S
elfie, quay phim tại nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp... nhằm "kiếm fame" trên mạng là trào lưu không còn xa lạ với người ưa độ cao trên thế giới và bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Sau bài viết "rooftopping" đã đến Việt Nam, nhiều bình luận của độc giả được gửi về Zing.vn. Phần lớn bày tỏ sự sợ hãi, cũng như phản đối trò chơi này du nhập vào nước ta.
Tử thần luôn dõi theo 'rooftopper'
"Nhìn thôi cũng cóng cả chân", "Yếu tim không nên xem", "Tay chân bủn rủn, toát hết mồ hôi", "Lạnh sống lưng"... là phản ứng của nhiều độc giả khi xem video trình diễn "rooftopping" của Oleg Sherstyachenko - cái tên hot nhất nhì trong cộng đồng "rooftopper".
Họ nhận định ma lực từ sự nổi tiếng, lời tung hô, tiền bạc khiến những người như Oleg bất chấp mạng sống để thể hiện bản thân. Khi chính "rooftopper" không trân trọng sinh mạng, người ngoài cuộc không tìm được lý do để cảm thông.
"Toàn những người thích sống ảo mới chơi trò này. Sinh mạng của bản thân mà không biết quý trọng thì ai rảnh đâu đi quý trọng hộ?", độc giả Duy viết.
Đồng tình với quan điểm trên, Anh Ngọc cho rằng hình hài cha sinh mẹ đẻ cho mà không biết trân trọng là người con bất hiếu. Trong khi nhiều người "tàn nhưng không phế", luôn cố gắng sinh hoạt như người bình thường, "rooftopper" lại tự nộp mạng cho thần chết.
Nóc nhà chọc trời càng cao, càng khó tiếp cận càng có sức hút với các "rooftopper". Ảnh: a_remnev. |
Điều khiến độc giả Đăng lo ngại nhất là "rooftopper" làm liên lụy tới nhiều người khi tham gia thử thách nóc nhà chọc trời.
"Nếu lỡ như rơi xuống, hậu quả với người thực hiện đã đành, chẳng may rơi trúng ai đó bên dưới và biết đâu họ lại là trụ cột của gia đình... Đau thương sẽ không thể bù đắp cho người thân của nạn nhân. Hãy suy nghĩ lại đi, đừng hành động như vậy nữa", người này viết.
Ở một số nước, "rootopping" là trò khá phổ biến - Nga, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ, phản ứng của độc giả dành cho thú chơi này phần lớn là không tích cực.
"Tử thần đang dõi theo rooftoppers và có thể mang họ đi bất cứ khi nào. Tôi không bao giờ chơi trò ngu ngốc này", một độc giả The Guardian khẳng định.
Ronald Butler bình luận dưới bài về "rooftopping" đăng trên USA Today rằng chơi với không trung là đang khiêu chiến với "mẹ thiên nhiên". Và người chiến thắng luôn không phải con người.
Ngoài cộng đồng "rooftoper", trào lưu "rooftopping" không được chào đón ở nhiều nơi. Ảnh: Olegcricket. |
Cần có biện pháp ngăn chặn
Trong khi "rooftopping" phổ biến ở nước ngoài từ nhiều năm nay, trào lưu này chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.
Video 3 nam thanh niên leo lên nóc tòa nhà 38 tầng được cho là Central 1 (cao 158 m, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) là số ít bằng chứng cho thấy "rooftopping" có thể đã đến nước ta.
"Toàn du nhập mấy trào lưu vớ vẩn, cái tốt thì sao không học hỏi”, độc giả Seven bức xúc.
Quốc Lâm cho rằng không nên hoan nghênh mọi người đùa với tử thần, vì người chịu thiệt sẽ luôn là bản thân và người thân.
Người trẻ tham gia "rooftopping" có thể chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ? Ảnh: Angela Nikolau. |
"Chỉ có những người vấn đề về suy nghĩ thì mới đi làm những việc nguy hiểm như vậy. Họ hoàn toàn không nhận thức được hậu quả", Nam Toàn viết.
Lê Minh nói cần có biện pháp ngăn chặn ngay trò chơi vô bổ "rooftopping" trước khi quá muộn.
"Một số việc có thể ngăn thử thách nóc nhà chọc trời lan rộng, ngoài phạt tiền, phạt lao động công ích... như ở nước ngoài là tăng cường kiểm soát an ninh khu vực nhà cao tầng.
Cảnh sát cũng nên mở đường dây nóng để mọi người trình báo tin liên quan đến rooftopper", người này nói.
Hương Giang (sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền) đóng góp thêm giải pháp ngăn chặn "rooftopping" là cha mẹ nên quan tâm con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên, bởi khi ấy tâm sinh ý chưa ổn định, còn nhiều sốc nổi. "Rooftopping" chắc chắn không phải trò chơi dành cho họ.
"Rooftopping" là trào lưu mà người tham gia, được gọi là "rooftopper", trốn lực lượng an ninh, không sử dụng đồ bảo hộ, thực hiện các động tác nguy hiểm trên nóc tòa nhà chọc trời.
Mục đích của họ là có được ảnh chụp, video ngoạn mục đăng lên mạng xã hội. Thiết bị ghi hình thường là camera gắn trên đầu, máy quay GoPro hay "combo" điện thoại và gậy selfie.
"Rooftopping" được cho là ra đời ở Nga, "biến tướng" từ trào lưu tồn tại hàng chục năm nay, với tên gọi "urban exploration" (tạm dịch: Thám hiểm đô thị).