Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ hội đặc biệt đầu năm chỉ cho đi

Khác với hàng nghìn lễ hội đầu xuân đang diễn ra trên cả nước, đây là lễ hội duy nhất những người tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mà chỉ cho đi.

Tại lễ khai mạc Lễ hội Xuân hồng, Kiều Sĩ Nguyên (sinh năm 1991, ở Thạch Thất, Hà Nội) cho biết đã đi quãng đường 25 km để hiến máu. Đây là lần thứ 11 anh tham gia hoạt động ý nghĩa này.

Năm 2012, anh được một người em gái giới thiệu về công tác thiện nguyện này. Từ đó, anh đều đặn tham gia mỗi năm 2-3 lần. Không chỉ vậy, anh còn vận động người thân, đồng nghiệp cùng đi hiến máu. Năm 2017, anh đã vận động được 26 người đi cùng.

Le hoi Xuan hong 2018 anh 1
TS Bạch Quốc Khánh bắt tay cảm ơn vợ chồng anh Hoàng đã đến hiến máu tình nguyện. Ảnh: C.T.

Lưu Việt Hoàng (quận Hà Đông, Hà Nội) và vợ cùng dẫn con gái đến tham gia. Tại đây, cả hai anh chị cùng hiến máu. “Chúng tôi đưa con đi để nhìn thấy nghĩa cử cao đẹp. Cháu sẽ hiểu và tiếp tục có những hành động như vậy”, anh Hoàng nói.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn người dân và bạn trẻ nô nức "Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống" tại Lễ hội Xuân hồng năm nay. Tính tới 12h, ban tổ chức đã tiếp nhận gần 1.700 đơn vị máu tại 2 địa điểm là Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Cung Trí thức Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định: "Khác với hàng nghìn lễ hội đầu Xuân đang diễn ra trên cả nước, đây là lễ hội duy nhất mà những người tham dự đến không cầu xin điều gì cho bản thân mình mà đến để "cho đi” một phần cơ thể của họ qua hành động hiến máu tình nguyện. Điều đó đã làm nên sự đặc biệt của Lễ hội Xuân hồng”.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc lại thời điểm trước khi vấn đề thiếu máu còn nan giải. Ông dùng chữ “bó tay” để mô phỏng một cách chính xác về việc các y bác sĩ khi không thể cứu chữa, để bệnh nhân ra đi chỉ vì thiếu máu.

Cả nước hiện có tới hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về máu, cần truyền các chế phẩm từ máu hàng ngày. Đó cũng là sinh phẩm y tế không thể thiếu trong các ca xử lý cấp cứu thường ngày đến việc thực hiện các kỹ thuật cao của y học như ghép tạng, điều trị bệnh nghiêm trọng.

Chính nhờ những tấm lòng của người hiến máu tình nguyện, vấn đề thiếu máu trong điều trị đã được giải quyết tới 70-80% (năm 2017 là 75%).

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương chia sẻ Lễ hội Xuân hồng là sự kiện hiến máu lớn nhất trong năm do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khởi xướng từ năm 2008 và được Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo, nhân rộng trên toàn quốc từ năm 2010.

Le hoi Xuan hong 2018 anh 2
Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng các vị đại biểu thăm và tặng quà bệnh nhân tan máu bẩm sinh . Ảnh: C.T.

Lễ hội đã góp phần quan trọng đảm bảo lượng máu cho điều trị dịp ngay sau Tết Nguyên đán, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện, tạo nên nét đẹp hiến máu đầu xuân.

Sau 10 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút 190.000 lượt người tham dự và 60.300 đơn vị máu được hiến tặng. 

Mặc dù lượng máu dự trữ cho dịp Tết năm nay được chuẩn bị tốt nhưng nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện quá cao nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm máu sau Tết. Chính vì vậy, Lễ hội Xuân hồng vẫn là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.


Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm