Không còn mái tóc đuôi gà, trang phục hầm hố, “gã nhà quê” lột xác thành anh trai phố thị với mái đầu và trang phục sành điệu như tài tử Hàn Quốc. Nhìn Lê Minh Sơn trẻ ra hàng chục tuổi. Nhưng khi vào chuyện, tay guitar lãng tử vẫn giữ nguyên cách nói chuyện bông phèng, tưng tửng mà không kém phần thật thà. Tác giả Ôi quê tôi cho biết, anh gặp báo chí việc chính là khoe tóc, việc phụ mới là nói về album vừa ra mắt mang tên À ơi.
- Anh từng có “Mình là đàn ông” để khuyên đàn ông cách yêu phụ nữ, rồi lại có “Cửa thơm mùi nắng” để nâng niu đàn bà, giờ là một sản phẩm dành cho trẻ em. Vì sao có sự thay đổi chóng mặt như vậy?
- Tôi làm xuất phát từ những điều quan sát thấy của đời sống. Các bà mẹ Việt Nam bây giờ hầu như không biết hát ru. Người ta mở nhạc trẻ ầm ĩ lên cho con nghe, vì thế điệu hát ru dần mất đi. À ơi không chỉ dành cho trẻ con. Người lớn khi nghe sẽ thấy những gì rất thân thuộc khiến cảm xúc trào lên không kiểm soát được. Album gồm đại diện cho các làn điệu ru mà tôi nghe và biên tập. Đồng bằng Bắc Bộ chiếm đa số rồi đến Nam Bộ, Trung Bộ. Tây Nguyên, Tây Bắc với Mèo vạc cũng rất xúc động. Đây là những làn điệu cổ nhất, đặc trưng nhất của từng vùng miền. Nếu những thứ đó mất đi, chúng ta sẽ trở thành những kẻ lai căng.
- Nói như vậy, tại sao anh lại làm một đĩa hát ru thuần Việt trên nền nhạc giao hưởng mà không phải đàn ca sáo nhị cho thật thuần Việt?
- Nếu những lời hát đi với tranh sáo nhị bầu thì không khác gì nhà có đám bởi lâm khốc của đám ma và lâm khốc của nhạc dân tộc cùng một điệu tính như nhau. Tôi chọn nhạc thính phòng để vừa du dương dễ ngủ vừa là cách để đưa trẻ đưa trẻ vào không gian sang trọng, văn minh để sau này chúng không bị choáng ngợp nếu ra thế giới. Những đứa con của tôi, chúng hay xem Tom và Jery, mà âm nhạc trong phim này toàn lấy từ Beethoven, Mozart… Đó là cách mà người Mỹ đã làm, nó quảng bá âm nhạc một cách ghê gớm. Con tôi khi nghe À ơi đều rất thích.
- Phải chăng anh làm “À ơi” xuất phát từ nhu cầu của chính mình, thay vợ ru con?
- Vì vợ ông hàng xóm không biết ru con (cười lớn). Vợ ông ấy toàn bật nhạc trẻ. Còn ở nhà tôi, trước đây tôi cũng ru con chứ. Tôi ru: “Thằng con buồn ngủ buồn nghê, buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà” thì nó ru lại: “Thằng bố buồn ngủ buồn nghê…”. Đó là điều thú vị của một thằng bé 2 tuổi. Bây giờ có đĩa, tôi bật đĩa cho nó xem cũng đỡ mỏi mồm.
Đó là nói vui, còn nói thật thì tôi đang ấp ủ dự án làm nhạc cho trẻ con. Tại sao âm nhạc Việt Nam ngày càng xuống cấp? Đó là vì âm nhạc dành cho thiếu nhi của chúng ta chẳng có gì. Truyền thông đói khát đẩy những thứ ba lăng nhăng lên kiếm tiền còn những thứ tử tế lại bị hạ xuống. Đó không chỉ là bi kịch của riêng truyền thông mà của cả nền văn hóa mà quốc gia đang phát triển nào cũng gặp phải.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ảnh: N.T. |
- Thế còn bài toán bi kịch của chính anh khi đưa ra những sản phẩm tử tế nhưng bị xa lạ với người nghe?
