Zing trích dịch bài viết trên South China Morning Post nói về Lễ hội khỏa thân, một sự kiện văn hóa lớn của Nhật Bản, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Các trưởng lão tại đền Saidaiji Kannonin, tỉnh Okayama, miền Trung Nhật Bản, đã phải chọn cách cắt giảm quy mô Saidaiji Eyo - sự kiện thường niên có lịch sử gần 1.000 năm và thu hút hơn 10.000 người đàn ông mặc khố tham dự.
Lễ hội Saidaiji Eyo, hay còn được gọi là Lễ hội khỏa thân, sẽ được tổ chức vào ngày 20/2 tới với một hình thức hoàn toàn khác mọi năm.
Những người đàn ông chen lấn để tranh giành tấm bùa may mắn ở đền Saidaiji, Okayama, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
“Nếu như trước đây chúng tôi có thể đón hơn 10.000 người đàn ông đổ về tham dự, thì năm nay điều này là bất khả thi và vô cùng nguy hiểm vì đại dịch Covid-19”, Yuji Omori, phát ngôn viên của đền cho biết.
Mặc dù năm ngoái lễ hội được tổ chức khi đại dịch đã bùng phát, lúc đó tình hình vẫn trong tầm kiểm soát vì thế các sự kiện đều diễn ra như thường. Thế nhưng năm nay không còn được như vậy.
Nét văn hóa nghìn năm
Được công nhận là Di sản Văn hóa Dân gian Phi vật thể quan trọng truy về thời kỳ Muromachi, Saidaiji Eyo vốn là một nghi lễ Phật giáo với tên gọi shuseikai, nhằm đánh dấu Tết Nguyên đán và cầu bình an, mùa màng bội thu.
Ban đầu, những tấm bùa bằng vải chỉ được trao cho lão làng và người có địa vị xã hội. Không lâu sau, những cuộc ẩu đả bắt đầu nổ ra giữa người xem với mục đích giành lấy vận may cho mình trong năm mới.
Vào năm 1510, vị trụ trì của ngôi đền đã quyết định rằng những tấm bùa nên làm bằng gỗ để tránh việc bị xé nát, và sẽ được ném ra từ cửa sổ tầng trên cho đám đông tranh giành.
Những chiếc khố fundoshi đã trở thành trang phục truyền thống của lễ hội. Ảnh: Simone Armer. |
Những người tham gia nhanh chóng nhận ra rằng họ di chuyển nhanh hơn và khó bị đối thủ tóm cổ hơn nếu cởi bỏ hết quần áo trên người. Từ đó, chiếc khố fundoshi đã trở thành trang phục chuẩn mực bất chấp nhiệt độ có thể xuống 0 độ C ở Okayama vào tháng 2.
Hàng nghìn người đàn ông cởi trần, đóng khố, uống rượu sake, la hét và chạy nhảy để làm nóng người. Sau đó, họ sẽ đi qua một thác nước để thanh tẩy trước khi bước vào ngôi đền linh thiêng.
Những người tham gia cố gắng chạm vào nhau thật nhiều để lan tỏa may mắn. Ảnh: Mstyslav Chernov. |
Lễ hội diễn ra vào 22h, khi một đạo sĩ từ trên cao ném xuống đám đông 2 tấm bùa. Theo truyền thuyết, ai giữ được bùa lâu nhất và bỏ được vào một chiếc hộp chỉ định thì sẽ gặp may mắn và hạnh phúc trong cả năm sau.
Trong thời chiến, lễ hội vẫn diễn ra bình thường dù số lượng nam giới tham gia giảm đáng kể. Vào lúc đó, một sự kiện song song đã được tổ chức cho phụ nữ địa phương và được đón nhận rất nồng nhiệt.
Ảnh hưởng của đại dịch
Cũng vì hoạt động chính của Saidaiji Eyo là việc hàng nghìn người đàn ông gần như khỏa thân xô đẩy nhau để giành lấy những tấm bùa may mắn, ban tổ chức thấy rằng sẽ quá nguy hiểm nếu lễ hội vẫn diễn ra theo kiểu truyền thống trong năm nay.
Thay vào đó, họ mời 141 người chiến thắng ở các lần tổ chức từ năm 1989 đến tham dự và truyền hình trực tiếp sự kiện. Các tấm bùa sẽ được truyền tay liên tục cho đến khi vị trụ trì rút ngẫu nhiên tên của những ai tham gia từ một thùng gỗ để ấn định người thắng cuộc.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh là quá lớn đối với một lễ hội như Saidaiji Eyo. Ảnh: Jeff Rabinowitz. |
Minoru Omori, chủ tịch ủy ban tổ chức lễ hội, cho biết đại dịch Cái chết đen đã cướp đi sinh mạng 1/3 dân số của Kyoto vào thời Heian. Và Saidaiji Eyo được tổ chức để mang lại hy vọng và may mắn sau một thời gian đen tối kéo dài.
"Qua các cuộc thảo luận với trụ trì và các thành viên ủy ban, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng việc cần phải làm bây giờ là cầu nguyện, cầu cho hòa bình thế giới và loại bỏ bệnh dịch", ông nói.
Ban tổ chức cũng đã quyết định cấm khán giả và hủy bỏ việc bắn pháo hoa, trong khi các quầy hàng bán thực phẩm và đồ lưu niệm cũng được yêu cầu dời ra xa ngôi đền.
Do số lượng tham gia bị hạn chế trong năm nay, ban tổ chức đang có kế hoạch mời những người đàn ông đến và chụp ảnh họ trong những chiếc khố fundoshi. Mục tiêu là lập kỷ lục Guinness thế giới về số lượng ảnh đăng nhiều nhất trong một giờ.