Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Leviathan’ - Bi kịch hiện đại không chỉ của riêng nước Nga

Bộ phim “Leviathan” có khuynh hướng chỉ trích chính phủ Nga từng gây ngạc nhiên cho giới truyền thông phương Tây khi được nước này chọn làm ứng viên tranh giải tại Oscar 2015.

“Ngươi có thể câu sấu với lưỡi câu, và dùng dây mà xỏ lưỡi nó chăng?

Nó há sẽ cầu ơn nhiều cùng ngươi, và nói với ngươi những lời êm ái sao?

Tại thế thượng, chẳng có vật chi giống như nó, nó được dựng nên để không sợ gì hết.

Nó nhìn xem các vật cao lớn, nó làm vua của các loài thú kiêu ngạo”.

Trích Kinh Cựu Ước, Sách Gióp, Chương 41

Đây là những câu thánh kinh về loài thủy quái Leviathan được vị linh mục già đọc cho nhân vật chính Kolya (Aleksei Serebryakov) khi ông đang lâm vào thời khắc đau khổ đến cùng cực. Leviathan là tên của bộ phim được thực hiện dựa trên một phần câu chuyện của Sách Gióp, và cũng là biểu tượng cho sự đau khổ, bất công kéo dài mãi không dứt của những mảnh đời ở phương Bắc nước Nga đầy trống trải và lạnh lẽo.

Poster của Leviathan tại LHP Cannes 2014.

Những sự kiện trong Leviathan xoay quanh cuộc đời Kolya trong quãng thời gian cực kỳ gian khó. Một mặt, ông phải gắng gượng giữ lấy căn nhà tuyệt đẹp với khung cửa kính nhìn thẳng ra biển Barents lạnh giá và mảnh đất hương hỏa của cha ông khỏi lòng tham của gã thị trưởng Vadim (Roman Madyanov) - người đã thâu tóm toàn bộ chính quyền, từ cảnh sát tới viện công tố và tòa án, nhằm giật lấy mảnh đất đắc địa ấy với cái giá rẻ mạt. Mặt khác, Kolya còn phải đương đầu với những khó khăn từ ngay bên trong gia đình, khi cậu con trai Roma (Sergey Pokhodaev) tỏ rõ sự hằn học đối với người vợ hai Lilya (Elena Lyadova), còn chính Lilya thì dường như đang dần trở nên chán nản với cuộc sống buồn bã nơi phương Bắc.

Sự phức tạp được đẩy lên khi anh chàng luật sư sôi nổi Dmitri (Vladimir Vdovichenkov), đồng đội cũ của Kolya, lặn lội từ tận Moscow tới đây để giúp “ông anh quân ngũ” lấy lại số tiền bồi thường xứng đáng với mảnh đất sắp bị cướp đi. Cuộc đối đấu giữa Kolya và Vadim thực sự không cân sức, bởi Vadim nắm trong tay đủ loại thế lực, thậm chí là cả nhà thờ Chính thống giáo. Còn đứng sau Kolya chỉ là vài người bạn chất phác đến ngây thơ, ngây thơ hệt như chính Kolya - người phần lớn cuộc đời chọn chai vodka làm bạn thân. Có lẽ ở cái xứ sở âm u ấy, vodka là người bạn đáng tin cậy duy nhất của Kolya, hay những người Nga khốn khổ như anh.

Phim là câu chuyện bi kịch của Kolya ở miền Bắc nước Nga lạnh lẽo, xa xôi.

Mang một nội dung u ám là vậy, Leviathan còn càng trở nên ám ảnh hơn nhờ cách kể chuyện giản dị nhưng mang đầy tính biểu tượng của đạo diễn Andrey Zvyagintsev cùng những nhân vật có vẻ ngoài thô ráp, hồn hậu, thậm chí là cam chịu, nhưng lại ẩn chứa sự suy tư và tình cảm hết sức mãnh liệt. Một trong những “nhân vật” để lại ấn tượng sâu sắc nhất của bộ phim chính là không gian bối cảnh: một thành phố từng có thời phồn thịnh nhưng nay trở nên xơ xác và tàn lụi giữa thiên nhiên bao la và u ám đến cùng cực.

Cái bối cảnh ngột ngạt ấy dường như khiến các nhân vật của Leviathan càng trở nên mụ mị và lạc lối giữa những đau khổ triền miên, khi mà cả Đức Chúa trời cũng chẳng thể chỉ được cho họ một lối thoát. Bức áp phích rất ấn tượng của Leviathan khi dự tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2014 là hình ảnh một cậu bé gục đầu bên bộ xương cá voi trắng giữa bãi lầy mênh mông ven biển. Có lẽ nhóm nhân vật của Leviathan cũng chính là những con cá voi khốn khổ ấy, những con cá voi bị mắc cạn nơi bãi lầy để rồi chết dần chết mòn trong tuyệt vọng và không còn có thể thấy lại biển lớn.