- Đường đi của tôi từ trước đến nay vẫn thế. Số ít luôn là điều vĩ đại bởi chỉ có số ít mới nuôi được số đông. Mình làm về văn hóa thì hãy làm từ những điều nhỏ nhất. Tôi chưa bao giờ bi kịch vì không có đám đông bởi con đường của tôi là thế. Mỗi năm một sản phẩm, một liveshow và bán hết bay vé, được sống, được nuôi dưỡng. Thế là sướng lắm. Cứ thấy thiếu thì mình làm. Đó là cái thiếu theo góc nhìn của mình chứ không phải thiếu theo góc của thiên hạ.
- Số ít nuôi số đông còn cái gì nuôi số ít?
- Đó là trí tuệ, là phẩm cách, sự sắc sảo và tư duy hơn người. Tôi rất mê bóng đá, nói về bóng thì tại sao đội U19 lại thành công như vậy? Đó là sự âm thầm của bầu Đức, nếu ông ấy cũng chạy theo thành tích, mua những cầu thủ giỏi nhất về, có giải vô địch chẳng để làm gì cả. Khi bầu Đức mời huấn luyện viên của Arsenal sang, ông bị vị này mắng cho một trận và bảo phải đi đào tạo thế hệ trẻ. Âm nhạc cũng thế, phải giáo dục từ bé. Văn hóa nghệ thuật chẳng có gì cao sang cả, những đứa bé được tiếp xúc văn hóa nghệ thuật từ bé, tâm hồn nó sẽ khác hoàn toàn.
- Anh nghĩ sao về việc, các cô bé, cậu bé của The Voice Kids đang hát những bài người lớn?
- Tôi cũng đau xót chứ. Tôi xem quán quân The Voice Kids hát bài Đá trông chồng của tôi mà trào nước mắt. Không phải vì nó hay mà vì chát quá. Chúng ta đã bỏ quên hẳn một mảng nhạc thiếu nhi mà chỉ chìm đắm vào “anh yêu em triền miên khao khát ngất ngây đắm say”, tự chúng ta đẩy mọi thứ lên thành vô lý rồi để nó vỡ. Văn hóa đang vỡ như bóng đá, vì có ai đào tạo giáo dục đâu.
- Và vì vậy nên mới có Lệ Rơi?
- Tôi nhìn trước vấn đề Lệ Rơi xảy ra từ cách đây khoảng 10 năm rồi, càng tránh được bao nhiêu càng tốt. Những người Việt đang tham gia văn hóa nghệ thuật đều nhầm lẫn rất lớn giữa sự quen mặt và sự nổi tiếng. Ông Beethoven chết hàng trăm năm nhưng chúng ta vẫn nhớ. Lệ Rơi ầm ầm trên các phương tiện truyền thông, ai cũng biết mặt nhưng để lại chút gì về nghệ thuật cũng không có.
Có một điều tôi phải cám ơn Lệ Rơi ghê gớm. Tôi bảo các học trò, các đồng nghiệp trẻ: Các em có hát, có bán đĩa các em cũng không bao giờ có lượng câu view khủng khiếp như anh Lệ Rơi. Các em có cần đám đông như đám đông của Lệ Rơi không? Tất cả các bạn trẻ sau khi có trường hợp Lệ Rơi thì nghe tôi hơn. Trước đây, tôi nói không ai nghe, ai cũng thích đám đông, không ai nghe Lê Minh Sơn là: “Hãy tập trung đánh số ít bởi số ít mới nuôi sống em”. Một sản phẩm âm nhạc ra mắt, phải trên cả tình yêu người ta mới mua, nếu người ta không yêu mình thật sự, có cho người ta cũng chẳng thèm nghe.
- Nhưng không chỉ Việt Nam mới có Lệ Rơi. Anh chàng gốc Á hát thảm họa tại American Idol hay anh chàng Ấn Độ hát dở vẫn kiếm hàng chục nghìn đô, anh nghĩ sao?
- Đó là sự làm trò của nhà sản xuất với đám đông hiếu kỳ. Tôi cũng là nhà sản xuất nhưng tôi không suốt ngày nhăm nhăm xem có gì dị hợm, quái đản để đưa lên.
Tôi làm tất cả mọi việc xuất phát từ nhu cầu chia sẻ. Tôi không kỳ vọng gì. Điều đó làm tôi thoải mái bởi tôi chẳng bao giờ thất vọng. Tình yêu cũng nên như thế.