Trần Văn Quý (24 tuổi, quê Hải Phòng), hiện là quản lý của quán Bụi Xuyên Việt Travel Pub & Coffee ở Hà Nội. 9X còn nhận dẫn tour cho du khách nước ngoài, Việt kiều, qua đó để nâng cao khả năng ngoại ngữ của bản thân.
Chàng trai tiết lộ kế hoạch rằng bạn sẽ lên Hà Nội từ mùng 2 Tết để dẫn tour cho 6 vị khách tham quan Hà Giang, Fansipan, Sa Pa (Lào Cai).
"Ngoài mục đích học tiếng Anh, mình cũng muốn trải nghiệm chuyến đi trong những ngày đầu tiên của năm mới, tận hưởng không khí tuyệt vời của Tết vùng cao”, 9X tâm sự.
Quý không được học ngoại ngữ bài bản nên việc giao tiếp và “chém gió” với người nước ngoài là cơ hội thực tế rất tốt giúp chàng trai Hải Phòng nâng cao khả năng tiếng Anh.
"Trước đây, mình không dám nói chuyện với người nước ngoài. Sau khoảng thời gian bên khách Tây trong các chuyến đi, mình tự tin hơn rất nhiều", chàng trai kể và khẳng định muốn học ngoại ngữ tốt rất cần sự tự tin.
Trần Văn Quý (thứ 2 từ trái qua phải). |
Nhận tour, hướng dẫn viên sẽ bị ép phải nói tiếng Anh. Nó không phải học thuộc bài để kiểm tra 15 phút hay biết cách chia động từ. Khả năng ngoại ngữ của bạn trẻ sẽ phát triển rất nhanh qua những tình huống giao tiếp đời thường.
Quý chia sẻ dẫn đoàn du lịch đầu năm, bạn sẽ biết thêm nhiều từ mới về Tết của đồng bào vùng cao. Người dân du xuân, chơi xuân và ăn Tết cả tháng giêng nên có nhiều địa điểm thú vị để khám phá.
9X cũng thừa nhận phải hy sinh thời khắc đầu năm bên gia đình để có những trải nghiệm thú vị về ngoại ngữ, cảnh quan đẹp, phong tục giàu truyền thống dịp Tết...
Trào lưu học ngoại ngữ qua thực tế
Cùng mục đích làm việc với người nước ngoài để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ như Trần Văn Quý, Ngô Quang Tùng (sinh viên năm thứ tư khoa Hóa, Đại học Bách Khoa Hà Nội) thường ra hồ Gươm "săn" Tây. Nam sinh còn nhận dẫn tour cho người du lịch nước ngoài.
Tùng tâm sự có ngày cậu đi bộ hơn 10 km để hướng dẫn khách. Hành trình của nam sinh thường bắt đầu từ hồ Hoàn Kiếm, đi lòng vòng phố cổ ra nhà giam Hỏa Lò, lên Hồ Tây và tối tham quan cầu Long Biên.
“Dẫn tour làm mình béo lên vì phải giới thiệu đồ ăn ngon cho du khách nước ngoài. Họ đều thích phở nên có ngày mình ăn hai lần món này ở Lý Quốc Sư”, Tùng nói.
Quang Tùng chủ yếu hướng dẫn miễn phí cho du khách. Cậu muốn giới thiệu phong cảnh, đất nước và món ăn ngon để người nước ngoài biết đến Việt Nam nhiều hơn.
“Được giao tiếp với du khách, mình tự tin hơn nhiều. Bên cạnh việc học được từ mới, mình còn biết thêm về văn hóa của những người bạn xa xôi”, chàng sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay.
Tiếp xúc với khách nước ngoài, Tùng thấy tự tin nhiều hơn để xin học bổng du học.
|
Một trường hợp khác tham gia phong trào học tiếng Anh qua hoạt động thực tế là Đỗ Thị Duyên, sinh viên năm 2 chuyên ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Nữ sinh 20 tuổi đang là giáo viên của trung tâm Wow English và trợ giảng cho trung tâm Anh ngữ Langmaster.
Phương pháp học nói của cô bạn này khá thú vị, đó là tự nói cho mình nghe. “Trời mưa, mình sẽ nói về mưa, hát những câu về mưa bằng tiếng Anh. Nhiều người đi đường không biết mình lảm nhảm cái gì. Có lúc, mình vấp ngã vì say sưa nói quá”, Duyên kể lại.
Cô sinh viên trường báo từng nhận từng là người kém tiếng Anh, nghe người nước ngoài nói không hiểu gì. Nhờ va vấp thực tế, trình độ ngoại ngữ của 9X được cải thiện đáng kể.
Nguyễn Thu Trang (năm thứ nhất khoa tiếng Trung, Đại học Thăng Long) chia sẻ rằng bạn đi làm thêm lương thấp, nhiều lần bị sếp quát mắng, nhưng vẫn quyết tâm theo để tăng thêm vốn từ vựng và ngoại ngữ.
“Môi trường càng quyết liệt, mình càng học hỏi được nhiều”, Trang nêu quan điểm.
Tìm cơ hội du học
“Người nước ngoài không quá chú trọng bằng cấp mà họ yêu cầu về khả năng thực tiễn. Mình sẽ thử sức nhiều với những công việc liên quan ngoại ngữ”, Duyên bật mí về mục đích học tiếng Anh.
Cô hướng tới việc tìm học bổng du học và xa hơn là trở về mở một trung tâm Anh ngữ, giúp các bạn trẻ.
Sau khi hoàn thành chương trình ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ngô Quang Tùng dự định thi IELTS và sang trời Tây nghiên cứu.
“Công việc dẫn tour đã cho mình tiếp xúc những người bạn mới đến từ khắp các quốc gia. Du học sẽ là cánh cửa mới mà mình muốn bước qua”, chàng trai nói.
Nguyễn Thu Trang thì ấp ủ sang Trung Quốc vào năm sau để học tiếp. Trần Văn Quý từng có thời gian học tiếng Nhật để du học, nhưng vì một số lý do mà tạm hoãn ước mơ. Bạn mong muốn có điều kiện và cơ hội học ở nước ngoài.
Với những bạn trẻ này, giấc mơ vươn mình ra thế giới đang bắt đầu từ việc rèn luyện và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ.