc từ đâu?
Tả pí lù là món ăn yêu thích của người Hoa. Vào mùa đông, để thưởng thức đồ ăn nóng hổi, họ đã sáng tạo bằng cách cho các loại thịt, rau vào nồi nước dùng đang sôi. Món ăn có hương vị ngọt thanh, là lựa chọn thích hợp cho những người không ăn cay. Ảnh: Thienchoco.cat. |
5. Lẩu giấy có xuất xứ từ nước nào?
Lẩu giấy có xuất xứ từ Nhật Bản với các nguyên liệu đơn giản như thịt bò, hải sản, rau, nấm, sashimi, sushi, cá tuyết… Điểm đặc biệt của món ăn này là nồi nước lẩu được lót bằng lớp giấy washi. Đây là loại giấy truyền thống của người Nhật, đốt không cháy bởi cấu trúc tương đối dày, khả năng chống thấm và chịu nhiệt cao. Ảnh: Doyouluv_food. |
6. Lẩu thả là món ăn quen thuộc của người dân tỉnh nào?
Tới vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận), du khách không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức lẩu thả. Đây là món lẩu đòi hỏi sự tỉ mỉ trong chế biến. Các nguyên liệu gồm hoa chuối, dưa chuột, xoài xanh, thịt ba chỉ luộc, trứng rán, bánh đa, cá, bún... Mọi thứ phải được bài trí bắt mắt với đủ màu đỏ, vàng, trắng, xanh, đen. Ảnh: Tructhanhjourney. |
7. Lẩu thả có hương vị gì?
Lẩu thả đúng chuẩn phải đảm bảo 5 hương vị cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Có 2 cách thưởng thức món ăn này. Bạn có thể dùng bánh tráng để cuốn cùng các nguyên liệu và chấm vào nước sốt đậu phộng hoặc thưởng thức như các món lẩu thông thường. Ảnh: Trangkitty01. |