Lexus LFA và 10 năm biến giấc mơ thành hiện thực
Chiếc LFA thứ 500 đã xuất xưởng và cũng là dấu chấm hết cho siêu xe đến từ Nhật Bản, tuy nhiên những thông tin thú vị về nó không phải ai cũng biết.
Ông Tanahashi, Trưởng bộ phận phát triển dự án LFA. |
Ý tưởng sản xuất siêu xe LFA nhen nhóm trong một cuộc nói chuyện tại quán bar giữa thiết kế trưởng của dự án LFA sau này và người đứng đầu đội ngũ kỹ sư Toyota toàn cầu. Ông Tanahashi, Trưởng bộ phận phát triển dự án LFA, cho biết: "Trong cuộc nói chuyện với cấp trên của tôi tại một quá bar, tôi đã nói về việc ấp ủ phát triển một siêu xe và nhận được sự đồng thuận".
Dòng nhật ký đầu tiên của Tanahashi về quá trình phát triển LFA ghi rõ: "Ngày 10/2/2000, tại thành phố Shibetsu (Hokkaido), Hattori phê chuẩn việc nghiên cứu một siêu xe đỉnh cao".
Tanahashi bên những trang nhật ký về quá trình phát triển LFA. |
Ban đầu, xe được thiết kế với ý tưởng sử dụng hợp kim nhôm, và đây là loại vật liệu được ưu tiên cho đến tận năm 2005 thay vì dùng sợi carbon, do Tanahashi có những hiểu biết rất sâu về loại vật liệu này.
Dự án sản xuất LFA khi đó luôn nằm trong danh sách có thể bị "khai tử" bất cứ lúc nào, đặc biệt là sau mỗi lần thất bại. Chính vì vậy, đội ngũ kỹ sư tham gia dự án đã phải hết sức cẩn trọng và nghiêm túc rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại. Mặc dù vậy, LFA luôn nhận được sự ủng hộ kịp thời của một vị lãnh đạo Toyota. Cũng may, đó là thời kỳ Toyota đang trên đường phát triển.
Bản concept LFA đầu tiên. |
Năm 2005, bản concept LFA ra mắt tại triển lãm ô tô Detroit, với những nhận xét tốt. Đây cũng là lúc các siêu xe đình đám trên thế giới bắt đầu sử dụng loại vật liệu sợi carbon. Do đó, Tanahashi phải đối mặt với một quyết định hết sức khó khăn, sử dụng vật liệu “chất dẻo- sợi carbon” (CFRP) để giảm trọng lượng xe, tuy nhiên loại vật liệu này có giá thành quá cao và việc chuyển đổi có thể làm chậm lại quá trình phát triển của LFA thêm nhiều năm.
Một trong 2 chiếc máy chế tạo bộ phận từ sợi carbon trên thế giới. |
Mặc dù vậy, cuối cùng Tanahashi đã phải lựa chọn CFRP để sản xuất siêu xe LFA. Về bản chất, CFRP là sự kết hợp từ hai loại vật liệu khác nhau, sợi carbon và nhựa epoxy. Do đó, CFRP có trọng lượng rất nhẹ nhưng lại vô cùng chắc chắn, tuy nhiên giá thành của CFRP rất đắt. Bên cạnh đó, quy trình để sản xuất CFRP và các bộ phận trên siêu xe LFA cũng được đảm bảo vệ sinh ở mức cao nhất, một hạt bụi cũng không được lọt vào trong những căn phòng sản xuất này. Phòng sản xuất còn được ví như một thiên đường, bởi điều kiện làm việc rất lý tưởng: sạch tối đa, nhiệt độ duy trì ở mức 22 độ C và độ ẩm 60%.
Những người ra vào khu vực sản xuất LFA đều phải thực hiện các bước đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt. |
Để làm ra phần thân từ CFRP của LFA cần đến 4 ngày, trong khi một chiếc xe bình thường có thể được xuất xưởng với số lượng cả nghìn chiếc một ngày. Sau đó, phần thân xe được mang đi sơn và tiến hành lắp ráp.
Trong số 30 màu sơn mà khách hàng có thể chọn lựa, màu đen tuyền và trắng tưởng như đơn giản, nhưng lại khiến đội ngũ kỹ sư của Lexus mất nhiều thời gian thực hiện nhất. Một số công đoạn trong quá trình lắp ráp LFA đều được thực hiện thủ công rất tỉ mỉ và công phu. Chính vì vậy, các kỹ sư của Lexus đã trêu đùa rằng, LFA được chế tạo từ 65% là CFRP, 35% từ hợp kim nhôm và 100% từ niềm đam mê.