Leviathan từng gây không ít tranh cãi tại nước Nga nhưng thực tế bộ phim lại được nhà nước tài trợ kinh phí và khuyến khích tham gia tranh tài tại các LHP Quốc tế.

Việc Leviathan được chính phủ nước Nga tài trợ kinh phí thực hiện và lựa chọn dự tranh Oscar 2015 tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc đem đến cho giới truyền thông phương Tây nhiều sự ngạc nhiên. Bởi theo họ, Leviathan chính là một thông điệp chỉ trích chua cay nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nga Putin và Giáo hội Chính thống giáo Nga. Cách nhìn đó cũng có thể là hợp lý, khi người xem được chứng kiến cảnh gã thị trưởng Vadim ngồi chễm chệ giữa văn phòng, phía trên là bức chân dung của chính Tổng thống Putin. Vadim ở đó chỉ đạo cả cảnh sát, công tố và tòa án tìm mọi cách để triệt hạ “hai kẻ bất trị” Kolya và Dmitri. Những khốn khổ trong đời Kolya và những mảnh đời, những khung cảnh đổ nát xung quanh ông, bởi thế cũng chính là hậu quả của chính quyền hắc ám tìm mọi cách bóp nghẹt cuộc sống của họ, đúng như cái cách truyền thông phương Tây mô tả về xã hội Nga hiện đại dưới thời Tổng thống Putin.

Nhưng nếu như xóa đi bức ảnh của Putin, và thay những cái tên Nga, những giọng nói Nga bằng những cái tên, giọng nói ở một xứ sở khác, thì có lẽ người xem vẫn cảm nhận từ  Leviathan dư vị cay đắng của những số phận bi kịch giữa thiên nhiên và lòng người lạnh lẽo. Cá nhân đơn độc chống lại cả bộ máy công quyền đồ sộ để giữ lại những gì thuộc về cá nhân - đó có thể là bi kịch của Kolya, anh chàng người Nga với cái đầu nóng và trái tim dành hết cho vợ con. Nhưng đó cũng có thể là bi kịch của Marvin Heemeyer, người thợ máy Mỹ cô độc dùng xe ủi phá nát cả trụ sở cảnh sát và chính quyền - những người mà ông cho là đã gây ra bất công cho bản thân trước khi tự kết liễu đời mình ở một thành phố nhỏ thuộc miền Tây Nam Hoa Kỳ. Theo lời đạo diễn Zvyagintsev, Leviathan chính là bi kịch của Heemeyer được đặt trong bối cảnh nước Nga với những vấn đề xã hội rất riêng, để cho thấy rằng dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào thì cuộc sống bình thường cũng tràn ngập những số phận khổ đau cần được trân trọng.

Leviathan từng thất bại tại LHP Cannes 2014 nhưng vừa thắng giải tại Quả cầu vàng 2015. Điều này giúp đại diện đến từ nước Nga là ứng cử viên số một tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar 2015.

Tại liên hoan phim Cannes 2014, Leviathan thất bại trước Winter Sleep của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đua giành giải thưởng Cành cọ vàng. Đây là hai bộ phim hết sức khác nhau về bối cảnh và cách kể chuyện, một là câu chuyện trầm lắng và buồn bã trên xứ cao nguyên đồi núi Thổ Nhĩ Kỳ; một là bi kịch bạo liệt ở thành phố biển cực Bắc nước Nga. Tuy nhiên, cả hai đều rất thành công trong việc khắc họa câu chuyện mang tính phổ quát về số phận của những con người nhỏ bé, bình thường trong xã hội với nỗi đau chung về sự cô đơn, về những mất mát tình cảm, niềm tin, và cả về những bất công thường nhật trong xã hội. Những bộ phim này có thể thiếu tính giải trí, có thể không đem lại cảm giác thoải mái sau khi theo dõi, nhưng chắc chắn sẽ khiến khán giả cảm thấy nhức nhối và thấu hiểu. Bởi những số phận, những mảnh đời được khắc họa trên phim đều có thể bắt gặp ở ngoài đời thực.

Leviathan giành chiến thắng tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Quả cầu vàng 2015. Phim cũng lọt vào vòng đề cử cuối của hạng mục tương tự tại giải thưởng Oscar 2015 sắp sửa được trao vào trung tuần tháng 2 tới.

Việt Phương

Bạn có thể quan tâm