Bạn Văn Đỗ Phước Thịnh (cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu) chính là người thành lập trang “Đài phát thanh tiếng nói Võ Thị Sáu” cùng một nhóm bạn học sinh của trường. “Ban đầu “đài phát thanh” chỉ với mục đích để đăng các tâm tư, tình cảm của học sinh.
Sau ba tháng sử dụng, giáo viên của trường đã đề nghị chuyển thành một trang chính thức của trường. Từ đó, trang được sự chăm sóc của học sinh và cả giáo viên” - Thịnh cho biết.
Các học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu thi nhảy tập thể trong giờ ra chơi. |
|
Trang này hiện có hơn 2.700 thành viên, mỗi ngày trung bình nhận được 20-70 tâm sự từ hầu khắp học sinh của trường.
Đó là những phản hồi chuyện nhà vệ sinh của trường thiếu nước, thường rất dơ; chuyện đề xuất trường nên tổ chức các trò chơi vận động vào giờ ra chơi, tổ chức nhảy tập thể...
Theo tôi, đây là cách xử lý thông tin rất hiệu quả, vừa giúp các em giải tỏa cảm xúc, vừa định hướng cho các em cách suy nghĩ tích cực hơn
Cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Bạn Kim Ngân thì vui vẻ kể: “Từ ý kiến muốn nhảy tập thể trên Facebook, nhà trường đáp ứng ngay và tổ chức cuộc thi nhảy tập thể dành cho tất cả các lớp. Từ khi có trang Facebook này, có điều gì bức xúc chúng mình gửi về cho quản trị viên. Thông tin được bảo mật, lại vừa được hồi âm sớm từ các thầy cô, vì vậy không có chuyện học sinh của trường bức xúc ghi lên Facebook cá nhân nữa. Mình cảm thấy đi học vui hơn lúc trước nhiều”.
Thầy Vũ Đại Hội (giáo viên môn vật lý Trường THPT Võ Thị Sáu) chia sẻ: “Thấy học sinh mình thoải mái như vậy, tôi cũng mừng. Từ chính góp ý của các em mà chúng tôi nhận ra được những điều chưa hay để sửa đổi.
Nếu để các em dùng Facebook cá nhân phản ảnh chuyện nội bộ trong trường, thứ nhất, vừa làm mất uy tín của trường nói chung và giáo viên nói riêng. Thứ hai, chính các em cũng bị người khác đánh giá”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc (GV văn Trường THPT Võ Thị Sáu, cũng là quản trị viên trang Facebook của trường) nói: “Mọi tâm tư, tình cảm của các em đều được các thầy cô xem xét. Nếu nhu cầu của các em là chính đáng, ngay cả chuyện phản ảnh về các giáo viên trong trường, thì thầy cô cũng lọc ra và chuyển cho ban giám hiệu để được xử lý kịp thời”.
Tuy nhiên, cô Ngọc cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ tiếp nhận những thông tin được ghi bằng lời lẽ có tính chất xây dựng, câu cú rõ ràng và lễ phép. Chỉ khi các em ghi đúng nội quy của trang thì ý kiến các em mới được ghi nhận. Đây cũng là một cách để các em rèn giũa tính kiềm chế”.
Vào mỗi sáng thứ hai, Trường THPT Võ Thị Sáu còn bổ sung một phần sinh hoạt dưới cờ nữa là giải đáp các thắc mắc của học sinh một cách công khai.