Màu sơn trắng khiến đội ngũ thực hiện mất khá nhiều thời gian. |
Động cơ V10 của LFA cũng được phát triển và trải qua nhiều thử nghiệm nghiêm ngặt. Được chế tạo từ nhôm, titan, magie và công nghệ tiên tiến, nên động cơ của LFA là sự kết hợp hoàn hảo giữa các yếu tố nhỏ như động cơ V8, nhẹ tương đương động cơ V6 và có sức mạnh không thua kém gì động cơ V12. Thông số chi tiết của động cơ là loại V10 4,8 lít, công suất cực đại 552 mã lực và mô-men xoắn cực đại 480 Nm. Những giấy tờ hồ sơ liên quan đến các việc lắp ráp động cơ của mỗi chiếc LFA đều được ghi chép và lưu trữ trong ít nhất 50 năm sau.
Động cơ V10 của xe thừa hưởng những ưu điểm từ các loại động cơ khác. |
Trong số 500 mẫu xe được sản xuất, có 50 chiếc xuất xưởng với gói trang bị Nurburgring Package và có giá bán cao hơn 70.000 USD so với bản tiêu chuẩn. Với gói trang bị này, LFA sẽ tăng thêm đáng kể ở sức mạnh động cơ và cải thiện đặc tính khí động học.
Hồ sơ về mỗi chiếc LFA được lưu trữ cẩn thận trong nhiều năm. |
Tất cả các mẫu xe ý tưởng của Lexus đều phải được đặt tên một cách nghiêm ngặt, trong đó LF là viết tắt của “Lexus Future”, còn chữ “A” được Tanahashi chọn ngẫu nhiên, nên ban đầu siêu xe này có tên LF-A. Đến năm 2009, siêu xe LF-A được rút gọn tên thành LFA để tham dự triển lãm Tokyo.
Để hoàn thiện một chiếc LFA, các kỹ sư của Lexus phải làm việc liên tục trong 8 ngày. Tuy nhiên, trước khi đến tay khách hàng, LFA phải vượt qua quá trình thử nghiệm kéo dài trong một tuần nữa.
Lắp bộ bảo vệ lốp trước khi tiến hành chạy thử xe. |
Quá trình chạy thử LFA được thực hiện bởi Amano, một tay lái chạy thử xe chuyên nghiệp tại Nhật Bản. Chiếc LFA mang ra chạy thử được trang bị bộ lốp riêng, đồng hồ công-tơ-mét được giữ nguyên và khi xuất xưởng, người ta sẽ ghi chú rằng, quãng đường đã chạy đó là một phần trong quá trình sản xuất LFA.
Mặc dù có giá bán rất cao, 375.000 USD cho phiên bản tiêu chuẩn, nhưng 500 siêu xe này đã được bán hết theo đơn đặt hàng trước khi LFA chính thức đi vào sản xuất.
Quá trình chạy thử nghiệm xe kéo dài trong một tuần. |
Để phát triển LFA, người ta đã phải bỏ ra đến 10 năm, cùng với đó là rất nhiều nghiên cứu và những công nghệ mới ra đời để phục vụ cho LFA. Chính vì vậy, khả năng sinh lợi nhuận đối với LFA là không cao. Lý do để Lexus “nuôi dưỡng” dự án này chỉ có thể lý giải là họ đang “tiền trạm” cho những mẫu xe sẽ sản xuất với số lượng lớn hơn trong tương lai. Đặc biệt, hệ thống xưởng carbon của hãng vẫn được duy trì để phục vụ về sau, dù LFA đã dừng sản xuất.
Một chiếc máy ép khổng lồ cũng chỉ sản xuất được một bộ phận của LFA mỗi ngày. |
Thân xe chờ lắp ráp và sơn. |
Bộ ống xả được chế tạo từ titan. |
Mỗi loại CFRP được sử dụng cho từng mục đích khác nhau. |
Kiểm tra mô-men xoắn. |
Đánh dấu những chiếc xe đã hoàn thành. |
Số hiệu của mỗi chiếc LFA khi xuất xưởng. |
Tuấn ngọc
Theo Infonet