Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lấy phải chàng... 'máu lạnh'

Chị Phương cố tìm cách bắt nhịp với ông xã bằng cách hỏi thăm bạn bè anh. Ngay lập tức, anh Nam phản ứng: “Đàn bà hỏi chuyện đàn ông chỉ tổ rách việc...".

Lấy phải chàng... ''máu lạnh''

Chị Phương cố tìm cách bắt nhịp với ông xã bằng cách hỏi thăm bạn bè anh. Ngay lập tức, anh Nam phản ứng: “Đàn bà hỏi chuyện đàn ông chỉ tổ rách việc...".

>>Yêu phải chàng ''háu gái''
>>Khổ vì yêu chàng gia trưởng

Ảnh minh họa

"Anh chỉ cần em làm một người vợ tốt. Em đừng bao giờ bận tâm đến chuyện của anh. Anh không thích em phiền muộn vì anh đâu!”. Lời của anh Nam trong đêm tân hôn năm nào còn văng vẳng bên tai chị Lan Phương (Quận 4, TP HCM).

Thế nhưng sau bốn năm chung sống, chị Phương đã hiểu thế nào là “chuyện của anh!”.

Phụ nữ nào lập gia đình xong đều muốn mình và chồng có sự cộng hưởng. Thế nhưng, chị Phương luôn nằm ngoài phạm vi phủ sóng quan tâm của chồng. Sau khi cưới, tình cảm anh dành cho chị bắt đầu thay đổi. Anh chẳng bao giờ chở chị đi chơi. Chị trách cứ, anh bảo: “Anh đi gặp bạn bè làm ăn, chơi bi-a, đi bar. Đàn bà con gái đi theo coi sao được?".

Chưa hết, ngay cả chuyện kinh tế của chồng chị cũng chẳng được phép can dự. Do nghĩ mình kiếm được tiền nên sau khi cưới, chị không ép anh nộp tiền lương. Dần dần, anh Nam, chồng chị xem việc tiền ai làm người ấy giữ là điều hiển nhiên.

Sau khi vợ sinh con, anh Nam cũng chẳng thay đổi nếp sống. Có con rồi mà anh cứ phởn phơ như trai tơ để mặc chị một mình nuôi con, chăm lo gia đình. Anh làm gì, đi đâu, gặp ai, bạn bè anh như thế nào... chị không biết.

Một lần, chị cố gắng tìm cách bắt nhịp với ông xã bằng cách hỏi thăm bạn bè anh. Ngay lập tức, anh phản ứng: “Đàn bà hỏi chuyện đàn ông chỉ tổ rách việc. Việc của cô là làm vợ, chăm con. Chớ xen vào chuyện của tôi làm gì!”.

“Anh có xem tôi ra gì đâu. Anh lấy tôi chỉ để đẻ con, làm ô-sin. Có bao giờ anh xem tôi là vợ, quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của tôi thế nào? Đối với anh, có hay không sự hiện diện của tôi trong nhà này không quan trọng. Anh là đồ máu lạnh!”, tức nước vỡ bờ, chị Phương gào lên trong tức tưởi.

Lúc này, anh Nam tròn mắt nhìn vợ. Người phụ nữ trước mặt anh sao trở nên xa xôi, khó hiểu. Anh bỏ đi nằm. Những ngày sau đó, anh lặng lẽ đi, lặng lẽ về.

Riêng chị Phương sau khi thốt ra những lời từ đáy lòng, chị không còn gì để luyến tiếc và quyết định đơn thân ly hôn.

Hiện tại, chị Phương đã thuê nhà ở riêng và nuôi con một mình. Khi hỏi chị có hối hận vì quyết định ly hôn không, bằng giọng lạc quan, chị tâm sự: “Ngẫm lại, tôi cảm thấy mình như trải qua cơn ác mộng. Sau khi chia tay, tuy có phần vất vả vì phải tự lo cho mình và con, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống dễ thở hơn vì không còn sống chung với con người máu lạnh đó. Vợ chồng cứ như hai đường thẳng song song thì có gì phải luyến tiếc!”.

Vì sao các ông gạt vợ qua bên lề cuộc sống?

Vợ chồng là mối quan hệ yêu thương và chia sẻ. Cả hai cần phải tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của nhau và bổ sung những khiếm khuyết để đi đến sự hợp nhất trong đời sống hôn nhân. Khi cuộc hôn nhân không có được các yếu tố cơ bản đó, ly hôn là kết cuộc ai cũng nhìn thấy rõ.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là họ có yêu mới tiến đến hôn nhân, vậy sao sau khi cưới, chồng lại gạt vợ qua bên lề cuộc sống của mình?

Kiểu ông chồng lấy vợ xong rồi để đó, không quan tâm, thể hiện trách nhiệm với vợ như trường hợp của anh Nam không hiếm. Rất nhiều đàn ông quan niệm mình là người làm ra tiền, có bản lĩnh, chỉ cần lấy thêm cô vợ để sinh con và lo việc nhà.

Tất cả những yếu tố đó tạo nên bức chân dung họ là một người đàn ông thành đạt. Để phấn đấu đạt được hình ảnh đó, một số người lấy vợ và xem đó như là món trang sức gia đình. Cho nên sau khi lấy nhau, họ chẳng còn quan tâm đến vợ làm gì.

Cũng có những ông chồng thuở yêu nhau tỏ ra rất nồng nhiệt, nhưng sau khi cưới, thái độ của họ đối với vợ xoay ngược. Theo chuyên viên tâm lý Đoàn Bắc Việt Trân (Trung tâm tư vấn Tâm lý Nối kết), các ông chồng an tâm người phụ nữ đã thuộc về mình. Với suy nghĩ đắc thắng này, họ nghĩ vợ là người sinh con, chăm việc nhà. Họ cũng chẳng bao giờ để ý đến việc chăm sóc tinh thần của vợ và quên mất việc thể hiện trách nhiệm làm chồng. Các ông chồng này nào có biết khi họ mải lo công việc và bận bịu với những trò giải trí náo nhiệt bên ngoài, người vợ phải chịu đựng cuộc sống ngột ngạt của hôn nhân.

"Chỉnh đốn" các ông chồng quá "vô tư" với vợ

Những ông chồng trong các tình huống này hầu như không ghi nhận công sức vợ đã vun vén cho gia đình. Họ nào nhận thức được rằng vợ là một nửa trái tim, một nửa cuộc sống, đã hy sinh nhiều thứ cho họ. Trái tim này rất cần được chăm sóc từng giây, từng phút, từng ngày.

Tuy nhiên, trách tội người chồng cũng phải nghĩ đến lỗi của người vợ. Có thể sau khi cưới nhau, người vợ tính tình dễ dãi, không bắt chồng chung tay vào cuộc sống gia đình. Từ đó chồng xem chuyện gia đình hiển nhiên là của vợ nên chẳng cần xen vào. Ngoài ra, việc vợ chăm sóc chồng quá chu đáo cũng khiến anh ta “no đủ” về tinh thần nên chẳng còn nghĩ đến người khác. Với những ông chồng vô tư và vô tâm như thế, vợ phải chủ động đưa chồng trở về đúng vị trí và thể hiện trách nhiệm với gia đình.

Chị Nguyễn Lê Mỹ Anh, 34 tuổi, nhà ở đường Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, từng rơi vào cảnh bị chồng “gác lại bên đời”. Trong năm đầu chung sống, anh Bình, chồng chị không đưa tiền cho vợ, không quan tâm đến việc nhà, chẳng ngó ngàng đếnvợ hay người thân bên vợ.

Thế nhưng bây giờ, chị đã “cải tạo” anh đâu ra đó. Chị cho biết: “Mình yêu cầu anh ấy góp tiền nhưng bị từ chối. Những lúc đó tức lắm chứ, khi mình chăm lo cho chồng nhưng anh ấy không có trách nhiệm lo lại, mình càng buồn thêm!”.

“Sau nhiều tháng sống như thế, mình thấy không ổn nên đã nói chuyện nghiêm túc với anh ấy. Mình phân tích cho anh biết đưa tiền vợ giữ là để xây dựng gia đình, chuẩn bị cho việc có con. Mình cho anh biết tâm trạng buồn bã ra sao khi bỏ vợ ở nhà đi chơi với bạn. Thấy mình cương quyết và nói có lý, ông xã đã dần dần nghe theo”.

Như vậy, để tránh bị người bạn đời gạt ra khỏi cuộc sống của anh ấy, chị em cần xác định vai trò và tầm ảnh hưởng đối với chồng ngay những ngày đầu hôn nhân.

Sau khi chăm sóc chồng, bạn cần yêu cầu anh ấy đáp lại. Nếu ông xã không tự nguyện, bạn phải có cách định hướng để anh ấy quen dần. Chẳng hạn khi ốm đau, khi quá bận, bạn yêu cầu chồng lấy thuốc, nấu cháo hoặc làm thay việc nhà. Thậm chí khi đủ sức làm những chuyện đó, bạn vẫn nên khuyến khích anh ấy làm. Đó là cách giúp ông xã bạn thể hiện vai trò và quan tâm đến vợ. Có đồng cam cộng khổ, người chồng mới hiểu được vợ quý như thế nào và không dám lơ là.

Phụ nữ cần lấy quyền làm vợ để hỏi han công việc, bạn bè của chồng. Ngược lại, bạn cũng chia sẻ với bạn đời những chuyện đó. Từ trao đổi, chia sẻ, vợ chồng rút ra được cách giải quyết khó khăn hoặc tình huống đang gặp phải. Khi lôi kéo anh ấy tham gia việc nhà, bạn thoả thuận: “Là ông xã của em, anh phải cùng em gánh vác việc nhà. Đừng ỷ làm ra tiền rồi bắt nạt vợ đâu nhé!”. Khi được “rèn” từ đầu, các ông mới ý thức được tầm quan trọng của vợ trong cuộc sống của mình.

Theo Tiếp Thị Gia đình

Theo Tiếp Thị Gia đình

Bạn có thể quan tâm