Loại trái cây khiến người Trung Quốc "phát cuồng". |
Bên trong nhà máy của một công ty chuyên sản xuất đồ ăn vặt ở Nam Ninh (Trung Quốc), các công nhân đang chạy đua với thời gian để đóng gói bánh nhân sầu riêng, sao cho sản phẩm giữ được mùi thơm đặc trưng của loại trái cây này.
Những năm gần đây, bánh làm từ sầu riêng Đông Nam Á đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất của công ty.
"Chúng tôi nhận đơn đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử, rồi nướng và giao bánh trong ngày để đảm bảo bánh giữ được mùi sầu riêng", Tang Chunlong - Phó tổng giám đốc công ty - cho biết.
Ra mắt bánh sầu riêng vào năm 2019, công ty của Tang Chunlong chứng kiến doanh thu hàng năm tăng vọt từ 800.000 nhân dân tệ (110.000 USD) lên hơn 10 triệu nhân dân tệ. Công ty hiện sử dụng bột sầu riêng nhập khẩu Thái Lan có giá khoảng 1 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Trung Quốc là nước tiêu thụ sầu riêng hàng đầu thế giới. Kể từ năm 2023, "cơn cuồng" sầu riêng của nước này đã tăng vọt, được thúc đẩy bởi làn sóng sầu riêng từ Việt Nam và Philippines - những quốc gia có được quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Khi sầu riêng lấp đầy các kệ hàng trên khắp cả nước, nhiều doanh nghiệp nắm bắt thời cơ mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường mới bằng cách phát triển thêm đồ uống, đồ ăn nhẹ làm từ sầu riêng, theo Xinhua.
Sầu riêng "xâm chiếm" nhiều cửa hàng, quán ăn uống ở Trung Quốc. |
“Cơn sốt sầu riêng đã tràn sang bánh và đồ uống. Điều này góp phần thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu sầu riêng từ các nước ASEAN”, Phó tổng giám đốc Tang Chunlong nói, bổ sung rằng thành công với sầu riêng tạo bước đệm để công ty lên kế hoạch sản xuất món ăn vặt lấy cảm hứng từ các loại trái cây Đông Nam Á khác.
Không nằm ngoài xu hướng, Jariya Unthong - chủ một xe trà sữa Thái ở Nam Ninh - đã sáng tạo món trà sữa sầu riêng "best seller". "Mọi người phải xếp hàng hơn 30 phút để có được một ly", chủ quán chứng minh độ "hot" của trà sữa sầu riêng.
Đó chưa phải giới hạn sáng tạo đối với "vua của các loại trái cây", bởi công thức chế biến sầu riêng táo bạo nhất đến từ các quán ăn. Chẳng hạn, một số nhà hàng cao cấp ở Quảng Tây đã tung ra món lẩu có nước súp từ gà và sầu riêng để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua thu hút người tiêu dùng.
"Từ khi ra mắt vào đầu năm nay, lẩu gà sầu riêng luôn nằm trong top 3 món ăn thịnh hành nhất. Chúng tôi ưa chuộng sầu riêng Monthong của Thái Lan bởi độ ngọt và béo. Chúng cũng có độ nhận diện thương hiệu cao đối với dân thành thị kĩ tính", Pang Jie - chủ một nhà hàng lẩu - chia sẻ.
Ông cho biết thêm rằng nhiều khách hàng ban đầu đến ăn vì muốn có trải nghiệm mới lạ, song dần trở thành người hâm mộ trung thành của món ăn.
Số liệu chính thức năm 2023 được Xinhua đề cập cho thấy Trung Quốc nhập khẩu 1,43 triệu tấn sầu riêng tươi, bao gồm 929.000 tấn từ Thái Lan và 493.000 tấn từ Việt Nam.
Về điều này, Niti Pratoomvongsa - giám đốc văn phòng thương mại của Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Nam Ninh - nhận định: "Là loại trái cây gia nhập sau trong ngành chế biến thực phẩm phát triển mạnh của Trung Quốc, sầu riêng có đầy đủ đặc tính cần thiết để trở thành tâm điểm. Nhu cầu về trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ chúng sẽ tiếp tục tăng”.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.