Tối 28/12, sự kiện Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam 2020 (VIFF) chính thức khép lại. Không chỉ show diễn hào nhoáng trên sàn runway hay những màn "chặt chém" của ngôi sao ở thảm đỏ, đây còn là sự kiện với định dạng hoàn toàn mới kết hợp giữa âm nhạc và thời trang cùng sự tiếp cận gần gũi đến khán giả.
Quy tụ nhiều nhà thiết kế tên tuổi
Mỗi sự kiện thời trang đều mang lại cho khán giả sự mong chờ từ khâu tổ chức, quy mô đến cách thức hoạt động. Đây có thể được xem như sân chơi tạo điều kiện cho các nhà thiết kế phô diễn tài năng.
Lễ hội thời trang năm nay quy tụ nhiều nhà mốt tên tuổi như Adrian Anh Tuấn, Hà Linh Thư, Devon Nguyễn, Lý Giám Tiền, Nguyễn Tiến Truyển... Mỗi người thể hiện màu sắc thời trang khác biệt, khẳng định bản thân với sự sáng tạo thông qua các bộ sưu tập được trình làng trên sân khấu.
Sự kiện quy tụ nhiều nhà thiết kế tên tuổi trong làng mốt Việt. Ảnh: Phương Lâm. |
Với chủ đề "Re-Festival" đậm tinh thần mùa lễ hội nên đa phần thiết kế đều tập trung vào yếu tố trình diễn xen lẫn tiết mục âm nhạc sôi động. Do đó, trang phục dễ dàng thể hiện được nét sáng tạo riêng, mang đến sự vui tươi, phóng khoáng. Các bộ sưu tập khi kết hợp với nhau vô tình tạo ra đủ lát cắt thời trang cùng nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Nếu Adrian Anh Tuấn mang đến tà áo dài trong dịp Tết Nguyên đán, Tuấn Trần thể hiện tinh thần thời trang theo đúng mùa Giáng sinh, Hà Nhật Tiến lại khoe vẻ phóng khoáng, năng động với các thiết kế đậm chất sporty. Trong khi đó, Devon Nguyễn gây phấn khích với bộ sưu tập đậm âm hưởng disco thập niên 1980 hay cách Lý Giám Tiền lấy cảm hứng từ lễ hội Carnival màu sắc cho từng màn trình diễn trên sân khấu.
Tuy nhiên, những show diễn này lại đặt nặng yếu tố giải trí lên hàng đầu. Chính điều này phần nào tạo cảm giác sự kiện bị mất đi tinh thần thời trang đúng nghĩa. Vài điểm sáng nhỏ trong mỗi ngày đến từ các bộ sưu tập mang giá trị thuần thời trang, không dùng chiêu trò để gây chú ý giống các nhà mốt quốc tế như của Lê Lâm hay Tùng Vũ.
Nhiều bộ sưu tập khiến khán giả cảm thấy có phần hụt hẫng, nhàm chán khi trình làng lại thiết kế từng xuất hiện trong các show trước đó và chỉ thêm vào một vài mẫu mới, cắt đứt mạch liên kết của bộ sưu tập.
Đặc biệt, các trang phục không mang tính ứng dụng. Sự kiện này cũng không có sự gắn kết với chuẩn mực của thế giới trong việc định hình xu hướng ở những mùa mốt sắp đến.
Không chỉ thế, điểm trừ không đáng có cho sự kiện lễ hội thời trang chuyên nghiệp chính là cách dựng sàn runway chưa tôn vinh được thiết kế trong bộ sưu tập. Việc bố trí chỗ ngồi khiến ánh nhìn của người xem bị giới hạn, cảm nhận vóc dáng người mẫu thấp hơn so với chiều cao thực tế.
Nhiều thiết kế mang nặng yếu tố trình diễn hơn tính ứng dụng. Ảnh: Duy Anh, Phương Lâm. |
Thiếu vắng các tín đồ thời trang
Thông thường, fashion show là nơi để các nhà thiết kế mang đến khán giả trang phục chuẩn bị ra mắt vào mùa Xuân - Hè hay Thu - Đông. Các bộ sưu tập sẽ được trình diễn trước một mùa để từ đó quyết định trào lưu nào sẽ là chủ đạo cho năm kế tiếp.
Với nguyên tắc đặc thù trong ngành thời trang, việc xuất hiện của giới chuyên môn, nhà phê bình hay tổng biên tập tạp chí là cách nói lên tính chuyên nghiệp, sự danh tiếng của mỗi nhà mốt. Ngoài ra, họ còn là những người quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc định hình xu hướng hay quyết định sự sống còn của thương hiệu.
Tuy nhiên, ở Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam 2020 lại thiếu vắng các nhân vật quan trọng, mất đi một phần "linh hồn" của sự kiện thời trang đúng nghĩa. Thậm chí, khán giả còn chờ mong sự góp mặt của dàn fashionista tên tuổi như Châu Bùi, Khánh Linh hay Quỳnh Anh Shyn để chứng kiến gu ăn mặc của họ khi tham dự fashion show tại Việt Nam.
Nhiều sự kiện trước vẫn gây tranh cãi về câu chuyện ăn mặc của các bạn trẻ yêu thời trang. Điều này phần nào giúp chương trình tạo được sự chú ý và khiến mọi người hiểu rõ hơn về giá trị thời trang thực sự.
