ĐH Ngoại thương cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kể từ ngày 25/5, trường không thu hồ sơ trực tiếp của thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức tuyển sinh riêng.
Đối với thí sinh đang ở trong các khu vực cách ly đặc biệt, không thể nộp hồ sơ bản cứng từ vùng đó về các điểm tiếp nhận hồ sơ, nhà trường cho phép thí sinh làm đơn đề nghị được hoãn nộp hồ sơ (bản cứng) kèm cam kết về tính trung thực của hồ sơ online gửi về địa chỉ email quy định của trường.
Các trường tìm cách đảm bảo quyền lợi tuyển sinh cho tất cả thí sinh trong vùng dịch. Ảnh: Diệp An. |
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải, cho hay, thời gian tuyển sinh phụ thuộc vào thời gian thi tốt nghiệp THPT vì có phương thức tuyển sinh xét kết quả kỳ thi này. Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tổ chức kỳ thi theo thời gian đã quy định, nên nhà trường vẫn xét tuyển như đã công bố. Với phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhà trường đã chuyển sang hình thức trực tuyến, thí sinh đăng ký và nộp minh chứng online. Thời gian nộp học bạ trực tuyến từ ngày 19/5 đến 20/6.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, nhiều trường đại học khác cũng đã điều chỉnh kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực.
ĐH Sư phạm TP.HCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ đến ngày 23/6 bằng hình thức trực tuyến. Quy định này nhằm hạn chế việc thí sinh phải trực tiếp đến trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nhà trường hướng dẫn khá chi tiết cách thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh, thí sinh thực hiện cũng như nộp lệ phí đăng ký trực tuyến rất dễ dàng.
Học viện Tài chính tạm thời chưa nhận hồ sơ nộp trực tiếp của thí sinh. Hiện nhà trường hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến đến ngày 6/6. Các trường khác như ĐH Thủy lợi, ĐH Công nghiệp TP.HCM… cũng thu hồ sơ phương thức xét tuyển riêng bằng hình thức trực tuyến.
Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh các đợt thi
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa thông báo gia hạn thời gian đăng ký dự thi và điều chỉnh lịch thi tuyển sinh các môn năng khiếu năm 2021. Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến đến 17h ngày 25/6.
ĐH Sài Gòn cũng vừa thông báo chuyển hình thức ôn tập các môn năng khiếu từ trực tiếp sang trực tuyến. Khi các hoạt động dạy-học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục trên ở TP.HCM được phép hoạt động trở lại, trường sẽ tổ chức ôn thi trực tiếp và sẽ có thông báo sau.
Trong khi đó, hai địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 là Bắc Ninh và Bắc Giang đều có đề nghị đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Sơn, đề nghị, đối với thí sinh tham dự thi đợt 2, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng dành chỉ tiêu tuyển sinh để các em an tâm vẫn có cơ hội xét tuyển năm nay.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, ông Trần Tuấn Nam, cũng đề nghị cho phép thí sinh có nguyện vọng xét tuyển theo học bạ và xét tuyển thẳng không nộp hồ sơ đúng hạn do phải cách ly được nộp hồ sơ chậm hơn so với quy định.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho hay, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thành 2 đợt, trường sẽ dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2 để đảm bảo quyền lợi cho các em. TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định sẽ dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2, giống như năm 2020.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, nói rằng, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành các đợt khác nhau, công tác tuyển sinh nên áp dụng theo cách làm của năm 2020, nhằm hài hòa giữa quyền lợi của thí sinh và nhà trường. Theo lãnh đạo Học viện Tài chính, rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, nhà trường có điều chỉnh trong đề án tuyển sinh về chỉ tiêu với các phương thức xét tuyển. Theo đó, tổng chỉ tiêu của học viện là 4.000 sinh viên, trong đó xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT ít nhất bằng 50%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển kết hợp.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo chủ động chuẩn bị phương án điều chỉnh kế hoạch dạy và học để ứng phó kịp thời khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần bảo đảm an toàn trong các sự kiện kết thúc năm học, đồng thời lên phương án dự phòng trong công tác tuyển sinh năm 2021. Mặt khác, chuẩn bị các điều kiện dự phòng về nhân lực, cơ sở vật chất khi có yêu cầu và theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.