Được phụ huynh mua nhà, nhiều sinh viên vẫn cho biết điều này không vui như nhiều người nghĩ. Ảnh: Pexels. |
Đầu năm 2022, Lê Giang (20 tuổi) chuẩn bị ra Hà Nội học đại học. Bố nam sinh quyết định chi tiền mua một căn nhà một tầng, có gác xép và rộng 50 m2 để con trai tiện đi học.
Hiện tại, Giang là sinh viên năm 2, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Trường ở quận Bắc Từ Liêm, trong khi đó, nhà cậu ở quận Hà Đông, cách trường 17 km. Lịch học từ thứ 2 đến thứ 7, gần một năm nay, mỗi tháng, Giang chi trả hơn 800.000 đồng tiền xăng phục vụ cho việc đi lại.
Nam sinh cho rằng nếu thuê trọ ở gần trường, chi phí di chuyển này sẽ giảm đi rất nhiều. Chưa kể ngày nào đi học cũng tắc đường, Giang phải ra khỏi nhà ít nhất một giờ trước giờ vào học. Tan học, nam sinh cũng lựa chọn quá giờ tan tầm mới ra khỏi trường.
Nhìn chung, một căn nhà bố mẹ mua mang lại sự ổn định và riêng tư hơn hẳn việc đi ở thuê. Dù vậy, một số bạn trẻ than phiền việc di chuyển quá xa để đến trường hoặc chi phí cao của cuộc sống một mình.
Bớt cái này thêm cái kia
Ở một mình, Giang lựa chọn việc ăn uống bên ngoài. Chi phí ăn uống dao động 80.000-100.000 đồng/ngày. Chưa kể tiền điện, nước, mạng hàng tháng, Giang cũng chi một khoản khoảng 600.000-700.000 nghìn đồng.
Tính cả chi phí phát sinh, tổng cộng mỗi tháng, Giang chi tiêu hết hơn 4 triệu đồng, con số này được cho là nhiều hơn các bạn thuê trọ bên ngoài nếu ở ghép.
Không giống Lê Giang, phải đến năm cuối, gia đình Thảo My (22 tuổi) mới quyết định mua nhà ở TP.HCM. Những năm trước đó, cô thuê một phòng trọ rộng 30 m2 và ở cùng 2 người bạn khác.
Phòng trọ có gác xép, được trang bị nội thất và cách trường khoảng 7 km. Tiền thuê trọ, điện nước và đi lại hàng tháng chỉ khoảng 2 triệu/người. Theo Thảo My, đây là số tiền hợp lý, không quá đắt đỏ.
Năm cuối đại học, Thảo My quyết định sẽ lập nghiệp ở TP.HCM. Em gái cô sang năm cũng sẽ vào học đại học cùng chị. Bố mẹ cô vì thế quyết định mua chung cư rộng hơn 70 m2 có 2 phòng ngủ để 2 chị em tiện sinh hoạt. Tuy nhiên, theo Thảo My, ngôi nhà nằm khá xa trung tâm khiến cô bất tiện nhiều bề.
Một góc nhà Thảo My. Ảnh: NVCC. |
Trường My nằm ở quận 4, nhà ở quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức. Mỗi lần đi học phải chạy xe 15 km từ nhà đến trường, nữ sinh tốn hơn một giờ vì kẹt xe, gấp đôi so với khi thuê trọ. Ngoài ra, việc nằm cách xa trung tâm TP.HCM cũng khiến cô trở nên "lười" ra ngoài tụ tập, dù là người ham vui.
Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt theo Thảo My cũng không tiết kiệm hơn là bao.
"Phí quản lý của chung cư mình hơn 800.000 đồng/tháng. Thêm tiền xăng xe, chi phí phụ, điện nước nữa là hơn 1,5 triệu/tháng. Bù lại, an ninh đảm bảo, không gian rộng rãi, mình có thể nuôi thú cưng", cô cho biết.
Trong khi đó, bố mẹ Nguyễn Đức (21 tuổi) mua chung cư tại Hà Nội khi cậu học giữa năm 2 đại học. Trước đó, cậu có hơn một năm thuê trọ bên ngoài cùng một người bạn, gần trường hơn so với nhà ở hiện tại.
So sánh giữa đi thuê trọ và có nhà riêng, Đức khẳng định việc có nhà chắc chắn tiện hơn. Nam sinh cho rằng ở nhà bố mẹ mua sẽ thoải mái, không mất tiền thuê trọ, điện nước cũng được tính theo giá dân.
Tuy nhiên, do phải gánh mọi chi phí một mình, nhà lại không ở trung tâm, xa trường và chỗ làm thêm, nên theo Đức, cuộc sống dù có thoải mái hơn nhưng chi phí không giảm là bao.
“Mọi người thường nghĩ có sẵn nhà để đi học, không ở trọ chắc là sung sướng lắm. Tuy nhiên, mình sẵn sàng đi làm thêm từ năm nhất, hàng tháng bố mẹ không phải trợ cấp phí sinh hoạt quá nhiều. Bố mẹ mua nhà một phần vì sang năm em gái mình cũng ra Hà Nội học”, Đức nói.
Loay hoay tính toán
Việc ở một mình bắt buộc Thảo My phải tập lo toan mọi thứ, từ thắp hương vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng đến sửa chữa đồ lặt vặt trong nhà.
"Không phủ nhận việc ở một mình khiến mình trưởng thành hơn, nhưng phải công nhận là nhiều lúc hơi tủi. Thuê nhà ở với bạn bè chi phí cao hơn một chút, nhưng bù lại gần trung tâm, đi đâu cũng được, lại có người trong nhà nên không khí lúc nào cũng vui vẻ", cô nói.
Bạn bè Thảo My trước đó từng gợi ý cô cho thuê nhà rồi dọn về ở chung cùng bạn. Tuy nhiên, cô gạt bỏ suy nghĩ này vì chỉ gần một năm nữa là em gái cô vào TP.HCM. Cô cũng không muốn cho thuê nhà trong thời gian ngắn vì "thủ tục phức tạp và chưa chắc có thể kiếm được người thuê nhà vừa ý".
Ngoài ra, Thảo My cho hay việc ở xa bạn bè thời gian đầu khiến cô cảm thấy bức bí nhưng đổi lại cô có thể tiết kiệm vài khoản chi phí cho việc tụ tập. Cô học cách ở một mình, dành thời gian rảnh để dọn nhà hoặc nấu ăn.
Thảo My học cách sống một mình, dọn nhà và chăm mèo mỗi khi rảnh. Ảnh: NVCC. |
Thảo My còn rước thêm một chú mèo về chăm. Dù mất thêm chi phí gia cố ban công, đầu tư máy lọc không khí và tiền ăn, vệ sinh hàng tháng cho mèo, cô cho hay đây vẫn là một khoản chi xứng đáng phục vụ sở thích.
"Mất thêm chi phí nuôi mèo nhưng đổi lại tinh thần mình thoải mái hơn. So với chi phí dành cho việc tụ tập bạn bè như ngày trước, mình thấy khoản chênh lệch không bao nhiêu, tâm trạng lại có thể vui vẻ", cô nói.
Còn Lê Giang, sau 6 tháng, được sự đồng ý của bố mẹ, cậu rủ thêm 2 bạn cùng quê đến ở cùng để chia sẻ chi phí điện nước và lựa chọn nấu cơm ở nhà để đảm bảo sức khỏe hơn. Chi phí điện nước tăng lên so với ở một mình, tuy nhiên hiện tại chia 3 bạn, Giang cũng nhẹ gánh hơn, nhưng khoản đi lại vẫn không thể cải thiện được.