Fashionista là một phần không thể thiếu tại các show thời trang thế giới. Ảnh: Vogue. |
Tuy nhiên, việc không xuất hiện giới chuyên môn lại trở thành ưu điểm cho sự kiện lần này bởi Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam không chỉ dành cho những người hoạt động trực tiếp trong làng mốt hoặc ngôi sao nổi tiếng. Nó trở nên phổ biến hơn với giới "ngoại đạo", giúp thời trang tiếp cận một cách gần gũi.
Bà Thanh Dân - ban tổ chức của VIFF 2020 - chia sẻ với Zing: "Khách mời đến với lễ hội là những người yêu thời trang. Khi họ tham dự, chúng tôi đều chào đón giống nhau. Tôi cũng cảm thấy nuối tiếc khi không nhìn thấy các bạn fashionista tên tuổi hay chuyên gia thời trang nhưng thời điểm cuối năm là khoảng thời gian bận rộn. Không thể vì điều gì mà làm ảnh hưởng đến lịch trình của họ.
Trong sự kiện lần này, tôi may mắn được chào đón nhiều đối tượng khách khác nhau, điểm chung của họ là đều ăn mặc rất đẹp. Chúng tôi tôn vinh điều đó và hy vọng mọi người sẽ có nhìn nhận công bằng về cái đẹp. Tôi xin nhấn mạnh Vietnam International Fashion Festival là mô hình mới và muốn mang đến điều mới mẻ, khác lạ hơn so với các show diễn thời trang thành công trước đây".
Chương trình thiếu vắng sự xuất hiện của dàn fashionista tên tuổi. Ảnh: Phương Lâm. |
Lễ hội thời trang hay buổi diễn kịch nghệ?
Trong mỗi slot diễn, ban tổ chức sắp xếp lịch trình theo một quy chuẩn nhất định khi đan xen giữa buổi ra mắt bộ sưu tập là sự góp mặt của dàn ca sĩ trên sân khấu để dẫn dắt người xem đi vào câu chuyện các nhà thiết kế.
Theo chia sẻ từ ban tổ chức, thời trang cũng được truyền tải một cách dễ hiểu, tiếp cận gần gũi đến khán giả qua âm nhạc. Điều quan trọng là mỗi người sẽ cảm nhận được niềm vui từ mùa lễ hội giống như tinh thần của chuỗi sự kiện lần này.
Điều này tạo nên luồng tranh cãi trái chiều. Việc sử dụng nhiều tiết mục trên sân khấu khiến khán giả quên mất bản thân đang xem show thời trang, thậm chí cách phân chia lịch trình cũng không có sự đồng đều. Những phần trình diễn của nghệ sĩ xen giữa lúc nhà thiết kế ra mắt bộ sưu tập tạo nên sự đứt quãng mạch cảm xúc khán giả.
Nhiều người còn cho rằng điều này khiến Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam như chương trình ca nhạc tạp kỹ. Trên thế giới cũng có việc ca sĩ, ban nhạc trình diễn trước khi bắt đầu show nhưng cách chọn bài hát của họ nhằm tôn vinh tinh thần cho bộ sưu tập và không có sự lấn át phần trình diễn của người mẫu.
Điều tinh tế của những nhà mốt quốc tế còn đến từ việc khán giả cảm thấy được sự thăng hoa khi ngồi xem show thời trang thực thụ như cách thương hiệu Burberry từng làm trong bộ sưu tập nam giới Xuân - Hè 2016.
Show diễn Xuân - Hè 2016 của Burberry cùng dàn nhạc giao hưởng. Ảnh: Vogue. |
Trước vấn đề Zing thắc mắc, bà Thanh Dân bày tỏ: "Những tiết mục âm nhạc chỉ là sự kết nối để dẫn dắt người xem vào các bộ sưu tập. Điều này giúp mọi người cảm thấy thoải mái, xem show không bị khó cảm, lạ lẫm như những gì họ từng biết về các buổi trình diễn thuần thời trang. Về việc so sánh, tôi nghĩ là không công bằng bởi mô hình các chương trình hoàn toàn khác nhau. Mỗi cái đẹp đều có ưu điểm riêng. Điều quan trọng chính là mỗi người sẽ cảm thấy được niềm vui từ mùa lễ hội.
Trên thế giới, vẫn có những chương trình cân bằng yếu tố thời trang và kịch nghệ như Victoria's Secret. Họ cũng từng bị đánh giá quá thương mại nhưng mọi người vẫn yêu thích. Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác khi âm nhạc đều góp mặt vào các môn nghệ thuật như phim ảnh, hội họa... Đơn cử như giải Oscar cũng trao cho những bản nhạc phim hay nhất theo từng năm".
Nhìn chung, lễ hội này là định dạng mới và chưa từng xuất hiện ở thị trường Việt Nam nên khó tránh được những sai sót trong khâu tổ chức.
Bên cạnh đó, tinh thần của chương trình chính là màu sắc của mùa lễ hội và sẽ thiếu sót khi không có những màn trình diễn giải trí. Tuy nhiên, cân bằng giữa yếu tố âm nhạc và thời trang là điều quan trọng nếu ban tổ chức muốn có thêm các mùa sau.
Công chúng cũng không nên quá khắt khe với sự kiện lần này bởi sự xuất hiện thêm một sân chơi ở Việt Nam phần nào tạo sự chú ý đến giới mộ điệu quốc tế, giúp ngành nghề này ngày càng phát triển trong tương lai. Điểm mấu chốt vẫn là câu chuyện để thời trang được tiếp cận gần hơn với mọi người.
Màn trình diễn múa cột của người mẫu trên sân khấu. Ảnh: BTC. |