Tối 6/5, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2019), chương trình Giai điệu tự hào phát sóng với chủ đề Ý chí và con đường.
Đường Trường Sơn, con đường 559 huyền thoại là một trong những thành tựu của công binh lớn nhất thế kỷ 20 với hơn 17.000 km đường xe cơ giới, hơn 1.400 km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông. Trên con đường anh hùng này, quân đội ta đã bắn rơi 2.455 máy bay địch.
Lễ cưới trên sân khấu sau nhiều năm của hai bác Văn Thân và Vũ Thị Liên. Nhiều năm trước, họ tổ chức cưới ngay trên con đường Trường Sơn. |
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn gọi đây là “con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm và khí phách anh hùng”, là khúc tráng ca lịch sử và là nơi huyền thoại bắt đầu.
Ở nơi bom đạn trên con đường huyết mạch, tình yêu đôi lứa vẫn nhen nhóm cùng tình yêu đất nước và ý chí chiến thắng. Chuyện tình yêu của những chàng trai, cô gái mới 18, 20 chân phương, mộc mạc, có chút ngượng ngùng xấu hổ và e dè không dám ngỏ lời với nhau.
Tình yêu của các chiến sĩ ngày đó như lời ca Em ở nơi đâu của nhạc sĩ Phan Nhân: “Hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn/Tuổi xuân em phơi phới/ Năm xưa đi mở đường/Chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát mà đem lòng yêu thương”.
NSND Tự Long thể hiện ca khúc Quả bom câm. |
Cô Tạ Thị Hoán, chiến sĩ trong tiểu đội cảm tử C5, đội 25, binh trạm 14, đoàn 559 nhớ lại: “Tôi là tiểu đội trưởng, Thắng cũng là tiểu đội trưởng. Thắng dặn tôi nếu chiến tranh không cướp đi một trong hai đứa, thì anh sẽ xin cha mẹ hai gia đình để nên vợ nên chồng. Ngày 28/10/1969, anh hy sinh sau khi đi kiểm tra đường. Ngày yêu, một cái nắm tay cũng không có, chỉ nghe thấy tiếng nhau”.
Cũng có đôi lứa may mắn hơn, họ tổ chức lễ cưới ngay trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Đám cưới khi đó được tổ chức bên ngôi nhà tranh lợp tạm, những chiếc cốc làm từ vỏ bom, bó hoa gói vội. Mọi thứ đều chuẩn bị vội vàng, không có sự xuất hiện của cha mẹ hai bên nhưng ấm áp tình đồng chí đồng đội.
Trên sân khấu Giai điệu tự hào, lần đầu tiên, lễ cưới của hai chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy là Văn Thân và Vũ Thị Liên được tái hiện đầy xúc động.
Chương trình tái hiện những ký ức hào hùng gắn liền với con đường Trường Sơn lịch sử. |
Hơn 100 phút của chương trình, khán giả được sống lại với hồi ức đầy hào hùng của lịch sử dân tộc qua lời kể của người trong cuộc và những bài hát đi cùng năm tháng. Đó là phần thể hiện của hai MC Lê Anh và Hồng Nhung với Sợi nhớ sợi thương, ca sĩ Võ Hạ Trâm hát Trường Sơn đông Trường Sơn tây.
Lần đầu tiên, khán giả còn được nghe Quả bom câm qua bản phối riêng của nhạc sĩ Lưu Hà An do NSND Tự Long thể hiện.
Giai điệu hùng tráng của Trên đỉnh Trường Sơn ta hát do NSND Quang Thọ trình bày như lời kết hào hùng gửi đến khán giả.
Trên Fanpage, nhiều khán giả trẻ chia sẻ họ đã khóc khi xem chương trình. Facebook Hoa Ngân viết: "Chương trình rất hay, rất ý nghĩa. Mình xem từ đầu tới cuối, dạt dào cảm xúc, cảm ơn chương trình, tất cả tư liệu các bài hát, câu chuyện đến những người bàn luận và cả hai MC đều rất tuyệt vời. Chương trình như lần nữa nhắc nhở mình phải tri ân phải biết ơn những người đã hy sinh cho Tổ quốc".
"Tôi đã khóc khi xem chương trình này. Những nước mắt, sự chia ly và cả sự hy sinh của người lính đã mang lại hòa bình, thống nhất đất nước ngày hôm nay", một ý kiến khác chia sẻ.