Gồng mình vượt nghịch cảnh
Lê Thị Thúy (Xuân Trường, Nam Định) là một thí sinh đặc biệt khó khăn. Gia đình nghèo, bố lên Hà Nội làm bốc vác, mẹ bị gãy tay, không còn khả năng lao động. Thúy có 9 anh chị em ruột thì 3 anh đã qua đời vì tai nạn và bệnh tật. Chứng kiến những nỗi đau của người thân, cô bé một mình lên Hà Nội dự thi với quyết tâm trở thành sinh viên ngành Y Dược.
Lau mồ hôi sau một ngày thi nóng nực, Thúy kể: "Em lên Hà Nội từ ngày 25/6, tranh thủ đi rửa bát thuê. Gia cảnh nghèo nên em phải tự kiếm tiền để chuẩn bị cho kỳ thi đại học".
Ngoài rửa bát, Thúy còn làm thêm công việc dọn phòng cho thí sinh thi đại học ở ký túc xá Đại học Kinh tế Quốc dân.
Lê Thị Thúy đang ôn bài trong khu ký túc xá Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quyên Quyên. |
Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thúy vẫn giữ thành tích học tập đáng nể. Em đạt học sinh giỏi, được cấp học bổng cả 3 năm THPT. Trong đó, điểm tổng kết cả năm lớp 12 là 8,4; riêng môn Toán 9,0.
Ở hoàn cảnh tương tự, Phạm Thị Nhung, thí sinh nghèo đến từ Nam Định, tâm sự: “Nhiều khi thấy mọi việc đổ lên đầu, áp lực thường khiến em mất ngủ trắng đêm”. Rồi Nhung lại tự động viên bản thân phải cố gắng để vượt qua kỳ thi quan trọng.
Mẹ em bị tâm thần, mất hoàn toàn khả năng lao động, suốt ngày sống trong vô thức. Bố nuôi chị em Nhung được 3 năm rồi cũng bỏ nhà đi. Từ đó, Nhung phải cấy gần 2 sào ruộng, nuôi mẹ và hai em. Căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng không có gì ngoài giường và bàn ghế cũ.
Học hết lớp 11, trong khi bạn bè bắt đầu chuẩn bị tài liệu ôn thi đại học, Nhung phải lên Hà Nội làm quen với công việc lau, rửa xe thuê. Sau hai tháng làm việc, kiếm được gần 4 triệu đồng, em mang tiền về quê để chi tiêu cho cuộc sống gia đình, chỉ giữ lại 500.000 đồng cho kỳ thi đại học.
Nhung tâm sự, mẹ bị ốm, con không làm gì được, đó là lúc bất lực nhất. Ảnh: Quyên Quyên |
Bệnh tật không cản nổi quyết tâm
Sinh ra ở vùng quê nghèo Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, từ khi mới lọt lòng, Nguyễn Trọng Tín đã bị căn bệnh xương thủy tinh. Mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ người nhà trợ giúp. Hiện 19 tuổi, Tín hơn 30 lần gãy chân.
Kỳ thi vừa qua, Nguyễn Trọng Tín được cha cõng đi thi. Sau khi Tín được mọi người đưa vào phòng thi, ông Nguyễn Hoàng (cha Tín), ngồi khép nép ở một quán nước ven đường. Khuôn mặt vẫn đượm vẻ lo âu, ông chia sẻ: "Gia đình tôi làm nông cả năm được năm, bảy tạ thóc cũng phải mang bán để lấy tiền chữa bệnh cho cháu. Gia đình đã tốn rất nhiều tiền nhưng bệnh tình của cháu mỗi ngày một nặng hơn".
Tín chia sẻ, năm nay, em dự thi khối A để xét tuyển vào khoa CNTT, ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Tín cho biết: “Em ước mơ trở thành kĩ sư máy tính. Với tình trạng sức khỏe hiện nay, em cũng chỉ có thể học được ngành CNTT mà thôi”.
Hành trang của sĩ tử nghèo
Trước khi bước vào mỗi kỳ thi, hành trang quan trọng nhất của những học trò nghèo không nằm trong ba lô, cũng chẳng phải ví tiền, mà nằm trong chính bản thân họ. Đó là khát vọng đổi đời và niềm tin vào thành công phía trước.
Niềm tin và khát vọng vươn lên chính là động lực giúp cậu bé Nguyễn Văn Phúc đánh giày suốt 10 năm ở vỉa hè Hà Nội, để rồi năm 2010 thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện nay, Phúc đã trở thành biên tập viên đắc lực của kênh truyền hình VTV6.
Cũng chính niềm tin và khát vọng đến giảng đường đã mang đến thành công của Lê Đức Duẩn, cậu bé nghèo mồ côi bố, mỗi ngày đạp chiếc xe cà tàng vượt 8 cây số đến trường. Năm 2012, Duẩn đỗ thủ khoa Đại học Dược Hà Nội, được Bộ trưởng Quốc Phòng đặc cách vào Học viện Quân y. Cậu bé nhà nghèo chỉ nặng 38 kg ngày nào nào giờ đã trở thành sinh viên trường Quân y, vẫn nuôi ước mơ chữa bệnh cứu người.
Kỳ thi đại học năm 2013 xuất hiện một thí sinh đặc biệt với cái tên Trần Thị Ô Xin. Sống trong ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 10 m2, chống chọi căn bệnh sung lách bẩm sinh, nữ sinh đã vượt lên tất cả để đỗ hai trường đại học với số điểm cao.
Khi chứng kiến những trường hợp kể trên, thật khó khẳng định rằng một gia cảnh khá giả, một cơ thể khỏe mạnh hay những khóa luyện thi đắt tiền là điều kiện cần để đỗ đại học. Thực tế với những người phải bươn trải mưu sinh, vượt lên khó khăn, bệnh tật, họ vẫn có thể bước vào cổng trường đại học, với hành trang là niềm tin chiến thắng và khát vọng giảng đường đến cháy bỏng.