Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ tảo mộ kỳ lạ của người Chăm

Nghĩa trang của người Chăm Bani ở Ninh Thuận không có lăng mộ. Nấm mồ là những hòn đá tròn xếp thành hàng dài nhưng gia đình của người đã khuất vẫn có thể nhận ra một cách dễ dàng.

Tết Ramưwan là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Bani theo đạo Hồi (đã bản địa hóa). Nghĩa trang làng Văn Lâm, xã Nam Phước, Ninh Phước (Ninh Thuận) nằm trên bãi cát rộng mênh mông là nơi diễn ra lễ tảo mộ.
Lễ Ramưwan gồm có ba phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường. Tảo mộ là lễ khởi đầu tháng lễ Ramưwan, tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bani đều tham dự. Đặc điểm của nghĩa trang người Chăm Bani là không có lăng mộ, nấm mồ là những hòn đá tròn xếp thành hàng dài. Điều đặc biệt là gia đình của người đã khuất vẫn có thể nhận ra.
'Thầy Char”, người chủ lể trong gia đình với trang phục và khăn quấn đầu truyền thống của người Chăm Bani.
Năm nay lễ Ramưwan diễn ra trong 3 ngày 26, 27 và 28/6.
Lễ vật để cúng rất đơn giản, gồm bia, nước trà đóng chai, lá trầu không, bánh hoặc những con mực khô, cá khô.

Sau khi gia đình cùng nhau vun vén cho ngôi mộ, Thầy Char tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế và làm cho người chết được sạch sẽ, thanh khiết hơn.

Tiếp theo là nghi thức xức dầu lên ngôi mộ bằng cái tách nhỏ đựng dầu và một ít bông gòn chấm lên hòn đá.
Thầy Char đọc kinh trong khi phụ nữ và con cháu quỳ đối diện van vái.

Dưới cái nắng chói chang giữa mùa hè miền Trung, những người phụ nữ nằm úp mặt sát mặt cát nóng bỏng để vái lạy.

Người lớn tuổi thì làm những động tác khóc than, tiếc thương người chết để cho con cháu trông thấy mà làm theo.
Trước đây người Chăm theo đạo Islam (Hồi giáo chính thống) sống tập trung ở các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Đồng Nai,Tây Ninh, An Giang… Hiện nay đã có một số người Chăm Bani ở Ninh Thuận chuyển theo đạo Hồi Islam (gọi là đạo Hồi mới), đàn ông không quấn khăn mà đội mũ.
Những người Chăm theo đạo Hồi Islam lại khắc họ tên và ngày mất lên hai hòn đá, hoặc đúc bằng xi măng có tráng men để ghi nhớ. Và trong ngày tảo mộ, họ ngồi chung quanh ngôi mộ đọc kinh và tưởng niệm, chứ không cúng lễ vật và thắp hương như người Chăm Bani.

Một người đàn ông ngồi trầm ngâm bên ba ngôi mộ của người thân (cứ hai hòn đá đối diện là một ngôi mộ) đã được tưới nước.

Sau khi cúng xong gia đình tụ họp lại ăn uống ngay bên những ngôi mộ giữa trời nắng chang chang rồi đi chợ mua gà về chuẩn bị ăn Tết.

Huỳnh Văn Nam

Bạn có thể quan tâm